Đũa tre tiện lợi có thể gây ung thư

20/09/2017 - 11:25

PNO - Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng những loại đũa tre, tăm tre, que xiên thức ăn bằng tre dễ bị nấm mốc, có nguy cơ sản sinh ra chất có thể gây ung thư.

Đũa tre tiện lợi ngày càng được sử dụng phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng những loại đũa tre, tăm tre, que xiên thức ăn bằng tre dễ bị nấm mốc, có nguy cơ sản sinh ra chất có thể gây ung thư. 

Giá rẻ, tiện lợi, nguồn gốc mập mờ 

Đũa tre tiện lợi (ảnh) được chuộng bởi dùng xong một lần là có thể vứt bỏ. Giá thành rẻ, chỉ ở mức 12-40 ngàn đồng/bó 50 đôi, tùy theo loại và mẫu mã khác nhau.

Dua tre tien loi co the gay ung thu
 

Việc tìm mua các loại đũa tiện lợi này rất dễ dàng, từ chợ nhỏ đến chợ lớn và cửa hàng bách hóa đều có, bởi nhu cầu sử dụng của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, đáng nói, chỉ một số ít các loại đũa tre tiện lợi này có nhãn mác rõ ràng, còn đa phần chỉ là hàng trôi nổi, không có thông tin xuất xứ. 

Người mua - kẻ bán chỉ cần thấy các đôi đũa tre được bọc trong lớp ni-lông mỏng trông có vẻ sạch sẽ và “tiệt trùng” là vô tư mua và bán. Mọi người không biết, cũng chẳng quan tâm đũa này do đâu sản xuất, hạn sử dụng bao lâu, lưu ý bảo quản thế nào hay cảnh báo xuất hiện các hiện tượng nấm mốc thì phải bỏ đi... Mãi tới khi có thông tin các loại đũa tre tiện lợi này có nguy cơ gây nhiễm độc cao thì nhiều người mới giật mình lo lắng.

Cách đây không lâu, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (Bộ Y tế Đài Loan) thông tin trên website đã phát hiện một số mẫu đũa ăn tiện lợi dùng một lần đang lưu hành trên thị trường Đài Loan bị tồn dư chất hydrogen peroxide (H2O2 - có tác dụng khử mùi, kháng khuẩn, chống mốc tồn dư trong các mẫu đũa có nguy cơ gây ung thư cao, gây tổn hại hệ tiêu hóa, gan phổi, tuyến tụy, tổn thương mô và có thể gây mọc lông ở lưỡi nếu sử dụng phải hàm lượng quá mức cho phép và sử dụng nhiều lần). 

Trước  đó, Đài Loan cho biết đã thu giữ 250 mẫu đũa tiện lợi tại 170 cửa hàng và phát hiện chất gây hại ở hàm lượng cao.

Dua tre tien loi co the gay ung thu
 

Nói về đũa ăn này, kỹ sư hóa học Bùi Văn Cứ (chuyên viên Hiệp hội Tinh dầu hóa mỹ phẩm Việt Nam) giải thích: “Nhiều nhà sản xuất dùng cả tre non, loại rất dễ bị mối mọt để làm đũa tre tiện lợi. Và để khắc phục nhược điểm này, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng hóa chất, xử lý bằng các phương pháp công nghiệp. Vấn đề ở đây là hóa chất, liều lượng, cách thức xử lý có đúng hay không. Một thực tế đáng sợ đang diễn ra và không thể chấp nhận được là để sản xuất nhanh, nhiều sản phẩm và hạ giá thành, không ít  nơi vót tre xong, thả luôn vào chậu nước pha hóa chất không rõ nguồn gốc để đũa trắng và xông hóa chất vô tội vạ để không bị mối mọt. Những đũa tre tiện lợi “ngậm” hóa chất kiểu đó sẽ là hiểm họa ẩn tàng gây bệnh cho người tiêu dùng, đặc biệt là các bệnh ung thư”.

Nguy nhưng phải xài

Tại các trường học, khu công nghiệp, quầy hàng bán thức ăn vặt, các chuỗi cửa hàng tiện lợi phục vụ thức ăn nhanh hoặc những dịp đám tiệc, giỗ chạp ở các vùng quê… đôi đũa tre tiện lợi có mặt thường xuyên. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ người lao động cho tới dân văn phòng đều là đối tượng dùng loại đũa này.

Chính vì quá tiện lợi mà đũa ăn một lần bằng tre nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Người dân vẫn vừa dùng vừa run vì khó có sự chọn lựa nào khác trong đời sống công nghiệp hối hả. 

“Do đi làm cả ngày, sáng mua hộp bánh ướt hay mì xào; trưa mua cơm về công trường ăn thì cứ mỗi người một hộp xốp, không ăn đũa kèm theo thì ăn đũa nào nữa, không có ai kỹ lưỡng đem đũa ở nhà theo ăn đâu. Giờ nghe đũa tre nhiễm độc cũng sợ. Đúng là nhiều lúc bóc ni-lông ra thấy đôi đũa mốc xanh, mốc vàng nhưng cũng phủi phủi rồi ăn đại”, anh Q. - một công nhân thật thà chia sẻ thực trạng mà anh cùng nhiều người buộc phải ăn đũa tiện lợi hằng ngày. 

Một số người dân lo ngại không chỉ đũa tiện lợi mà các sản phẩm khác từ tre như: tăm xỉa răng, que tre xiên thức ăn… cũng có nguy cơ nhiễm độc.

Chị Nguyễn Thanh Vân (quận Bình Tân, TP.HCM) lo lắng: “Nhà tôi lúc nào cũng có loại đũa tre tiện lợi này, thậm chí còn có que xiên đồ nướng, tăm xỉa răng đều bằng tre. Nhiều bao bì còn ghi chữ Trung Quốc. Có lúc cũng nghĩ, sao người ta tẩy kiểu gì mà đũa tre, tăm tre cứ trắng bóc. Sợ mà cứ tiện thì dùng, riết lại quen luôn…”.

Chính vì quá tiện lợi mà đũa ăn một lần bằng tre nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Người dân vẫn vừa dùng vừa run vì khó có sự chọn lựa nào khác trong đời sống công nghiệp hối hả.

Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ về mức độ an toàn của đũa tre tiện lợi và quản lý chặt chẽ hơn thị trường này để người dân an tâm sử dụng.

Trước mắt, người dân cần quyết liệt nói “không” với đũa tre trôi nổi để bảo vệ sức khỏe chính mình. 

Bảo Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI