Đưa hát chèo, ca trù, quan họ Bắc Ninh vào trường học

24/11/2022 - 11:33

PNO - Để đổi mới dạy và học, làm phong phú thêm tâm hồn cho học sinh, giúp các em am hiểu về các loại hình văn hóa nghệ thuật của dân tộc, một số trường đã đưa hát chèo, ca trù, quan học Bắc Ninh vào trường học.

"Này thầy tiểu ơi, bỏ em đứng trước cửa chùa/ Em gọi thầy tiểu chả thưa, em buồn đấy thầy tiểu ơi..." - những câu hát trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa trong vở Quan Âm Thị Kính được ngân lên trong sân Trường THPT Dương Văn Dương (huyện Nhà Bè) khiến học sinh say mê, ngỡ ngàng. Điều đặc biệt, người vào vai Thị Mầu, chú tiểu... chính là học sinh của trường. 

Học sinh Trường THPT Dương Văn Dương với trích đoạn chèo Thị Màu lên chùa
Học sinh Trường THPT Dương Văn Dương biểu diễn trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa

"Trong chương trình GDPT 2018 lớp 10, ở bộ môn ngữ văn, học sinh được làm quen với nghệ thuật hát chèo. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam song phát triển mạnh ở miền Bắc. Học sinh mới chỉ biết đến loại hình này qua ti vi chứ hầu như rất ít em đã từng nghe qua. Để học sinh hiểu hơn, hiểu sâu sắc và trọn vẹn về loại hình nghệ thuật này, thì không gì khác là để các em được hóa thân, trải nghiệm...", thầy Ngô Hồ Phong - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Dương - chia sẻ.

Thầy Phong cho biết, nhằm giới thiệu loại hình nghệ thuật sân khấu chèo đến học sinh, sao cho truyền tải hết được "hồn cốt" độc đáo của nghệ thuật chèo, nhà trường phải mời nghệ sĩ hát chèo đến trường để dạy cho học sinh, giáo viên. Điều này cũng giúp thầy cô nâng cao thêm kiến thức, hiểu biết để truyền thụ đến học sinh một cách đúng đắn nhất...

Ngoài nghệ thuật chèo, Trường THPT Dương Văn Dương cũng đưa ca trù, cải lương vào giảng dạy cho học sinh thông qua các chuyên đề. Hiệu trưởng Ngô Hồ Phong nhấn mạnh, chỉ khi hiểu sâu, hiểu đúng về nghệ thuật văn hóa của dân tộc thì mới có thể khơi lên trong học sinh tình yêu, sự say mê với loại hình nghệ thuật đó. Và cũng chỉ khi hiểu đúng thầy cô mới có thể sáng tạo, đổi mới môn học một cách đúng đắn nhất.

Tương tự, trong nỗ lực đưa văn hóa dân tộc vào trường học, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) khiến học sinh hứng thú khi được hóa thân thành liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh qua các chuyên đề học tập.

Quan họ Bắc Ninh được Trường THPT Tây Thạnh giới thiệu đến học sinh
Trường THPT Tây Thạnh giới thiệu quan họ Bắc Ninh đến học sinh 

Thầy Phạm Văn Cường - phó hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam rất đa dạng, nhiều màu sắc. Việc chọn lọc, đưa các loại hình này vào nhà trường là một trong những phương thức giúp nhà trường đổi mới không khí học tập, đổi mới dạy và học, làm phong phú thêm tâm hồn cho học sinh, giúp các em thêm am hiểu về các loại hình văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

"Đổi mới dạy và học không phải chỉ là hô hào, nói suông và dạy chay bởi như vậy sẽ không hiệu quả. Khi đổi mới mà học sinh được trực tiếp tham gia, trải nghiệm và cảm nhận thì giá trị mang lại là rất lớn. Việc học sinh được khoác lên mình tấm áo tứ thân, nón quai thao, được hóa thân thành các liền anh, liền chị ngân lên các câu quan họ... đã tác động rất tích cực đến việc học của các em. Khi đời sống văn hóa tinh thần của các em phong phú, các em sẽ nhìn thấy những giá trị tốt đẹp, nhân văn, thấy các bài học ở trường gần gũi, thiết thực để yêu và trân trọng hơn văn hóa dân tộc của đất nước mình" - thầy Phạm Văn Cường đánh giá. 

Thầy trò Trường tiểu học Trần Hưng Đạo cùng chơi bịt mắt bắt dê trong giờ ra chơi
Cô trò Trường tiểu học Trần Hưng Đạo cùng chơi bịt mắt bắt dê trong giờ ra chơi

Giáo viên, học sinh cùng chơi ô ăn quan, nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê

Vào mỗi giờ ra chơi, tại sân Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) học sinh, giáo viên hào hứng, say mê cùng nhau chơi bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, nhảy lò cò...

Cô Lê Thanh Hương - hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trong năm học này, nhà trường đẩy mạnh đưa các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò, ô ăn quan... vào trường nhằm đổi mới không khí học tập. Điều này đã mang đến không khí tươi vui, mới mẻ, khiến cả thầy và trò hạnh phúc. Trong mỗi giờ ra chơi, sân trường đều rộn rã tiếng cười. Chỗ này, thầy cô chơi nhảy lò cò với học sinh, chỗ kia thầy trò cùng chơi bịt mắt bắt dê... Khoảng cách thầy trò được kéo lại gần, mỗi buổi học trôi qua hết sức vui vẻ, nhẹ nhàng.

"Qua các sân chơi này, học sinh biết thêm nhiều trò chơi dân gian mà các em ít có dịp được trải nghiệm. Sự say mê khiến các em yêu thích việc đi học, đến trường, nhất là học sinh lớp 1. Trường học hạnh phúc là khi mỗi thành viên trong ngôi trường ấy đều hạnh phúc. Hạnh phúc với học sinh là niềm vui đến trường, là tiếng cười trong mỗi tiết học, mỗi ngày đến trường. Với thầy cô, hạnh phúc là khi thấy học sinh mình vui vẻ, phụ huynh tin tưởng, đồng hành..." - Hiệu trưởng Lê Thanh Hương bày tỏ. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI