Du khách chưa mặn mà với tái kích hoạt du lịch vào đầu tháng 10

24/09/2021 - 07:06

PNO - Ngoài vấn đề tài chính, nhiều người tỏ ra quan ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa thật sự ổn để mua tour du lịch.

Sợ va phải F0 trong cộng đồng

Khi thông tin về việc kích hoạt lại các điểm du lịch nội tỉnh (tỉnh nào đi du lịch tỉnh đó) như Lâm Đồng mở lại các tuyến tham quan tại Đà Lạt, TPHCM kích hoạt du lịch huyện Cần Giờ và Củ Chi, Huế bán vé tham quan các lăng… được công bố rộng rãi trên truyền thông, một số người tỏ ra háo hức, muốn vác ba lô lên đường ngay, một số lại chần chờ.

Anh Hàm Trung, 25 tuổi, nhà ở quận 4 (TPHCM), hồ hởi: “Mình đã ở nhà 5 tháng. Mình đã nhiễm COVID-19 và đã khỏe lại. Mình đã chán bị trói chân trong bốn bức tường nên chỉ cần cho phép đi du lịch thì đi đâu cũng được. Ví dụ như được đi Cần Giờ thì mình không cần tham quan hay ăn uống gì hết, chỉ cần chạy xe dưới mưa cũng đủ hạnh phúc”.

Du khách lên tàu tham gia tour khám phá sông Cần Giờ. Ảnh: Huỳnh Hằng
Du khách lên tàu tham gia tour khám phá sông Cần Giờ, những ngày chưa có dịch - Ảnh: Huỳnh Hằng

Cũng thuộc nhóm khách trẻ, dưới 30 tuổi, anh Minh Lê, nhà ở quận 2 chia sẻ việc mình và nhóm bạn đã lên kế hoạch đến Củ Chi vào đầu tháng 10: “Không cần đi xa, chỉ cần được thả mình giữa màu xanh ngát của cây cối cùng bạn bè là mình đã thỏa mãn”.

Trái với những du khách “chỉ cần được bật đèn xanh, là vác balo đi ngay” để giải tỏa cảm giác bức bí do ở quá lâu trong nhà, một nhóm khách khác, nhất là nhóm khách gia đình lại tỏ ra khá e dè về việc đi du lịch thời gian này.

Anh Kỳ Nhiên, 54 tuổi, Phú Nhuận, Giám đốc một công ty truyền thông, người đã có dịp ghé nhiều quốc gia trên thế giới bộc bạch, cả nhà anh đã hoàn thành 2 mũi vắc xin từ đầu tháng 9 và đã có “thẻ xanh” nhưng ít nhất đến hết tháng 10, anh sẽ tiếp tục khóa cổng, ở yên một chỗ: “Các điểm du lịch vẫn còn đó, chờ mình, nhưng lỡ nhiễm COVID-19 thì sức khỏe không chờ”.

Cùng suy nghĩ sẽ du lịch ngay khi hết dịch, nhưng khi Đà Lạt mở cửa tham quan, chị Phương Hồng, nhà ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) lại có suy nghĩ khác. Chị tâm sự: “Tôi và chồng đều chưa được tiêm mũi vắc xin nào. Nếu đi chơi, lỡ va trúng F0 nào thì hối hận không kịp. Hoặc chích xong hai mũi, hoặc hết dịch đi cũng được”.

Ngoài quan ngại về việc có thể va phải người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng trong cộng đồng, nhiều người cũng chia sẻ một vấn đề khá hiển nhiên: “Tiền đâu mà đi?”.

Ưu tiên kiếm sống trước

35 tuổi, độc thân và đang giữ vị trí giám đốc nhân sự trong một tập đoàn đa quốc gia, thu nhập hàng ngàn USD mỗi tháng nên không có gì lạ khi trước dịch, mỗi cuối tuần, chị Hương Thành, nhà ở quận 9 lại vác balo lên đi đến một điểm nào đó, khuya Chủ nhật thậm chí sáng thứ Hai mới quay về TPHCM để tiếp tục làm việc.

Tuy nhiên, từ tết 2021 đến nay, do nhiều lý do, tập đoàn tạm dừng hoạt động, chị thất nghiệp và do dịch, không thể kiếm việc làm mới. Thu nhập không có nhưng vẫn phải thanh toán khoản vay mua nhà nên đến giờ, chị không chỉ tiêu hết tiền tiết kiệm mà còn vay mượn rất nhiều từ bạn bè, người thân. "Giờ muốn đi đâu cũng phải kiếm việc làm, trả hết nợ, thì mới đi được”, chị thở dài.

Du khách trải nghiệm xe máng trượt ở thác Dalanta, Đà Lạt. Ảnh: Huỳnh Hằng.
Du khách trải nghiệm xe máng trượt ở thác Dalanta, Đà Lạt - Ảnh: Huỳnh Hằng

Vẫn may mắn giữ việc trong mùa dịch nhưng lương giảm từ 30% đến 50% nên chị Phương Quyên, 38 tuổi, nhà ở Tân Phú (TPHCM) cũng chỉ sau khi hoàn thành xong 2 mũi vắc xin, đầu tháng 10, chị mới có thể ra ngoài, đi làm kiếm tiền. Chị tâm sự: “Ở nhà, trăm ngàn thứ cần tiền lại bó gối trong bốn bức tường khiến nhiều lúc tôi cảm thấy mình bị sang chấn tâm lý. Nếu giờ mở cửa, việc quan trọng nhất là kiếm tiền, mọi nhu cầu ăn chơi, thậm chí là du lịch tính sau”.

Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ

Một chuyên gia du lịch có gần 20 năm kinh nghiệm phân tích về việc tái kích hoạt du lịch vào đầu tháng 10 là cần thiết để một số du khách giải tỏa bức bí do ở trong nhà quá lâu, nhưng du lịch không phải là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Chị cho rằng sau hơn 4 tháng ở yên tại chỗ, rất nhiều người thất nghiệp, mất thu nhập, tài chính gặp khó khăn nhưng giá tour các doanh nghiệp chào bán lúc này lại  bị đẩy lên khá cao do cộng nhiều chi phí phát sinh như tuân thủ quy định chỉ chở 50% số người trên xe, mỗi người một phòng, ăn uống riêng, phí xét nghiệm...

“Thường khi tài chính cạn kiệt, du lịch tự túc sẽ giúp du khách tiết kiệm chi phí hơn nhưng vì điều này mang đến nguy cơ lây lan dịch bệnh nên thời gian tới, du khách muốn du lịch buộc phải thông qua các hãng lữ hành. Du lịch đã không phải ưu tiên nên giá tour cao càng khiến nhiều người hạn chế mua tour. Để kích thích khách mua tour, các công ty du lịch phải làm việc với đối tác để đưa ra mức giá phù hợp hay các phương án phù hợp như bán tour với tài xế kiêm hướng dẫn viên, khách sẽ sử dụng xe nhà hoặc Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phần nào chi phí để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này”.

Các hãng lữ hành đã sẵn sàng tái kích hoạt du lịch vào tháng 10

“Dự kiến giai đoạn 1/10 - 15/10, công ty sẽ tổ chức tour Cần Giờ khép kín đi về trong một ngày, sau đó sẽ mở rộng ngủ đêm tại đây. Vietravel cũng định hướng kết nối sản phẩm Cần Giờ - Vũng Tàu đi bằng tàu cánh ngầm để tăng sự trải nghiệm cho du khách”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết.

“Ngoài Cần Giờ và Củ Chi, công ty chúng tôi cũng sẵn sàng bước vào giai đoạn kích hoạt các tuyến du lịch, dự kiến mở thí điểm đón khách trở lại như Phú Quốc, Côn Đảo”, Nguyễn Ngọc An - Phó tổng giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour chia sẻ

“Công tác chuẩn bị tour du lịch của TSTtourist đã sẵn sàng cho cả 3 miền. Sản phẩm du lịch cũng không theo hình thức truyền thống. Trong đó bao gồm các sản phẩm tour du lịch TPHCM kết nối với một vài tỉnh thành lân cận, triển khai các sản phẩm kết nối với những địa điểm xanh và theo các điểm triển khai thử nghiệm hộ chiếu vắc xin”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Makerting, Công ty du lịch TST tourist.

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI