"Du học Nhật đã khiến tôi bớt lười biếng và ỷ lại"

19/08/2016 - 11:16

PNO - Khó khăn chồng chất khiến Hằng tưởng như ngột thở, những ngày đầu tiên ấy là khoảng thời gian có lẽ không bao giờ quên.

Nguyễn Thúy Hằng (sinh năm 1990, TP.HCM) hiện đang là du học sinh tại Nhật. Tính đến thời điểm hiện tại Hằng đã ở Nhật được gần 4 năm, cô gái đang sống tại thành phố Kobe, tỉnh Hyogo. Dưới đây là dòng cảm xúc của Hằng về những tháng ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất nổi tiếng áp lực này.

"Học xong hệ Cao đẳng trường tại TP. HCM, mình quyết định tìm kiếm đất nước du học. Nhật Bản - trong hình dung lúc đó của mình ngoài tình cảm yêu mến và ngưỡng mộ ra thì mình thực sự "trắng tay" về đủ mọi mặt: Kiến thức văn hóa nước Nhật lờ mờ, tiếng bản địa không có, người thân thích cũng không...

Trước khi đặt chân đến đất nước này, mình cũng đã tham gia một khóa học "cấp tốc" về tiếng Nhật. Nhưng, tiếng Nhật rất khó và học hành dù rất cố gắng nhưng mình vẫn chưa thể giao tiếp thành thạo trong vài tháng ấy được. Vì quyết định gấp gáp nên mình đã mạnh bạo "chân ướt chân ráo" tạm biệt gia đình sang Nhật với ước mơ sẽ trở thành một con người khác.

Những tháng ngày khủng hoảng tinh thần trầm trọng

Những ngày tháng đầu tiên, mình may mắn được chuyển đến ở cùng với một số anh chị đồng hương, một số bạn cũng còn non nớt như mình nên nỗi áp lực bạn đầu về nơi ăn, chốn ở dường như được san sẻ phần nào.

Thế nhưng, đó thực sự là những tháng ngày không thể quên khi đó cũng là khoảng thời gian những khó khăn liên tục bủa vây mình. Mình bắt đầu đi học tại trường Tiếng bên này, lớp mình lúc đó có tầm 20 bạn và dường như không có người bản địa, toàn người Trung Quốc, Hàn, Nepal, Đài Loan,.. mỗi bạn một thứ tiếng.

Vì vậy, ngoài những giờ học căng thẳng với thầy giáo người Nhật trên lớp mà chúng mình cố nghe để hiểu ra, thì chúng mình dường như rất ít giao tiếp vì chẳng ai thực sự thành thạo. Ngay cả giờ nghỉ giải lao thì cũng chẳng ai nói chuyện với ai: Người thì cố gắng chợp mắt, người thì cố gắng "nhồi nhét" kiến thức thêm một chút, ngột ngạt và mỏi mệt.

Bài thi đầu tiên, mình đạt điểm không cao kèm theo lời nhận xét của thầy cần phải nỗ lực hơn nữa. Thật chẳng dễ dàng với mình, mình đã rơm rớm nước mắt khi nghĩ về quê nhà, nghĩ về khó khăn hiện tại và nghĩ về quãng đường dài bất tận chưa biết khi nào mới dừng. Lúc đó, mình thèm vô cùng không khí của quê hương.

Lớp học Tiếng của Thúy Hằng tại Nhật.

Sang Nhật chưa được 1 tháng, mình đã dính trận ốm đầu tiên "thập tử nhất sinh", mình nằm liệt giường mất mấy ngày và được các anh chị, bạn bè giúp đỡ. Có lẽ vì thời tiết không hợp, cũng như ập vào một cái là không khí học tập ở đây quá kinh khủng với mình. Tưởng chừng lúc đó mình có thể bỏ cuộc ngay được, nhưng lại nghĩ đến khoản tiền bố mẹ đầu tư cho mình không hề nhỏ nên mình lại cố gắng trong vô vọng.

Mỗi lần ba mẹ gọi điện sang là những lần mình cố giấu đi nước mắt để cười nói, vui đùa cho ba mẹ an lòng. Thực sự, du học sinh nào bên Việt mình cũng vậy, ai cũng cố gắng để ba mẹ vui nhưng họ đều giống mình áp lực và cố gắng gấp 10 lần như hồi còn ở Việt Nam.

Bước sang tháng thứ 2, những tưởng những khó khăn sẽ qua đi khi mình dần hấp thụ được một chút tiếng Nhật - tức là mình không kém cỏi như mình vẫn nghĩ.

Thế nhưng, bỗng một ngày, hôm ấy trời có cơn mưa, cả lớp tiếng của mình bàng hoàng khi nhận được tin một bạn cùng lớp - người Trung Quốc vừa tự vẫn trên núi Phú Sĩ. Cảnh sát nói đã tìm được cô ấy trên núi Phú Sĩ. Cảnh sát nói nguyên nhân chưa xác định, nhưng trong lờ mờ hiểu của các bạn trong lớp, có lẽ bạn ấy đã bị sốc văn hóa, áp lực học tập, thêm chuyện gia đình ở quê nhà nên bạn ấy mới có những hành động như vậy.

Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của mình, lúc đó mình đã đặt ra hàng ngàn câu hỏi tự vấn mình và với những gì đã xảy ra. Và mãi đến giờ, trong ý thức của mình, những ngày tháng đó vẫn thật ám ảnh.

Cấp 3 bên Nhật, học sinh đã vừa đi học, vừa làm thêm

Nhật Bản cũng có những quy tắc "thép" về học tập, không thể xâm phạm: Đó là việc không được quay cóp, đòi hỏi năng lực thực sự. Điều này thì có gì khác so với các đất nước khác? nếu là một du học sinh như mình thì bạn sẽ có cảm nhận chính xác hơn.

Thầy giáo của Nhật rất gần gũi và thân thiện, nhưng khi ông ấy biết bạn có hành vi quay cóp trong giờ kiểm tra thì bạn sẽ thấy xấu hổ vô cùng vì ánh mắt nghiêm khắc của thầy. Đường đường là công dân của một đất nước, mình không thể quay cóp để họ phản ánh để nhìn nhận về đất nước mình, đó là lý do vì sao du học sinh dù rất ít quay bài.

Có lần vì bận việc cá nhân, mai lại đến hẹn nộp bài luận, mình đã sao chép dù đã có một vài mánh khóe chỉnh sửa, thế nhưng, thật tồi tệ khi bài kiểm tra hôm ấy mình được điểm gần như nhất lớp, dù cho bài đó cấu tứ và hướng làm rất chuẩn - đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mình hành động như vậy.

Nói là áp lực học tập nhưng nó không đơn thuần là học không! Du học sinh ở đây còn áp lực về thời gian để học, vì đa phần thời gian thừa thãi là đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vì ở Việt Nam, gia đình mình không quá điều kiện để có thể chi trả hàng tháng với số tiền lên tới 15-20 triệu (chưa kể tiền học).

Vì mệt mỏi quá, nhiều bạn đã ngủ gật trên lớp.

Chưa nói đến chuyện, chính học sinh cấp 3, sinh viên đại học Nhật Bản họ cũng bỏ thời gian công sức đi làm thêm kiếm tiền rồi nên không lý gì du học sinh lại không đi làm thêm.

Thông thường, theo quy định tại Nhật, thời gian mỗi du học sinh chỉ được làm thêm 28 tiếng/ tuần, nếu làm quá mà bị phát hiện thì sẽ bị đuổi về nước. Mình đã tận mắt chứng kiến nhiều bạn buộc phải về nước vì kiếm việc làm thêm phụ giúp gia đình. Một số bạn làm nhiều thì cố tìm chỗ trả lương tay, không báo thuế thì sẽ không bị phát hiện. Và những công việc đó là: cọ bồn cầu khách sạn, rửa bát thuê, bưng bê, ship hàng...

Làm thêm nhiều nên bị áp lực về thời gian học tập, mọi thứ cứ giằng xé nhau nên nhiều lúc lên lớp có những bạn ngủ gà ngủ gật vì mệt quá. Vừa cố gắng làm kiếm tiền, vừa cố gắng học để đạt kết quả tốt quả thực không dễ dàng chút nào!

Những ngày tháng đầu tiên, mình đã bị sốc trước guồng quay công việc ấy, không đơn giản một chút nào.

Cuộc sống của du học sinh Nhật bằng sự trải nghiệm của mình là như vậy đấy. Thoạt đầu chứng kiến những người đi trước và dấn thân vào mình đã bị sốc, mỏi mệt. Bên cạnh việc gồng mình đi qua áp lực, khó khăn của những ngày đầu tiên ấy mình đã từng cảm thấy tiếc:

Vì sao hồi còn là sinh viên ở Việt Nam mình lại lười biếng và ỉ lại như vậy. Cuộc sống ở đây dù áp lực gấp 10 nhưng thực sự cho mình nhiều trải nghiệm ý nghĩa.

Thúy Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI