Đời sống đổi thay nhờ con đường

02/05/2022 - 06:53

PNO - Sự thay đổi của con hẻm 24 (ở ấp 3, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM) hôm nay khiến nhiều người từng không thể hình dung...

Nếu chỉ nhìn những ngôi nhà khang trang nằm dọc theo hẻm 24 (ở ấp 3, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM) bây giờ thì không ai có thể hình dung nổi, những năm trước đây chỉ là những bờ đê nối tiếp đường mòn, trẻ con thường xuyên trượt chân té ruộng, quần áo lấm lem mỗi ngày đến trường; cũng không ai biết, rắn rết, muỗi mòng cùng chung sống với bà con giữa mênh mông nước sau mỗi đợt thủy triều. Thời ấy, nước dùng để giặt, rửa, phải gánh từ mé sông vào, còn nước để uống, để ăn thì phải chèo ghe qua tận Phú Xuân đổi về. 

Năm 2015, khi cây cầu Kênh Lộ (bắc qua sông Rạch Giồng, H.Nhà Bè) được xây dựng, thì chủ trương bê tông hóa hẻm 24 mới được triển khai. Ai cũng ham có con đường đàng hoàng để đi lại, nhưng một con đường rộng 6m chạy ngang qua làm mất nhiều đất lại là một vấn đề khác. 

Con hẻm rộng 6m đã giúp cho người dân bớt vất vả trong việc đi lại
Con hẻm rộng 6m đã giúp cho người dân bớt vất vả trong việc đi lại

Dọc hẻm có 28 hộ gia đình, nhưng ban đầu chỉ có ba hộ chịu hiến đất. Vì vậy, tôi phải đến từng nhà, lấy cảnh học trò té sình, mặt mày lấm lem vác xe đạp đến trường… để vận động bà con. Thực tế ai cũng nhìn thấy, trong số đó có con cháu họ. “Nếu mình tiếc đất thì tương lai con cháu mình không sáng lên được” - tôi đã thủ thỉ rất nhiều lần câu nói đó với bà con. Nhưng để thuyết phục thì nói thôi chưa đủ. Tôi xung phong hiến trước. Đất nhà tôi trải dài hơn 100m, trong khi con đường lại xẻ vào giữa, do đó, tổng diện tích hiến làm đường hơn 600m2. Nhưng như thế cũng chưa thuyết phục được bà con ngay. Tôi lại tiếp tục lấy gương của người này để nói với người kia, rồi nhờ chính những người đã hiến đất đi vận động những người khác. Mất gần năm tháng, tất cả 28 hộ dân mới đồng lòng. Khi đó, tôi lại tiếp tục vận động họ góp công đắp đường. Con hẻm hoàn thiện sau ba năm. 

Ban đầu bà con cũng chỉ mong không còn phải thắc thỏm lo chuyện rắn rết, điện nước vào đến tận nhà khi đã có con đường khang trang. Thế nhưng, tôi chẳng ngờ con đường đã mang đến những sự thay đổi lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi hình dung. Đời sống nơi đây đã nhanh chóng đổi thay khi người dân có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế. Những đìa nuôi tôm, những cửa hàng buôn bán tạp hóa, những tiệm sửa xe dần dần mọc lên thay thế công việc chằm lá, bắt còng bấp bênh trước đó. Cuộc sống của người dân cũng ngày một ổn định và khá hơn.

Từ ngày có hẻm rộng, Hội Phụ nữ ấp bắt tay xây dựng những tuyến hẻm “sạch ngõ”. Năm 2020, hẻm 24 được xây dựng thành “Tuyến hẻm tự quản bảo vệ môi trường” do các thành viên trong hẻm tự quản lý. Ngoài việc lắp đặt thùng rác kiểu mẫu, đảm bảo việc mang đổ rác đúng giờ, thì nhà nào cũng trồng hoa để vừa làm đẹp nhà mình, vừa làm đẹp thôn xóm.

 Lê Thị Hồng 
Chi hội trưởng phụ nữ ấp 3, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI