Đổi mới giáo dục cần cái nhìn đổi mới

01/11/2023 - 18:54

PNO - Chương trình GDPT 2018 tăng quyền tự chủ cho địa phương, nhà trường và giáo viên trong dạy học, kiểm tra đánh giá song quá trình đổi mới vẫn vấp phải nhiều rào cản.

Những băn khoăn mới…

Tổ ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) vừa xây dựng kế hoạch hoạt động ngoại khoá môn học, tổ chức cho học sinh khối Mười đi xem phim Yêu là thoát tội và viết bài thu hoạch theo nhóm để tính điểm thưởng vào bài đánh giá thường xuyên cho học sinh.

Cách tính điểm thưởng bao gồm nhiều tiêu chí: nội dung cảm nhận vở kịch (3 điểm); thiết kế bài thu hoạch (3 điểm); đăng trên Facebook, Zalo cá nhân được 100 like: 2 điểm; share (chia sẻ) trên trang cá nhân đạt 50 share: 2 điểm. Ngay khi ban hành, kế hoạch đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên khi cho rằng cách thức đổi mới này quá khiên cưỡng, chưa hợp lý.

Đổi mới giáo dục hiện vẫn gặp nhiều rào cản (hình minh hoạ)
Đổi mới giáo dục hiện vẫn gặp nhiều rào cản (hình minh hoạ)

Giáo viên ngữ văn tại một trường THPT quận 5 đánh giá: Việc giáo viên sử dụng mạng xã hội như một kênh để học sinh có điểm trong bài thu hoạch khó tránh khỏi sự mất công bằng trong đánh giá khi có nhóm sẽ có nhiều lượt thích, lượt chia sẻ; nhóm lại ít lượt thích, chia sẻ, dù các bài viết chất lượng và sự đầu tư của học sinh là như nhau. Thậm chí, nhóm ít like, share hơn chưa chắc bài đã kém chất lượng hơn…

Phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 kể, trong xu hướng đổi mới, nhà trường đã không quá áp lực về thành tích học tập học sinh, cũng không căn vào thành tích đó để đánh giá giáo viên. Tỉ lệ học sinh đậu đại học không phải là “soi chiếu” để Sở GD-ĐT đánh giá chất lượng giáo dục nhà trường.

Thay vào đó, nhà trường hướng tới mục tiêu học sinh đến trường vui vẻ, kiến thức ở mức cần đạt, tuỳ theo năng lực học sinh. Thay vì chỉ “nhào nặn” các em qua các bài kiểm tra như xưa thì ngày càng nhiều sân chơi để các em phát triển năng khiếu, hoà mình với bạn bè…

“Không phải giáo viên và phụ huynh nào cũng đồng tình với quan điểm giáo dục mới này. Một số giáo viên cho rằng ban giám hiệu buông lỏng chuyên môn, chú trọng việc hát hò, nhảy múa…; Còn phụ huynh thì phản ánh nhà trường dạy không lo dạy…”. 

Năm học này nhiều trường học sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến LMS khuyến khích học sinh tự học, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục. Song, không ít phụ huynh cho rằng hình thức đang tạo thêm áp lực cho học sinh khi ngoài việc học trên lớp, về nhà còn phải chúi đầu vào máy tính.

“Tối nào con tôi cũng vào máy tính để học trước các file tài liệu hoặc video các môn học ngày mai. Tôi thấy việc yêu cầu học sinh phải học trên máy tính như thế này sẽ dễ ảnh hưởng đến mắt, hơn nữa nếu em nào không có máy tính hay điện thoại thông minh thì dễ bị thiệt thòi…”- phụ huynh lớp Tám tại một Trường THCS quận 1 đặt vấn đề. 

Rào cản từ đâu?

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), Chương trình GDPT 2018 trao quyền cho nhà trường, giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, sao cho phù hợp nhất với chương trình môn học, đối tượng học sinh hướng tới. 

Việc giáo viên lựa chọn phương thức kiểm tra, đánh giá sẽ dựa trên đặc thù đối tượng học sinh, gắn liền với môn học, cốt yếu là với đổi mới đó thì phải phát huy được sự sáng tạo, chủ động, năng lực của học sinh…

Một trong những rào cản của đổi mới là truyền thông chưa tới
Một trong những rào cản của đổi mới là truyền thông chưa đến nơi đến chốn

“Riêng việc bộ môn văn cho học sinh đi xem kịch và chấm bài thu hoạch của mỗi nhóm học sinh qua like, share trên Facebook, Zalo, trước hết là sự đổi mới của bộ môn trong kiểm tra đánh giá. Hình thức này đã được thầy cô thông báo trước cho học sinh, các em rất thích thú khi dùng chính trang cá nhân của mình để chia sẻ thành quả học tập, những giá trị mà các em muốn hướng tới. Việc lấy điểm cộng qua like, share vào điểm đánh giá thường xuyên là cách để thầy cô khuyến khích các em sử dụng mạng xã hội thông minh, phục vụ chính mục đích học tập”.

Thầy Phú cho rằng, mỗi hình thức đổi mới để đánh giá tính phù hợp thì cần nhìn ở góc độ học sinh. Nếu quá xét nét, giáo viên sẽ “nhụt chí”. Trong câu chuyện này, mạng xã hội đã trở thành một phương tiện phục vụ cho việc học. Các em có thể chia sẻ với phụ huynh để cùng tham gia, cùng lan toả những giá trị đẹp. 

Thầy Phạm Thư Tùng - giáo viên vật lý, Trường THPT Ten lơn man (quận 1) cho biết, sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo) để tương tác trong bài học, tính làm điểm cộng môn học đã được thầy áp dụng từ thời điểm dịch COVID-19, được duy trì đến hiện nay. Học sinh rất hào hứng bởi các em được “khoe” sản phẩm của nhóm lên mạng xã hội, được nhiều người biết đến, được ghi nhận, khen ngợi.

“Trong đổi mới giáo dục, cần thiết giáo viên nên đưa các hình thức gần gũi với học sinh vào trong môn học. Điều này ngoài mang môn học đến gần với học sinh thì còn gắn kết gần gũi thầy trò, qua đó các em sẽ thấy việc học nhẹ nhàng. Song, điều quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp, làm sao hình thức đó khi áp dụng vào môn học, vào đổi mới kiểm tra đánh giá thì không khiên cưỡng và trên hết là học sinh thấy vui vẻ, hào hứng, giáo viên phải có sự công bằng trong đánh giá”- thầy Tùng nhìn nhận.

Giáo viên Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) trong một giờ dạy
Giáo viên Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) trong một giờ dạy

ThS Phan Duy Khôi - Giảng viên khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM khuyến khích giáo viên sử dụng hình thức học sinh đăng tải sản phẩm học tập lên mạng xã hội bởi sẽ giúp sản phẩm học tập có sức lan tỏa, trở thành nguồn học liệu tham khảo cho nhiều học sinh, qua đó  tạo động lực học tập cho học sinh.

Riêng với đổi mới bằng hình thức đưa LMS vào học tập, theo thầy Khôi, hạn chế là công tác truyền thông của nhà trường còn chưa đúng mức. Thực ra, với các nhiệm vụ trên LMS, học sinh chỉ đang thực hiện những nhiệm vụ học tập bình thường mà trước nay vẫn làm: chuẩn bị bài, làm bài, song thay đổi về hình thức thay vì trên giấy thì trên hệ thống.

“Đổi mới giáo dục thường “vấp” rào cản là truyền thông chưa đến nơi. Giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng tính tương tác trên mạng xã hội, việc tương tác trên hệ thống LMS là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh, chỉ cần thống nhất từ trước. Các tiêu chí đánh giá cần phù hợp, dựa trên nguyện vọng, năng lực học sinh. Như thế vừa kích thích tinh thần học tập, vừa hạn chế tâm lí “chạy đua” tương tác…”.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI