Đọc lại du ký thời "Nam Phong tạp chí": Càng yêu non sông gấm vóc qua chữ trăm năm để lại...

12/08/2021 - 06:28

PNO - "Nam Phong tạp chí" tồn tại trong giai đoạn 1917-1934, là một trong những tờ báo có đóng góp rất quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa văn học chữ Quốc ngữ trong 30 năm đầu thế kỷ XX. Trên tờ báo này, nhiều bài viết thuộc thể loại du ký đã được đăng tải, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của văn xuôi Quốc ngữ.

Tìm trong cảnh cũ người xưa

Bài du ký đầu tiên được đăng trên Nam Phong tạp chíMười ngày ở Huế (số 10, tháng 4/1918) của chủ bút Phạm Quỳnh. Chuyến đi dự lễ tế đàn Nam Giao được Phạm Quỳnh kể lại chi tiết. Trong ghi chép của người xưa, đường vào xứ Huế và những cuộc gặp gỡ nhân tài ở đất “Thần Kinh” đầy phong vị. 

“Người khách mới đến thành Huế tưởng như bước chân vào bức tranh cảnh: chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa tụ họp hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một tòa thành cổ bao la, thâm nghiêm kín cổng” - trích Mười ngày ở Huế. Cũng tại nơi này, Phạm Quỳnh có dịp gặp gỡ Đạm Phương nữ sử, cháu nội vua Minh Mạng, về sau cũng trở thành một trong những cây bút nữ hàng đầu trên báo chí Quốc ngữ thập niên 1920-1930. Cuộc gặp gỡ này cũng là cơ duyên để Đạm Phương nữ sử gửi bài cộng tác đầu tiên trên Nam Phong tạp chí

Trong khi đó, đường vào Nam kỳ khó khăn gấp bội, “lắm chỗ còn ngăn cách núi sông”. Phạm Quỳnh vào Nam trên con tàu Porthos của Công ty Hàng hải Á Đông (Nhật Bản), đi ba ngày ba đêm mới đến Sài Gòn. Còn đi tàu của Công ty Bạch Thái Bưởi thì mất hơn năm ngày đêm.

 

Đọc những ghi chép của người xưa, bồi hồi như thấy lại diện mạo của một vùng đất… (ảnh một số bài du ký đặc sắc trên Nam Phong tạp chí)

Nếu Huế là “cái khí vị lạnh lẽo” thì Sài Gòn là “cái khí vị nồng nàn, cảm giác của người mới bước chân tới đây là cảm giác vui, vui mà tin cậy ở cái tương lai, chớ không phải buồn mà thương tiếc cho sự ký vãng”. Sài Gòn của hơn 100 năm trước hiện lên rõ ràng, sống động trong bài Một tháng ở Nam kỳ (Nam Phong tạp chí, số 17, tháng 11/1918). Đường Catinat (nay là Đồng Khởi), đường Charner (nay là Nguyễn Huệ), Dinh Thượng Thơ… những nam thanh nữ tú, xe kéo trên những con phố rộn ràng, lung linh của Sài Gòn về đêm; cuộc hội ngộ ấn tượng của chủ bút Nam Phong với các trí thức cùng làm báo như Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai (chủ bút Nam kỳ tân báo)…

Nam kỳ lục tỉnh cũng được lưu lại trong những trang chữ trăm năm: chuyến xe lửa về Mỹ Tho (Tiền Giang), tàu xuôi dòng sông Hậu qua Long Xuyên (An Giang). Nhìn thấy người qua một chuyến đò mà đoán biết được tình hình kinh tế và lối sống của người dân xứ ấy là một quan sát rất tài tình của Phạm Quỳnh. Đọc những ghi chép của người xưa, bồi hồi như thấy lại diện mạo của một vùng đất. Nhiều hình ảnh vẫn còn gìn giữ đến hôm nay, nhưng cũng có rất nhiều điều đã mất từ người xưa, cảnh cũ…

Đi để viết, viết để cất tiếng

Bên cạnh những chuyến đi công vụ, tiện dịp ghi chép lại, thì cũng có những chuyến đi vì thích khám phá cảnh đẹp hoặc vì tâm tư về lịch sử, văn hóa và tiếng nước nhà. Chỉ riêng sự “đi” ấy cũng lắm điều thú vị. Miêu tả của Trần Thế Xương: “Kẻ mang bầu rượu túi thơ, người đeo ống dòm súng bắn, kẻ mang bút họa đồ lắm, người đèo tập báo cuốn văn, lại có tiểu đồng quảy cơm quảy nước” (bài Mấy ngày chơi Thất Khê, Nam Phong tạp chí, số 122). Hoặc ngồi kiệu để sáu người phu khiêng lên núi Bà Nà thời trên đỉnh chỉ có trụ sở kiểm lâm được người Pháp xây năm 1915, và vài căn biệt thự nghỉ dưỡng của người Pháp; ăn nghỉ mấy ngày đêm mới lên được An Tử (Yên Tử); biết “sang Lào ăn mắm nhái” vẫn đi, để biết tình hình đời sống người dân Việt thuở mới mở đường giao lưu với Ai Lao (tên gọi nước Lào) như thế nào…

Trong nước thì đi Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Ninh Bình… đến Huế, các tỉnh miền Trung, Sài Gòn, Nam kỳ lục tỉnh, xuống cả Hà Tiên, ra đảo Phú Quốc. Ngoài nước có Lào, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… với các bài du ký dài kỳ Pháp du hành trình nhật ký, Thuật chuyện du lịch ở Paris của Phạm Quỳnh, Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác (đồng chủ bút, phụ trách phần Hán văn của Nam Phong tạp chí)

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, du ký - một tiểu loại trong thể ký của văn học - được định nghĩa là “sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ, hay những nơi ít người có dịp đi đến”.

Nếu căn cứ theo định nghĩa trên, có thể thấy các bài du ký trên Nam Phong tạp chí không chỉ được viết đúng với yêu cầu của thể loại; mà còn có phần vượt trội khi thể hiện trong nhiều bài viết còn là tư tưởng, góc nhìn, nhận định sắc sảo, thấu đáo các vấn đề lịch sử - văn hóa trong bối cảnh xã hội bấy giờ. Ngoài việc cung cấp thông tin, kiến thức, mở rộng sự hiểu biết, cho người đọc cùng hình dung vẻ đẹp của non sông gấm vóc, du ký Nam Phong còn là diễn ngôn của lòng yêu nước, truyền bá tinh thần học chữ Quốc ngữ và phát triển quốc văn. 

Du ký trên Nam Phong tạp chí vừa mang tính báo chí (ghi chép sự thật) vừa mang tính văn chương (miêu tả, cảm nhận). Tờ báo làm “bệ đỡ” cho những “cái tôi” của người viết thỏa sức khám phá và chia sẻ; đồng thời khích lệ tinh thần nam nhi, nói như Thư ký ở Phủ Thống sứ Bắc kỳ Lê Đình Thắng là phải có chí “tang bồng hồ thỉ, lưu lạc giang hồ” để hiểu nhân tình thế thái. Hoặc Thái Phong Vũ Khắc Tiệp cho rằng: “Làm trai hai mắt ở đời/ Tuyết sương phải nhuộm lấy màu quan san”… 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI