Doanh nghiệp xuất khẩu chú trọng tăng trưởng về chất

31/01/2018 - 14:00

PNO - Nhiều chủ DN cho biết, từ cuối 2017, xuất khẩu (XK) một số ngành hàng tôm, cá ba sa, nông sản rục rịch tăng trưởng mạnh hơn các năm với lượng đơn hàng gia tăng mạnh, nhưng tiêu chuẩn của bên nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn.

Vì vậy, để bám chắc thị trường, các doanh nghiệp (DN) không đặt nặng ở số lượng hàng XK mà chọn thị trường mục tiêu, là những thị trường nổi tiếng đặc biệt khắt khe trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, EU...

Khai thác thị trường tiềm năng

Một trong những thị trường tiềm năng và khó tính mà các DN muốn “đổ bộ” trong năm 2018 là Mỹ. Tuần trước, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã ký hợp đồng với Công ty Delori để lần đầu tiên XK sữa sang thị trường Mỹ.

Theo đó, sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus của công ty này sẽ có mặt ở chuỗi Wal-Mart, 99 cent và trên 300 siêu thị của Mỹ. Dự kiến, doanh thu XK năm đầu tiên của NutiFood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD. 

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood - cho biết, dù đã có mặt tại Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia, Trung Quốc, nhưng khi đặt chân vào thị trường Mỹ thì uy tín của thương hiệu tăng lên rất mạnh vì Mỹ, mà cụ thể là Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có những kiểm định rất khắt khe. Khi đứng vững ở thị trường này, DN sẽ có “điểm tựa” để XK vào nhiều thị trường mới nữa.

Theo ông Hải, khi xây dựng được nền tảng phát triển vững chắc về chất, trong vòng hai, ba năm tới, công ty hy vọng sẽ xây dựng nhà máy sữa tại Mỹ để phục vụ nhu cầu của thị trường này và các nước lân cận.

Doanh nghiep xuat khau chu trong tang truong ve chat
Doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu sản xuất bài bản để sản phẩm chất lượng hơn.

Tương tự, Nhật Bản, Úc cũng được đánh giá là những thị trường lớn đầy tiềm năng. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food (SGF) - cũng cho biết, DN đã ráo riết đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để có sản phẩm chất lượng, giá trị cao, mang tầm quốc tế.

Năm 2018, DN chú trọng phát triển dòng sản phẩm thủy hải sản được chế biến bằng công nghệ sản xuất hiện đại đã nhận được những tín hiệu tốt trên thị trường từ năm 2017.

Cụ thể, SGF sẽ đẩy mạnh XK các sản phẩm cá hồi sushi, cua sushi, cá chẽm kirimi, cá đổng kirimi, cá ba sa fillet, cá tẩm bột, tôm sushi... vào Nhật. Đây sẽ là bàn đạp để DN mở rộng thêm các thị trường khác.

Chú trọng chiến thuật

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân - cho biết, năm nay, công ty đặc biệt chú trọng tiếp cận khoa học kỹ thuật. Công ty đã đưa vào hoạt động phân xưởng với diện tích 10.000m2, rộng gấp đôi so với phân xưởng cũ, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại hơn với quy mô khép kín từ trang trại đến bàn ăn, tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng và toàn chuỗi đạt chứng nhận công nghệ cao.

Các sản phẩm mới ra mắt thị trường là lạp xưởng, xúc xích, gà viên, chân gà chua cay, gà tẩm ướp, bên cạnh mặt hàng chủ lực là trứng và thịt gia cầm trước đây. Các sản phẩm này cũng đã được tìm đường ra thị trường nước ngoài, cung cấp cho các đối tác kinh doanh thức ăn nhanh.

Khai mở thị trường luôn là việc cần nhiều tâm huyết, trí tuệ; DN cần Nhà nước dẫn dắt với chủ trương kiên định, thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp chứ chỉ dựa vào hội DN hay bản thân DN thì khó khăn vô cùng. 

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Nhiều DN cũng hướng tới chiến thuật phát huy thế mạnh của nông sản hữu cơ (organic) đang “lên ngôi” trên thế giới. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit - cho biết, công ty chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững, cụ thể là đã phối hợp với nông dân trồng dừa, mít, chuối với diện tích lớn, canh tác theo nguyên tắc “không sử dụng thuốc hóa học”. Công ty sẽ tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng trong năm 2018 với chiến thuật phát triển sản phẩm hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, chứng nhận organic của Vinamit sẽ mở rộng cánh cửa để đưa các mặt hàng nông sản Việt Nam bước vào các thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản và EU, nơi có yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về các giá trị dinh dưỡng, an toàn và thân thiện với môi trường.

Với mức doanh thu trong năm 2017 tăng 15% so với năm 2016, ông Viên cho biết, bên cạnh XK, năm nay Vinamit sẽ phát triển mạnh hơn thị trường nội địa vì kênh bán lẻ hiện đại đã phát triển hơn rất nhiều so với những năm trước, xu hướng tiêu dùng đã dịch chuyển rõ rệt: người tiêu dùng ngày càng chuộng sản phẩm đạt chuẩn an toàn cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tỷ trọng bán hàng trong nước - XK của Vinamit đạt 40% - 60%.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - cho rằng, khai mở thị trường luôn là việc cần nhiều tâm huyết, trí tuệ; DN cần Nhà nước dẫn dắt với chủ trương kiên định, thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp chứ chỉ dựa vào hội DN hay bản thân DN thì khó khăn vô cùng. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, đường lối kinh tế của Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm “huy động nguồn lực bên ngoài là cần thiết, nhưng huy động và phát huy có hiệu quả nguồn lực trong nước mới có ý nghĩa quyết định”. 

Thực tế, nhiều DN Việt Nam có tên tuổi đang chuyển dần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và theo quy luật “lượng đổi chất đổi” thành DN FDI. Có lẽ đây là điều đang đặt ra nhiều suy nghĩ về chính sách phát triển theo hướng bền vững. 

Hy vọng Chính phủ sẽ nỗ lực thực hiện những cải cách thể chế, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh để DN Việt Nam mở rộng XK, nhất là XK sang những thị trường mà quốc gia đó đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.   

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI