Doanh nghiệp Singapore đưa cá hồi lên máy bán hàng tự động

23/02/2021 - 08:12

PNO - Gần đây, trong những chiếc máy bán hàng tự động ở Singapore có nhiều mặt hàng phong phú khác từ bánh mì, pizza mới ra lò, nước cam tươi đến thịt bò Wagyu, cá hồi và thậm chí cả cua sốt ớt, một món ăn nổi tiếng ở nước này với giá 60 SGD (khoảng một triệu đồng)…

 

Manish Kumar - Giám đốc điều hành của Norwegian Salmon bên máy bán hàng tự động có bán cá hồi
Manish Kumar - Giám đốc điều hành của Norwegian Salmon bên máy bán hàng tự động có bán cá hồi

Một công ty kinh doanh chuỗi quán cà phê ở Singapore đã nghĩ ra việc đặt thêm những chiếc máy bán hàng tự động này để phục vụ cho khách những món ăn tươi và nóng sốt phổ biến ở nước này. Trong khi có, một chuỗi cửa hàng tiện lợi không có nhân viên khác cũng đặt thêm máy để bán những mặt hàng tương tự. Một nhà bán lẻ khác thì bán sách qua máy bán hàng tự động. Thậm chí có cả công ty bán cây xương rồng kiểng từ những chiếc máy này. 

Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu từ máy bán hàng tự động ở Singapore đã tăng 15% từ 91 triệu SGD lên 104,5 triệu SGD trong năm 2019. Con số này ít nhiều bị sụt giảm do tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 nhưng dự kiến sẽ tăng lại trong năm nay.

Có nhiều lý do để các nhà bán lẻ ở đảo quốc sư tử đưa thêm nhiều mặt hàng vào máy bán hàng tự động. Manish Kumar, Giám đốc điều hành của Norwegian Salmon (Công ty Cá hồi Na Uy), cho biết máy bán hàng tự động giúp giải phóng thêm không gian cho các cửa hàng bán lẻ theo cách truyền thống ở Singapore, theo đó các mặt hàng đông lạnh thường không được bày bán cùng các mặt hàng tươi sống.

Mervin Tham, một trong ba nhà sáng lập của EasyMeat, công ty hiện đang bán thịt bò Wagyu từ các máy bán hàng tự động thì cho rằng danh mục các mặt hàng kinh doanh qua kênh này đang được mở rộng nhanh vì đây là cách dễ dàng để thâm nhập thị trường và thử nghiệm phản ứng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. “Thường phải mất nhiều chi phí, nỗ lực để thành lập một doanh nghiệp và đưa sản phẩm ra thị trường để thử nghiệm. Mặt khác, nhìn chung người tiêu dùng Singapore cũng đang quan tâm đến văn hóa bán lẻ tự động, giống như cách kinh doanh phổ biến ở Nhật”, Tham giải thích.

Kumar cũng đồng quan điểm này. Hiện, Norwegian Salmon chỉ mới có 110 máy bán hàng tự động và Kumar cho biết số máy có thể tăng lên 900 do nhiều người Singapore cảm thấy thoải mái với việc mua hàng từ những chiếc máy này. Mặc dù tỷ lệ lợi nhuận từ việc bán hàng qua máy tự động không cao, nhưng theo Kumar, lợi nhuận tổng sẽ được cải thiện khi công ty có nhiều máy và nhiều khách hàng hơn.

Người dân có thể mua khẩu trang từ máy bán hàng tự động
Người dân có thể mua khẩu trang từ máy bán hàng tự động như một nỗ lực giảm lây lan COVID-19 của chính quyền

Nhật Bản là nước có tỷ lệ máy bán hàng tự động trên một người dân thuộc hàng cao nhất thế giới. Và đây cũng là một trong những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất bởi đại dịch COVID-19, do người dân phải hạn chế đi ra ngoài. Euromonitor đã dự báo Singapore cũng có thể sẽ gặp phải tình trạng tương tự với số máy bán hàng tự động giảm mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trên thực tế, những chiếc máy bán hàng tự động ở Singapore đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống dịch COVID-19. Với sự tài trợ của quỹ đầu tư Temasek, đã có 1.200 chiếc máy bán hàng tự động cung cấp khẩu trang miễn phí được lắp đặt trên toàn đảo quốc này.

Mr Kumar cho biết doanh số bán hàng của Norwegian Salmon cũng tăng gấp 11 lần trong giai đoạn Singapore thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái. “Bạn có thể mua hàng 24/7, tránh tiếp xúc, an toàn để mua hàng và sử dụng mà không cần đi đến siêu thị. Và chỉ mất sáu giây là bạn đã có được sản phẩm mình muốn mua”, Kumar chia sẻ.

Nhất Nguyên (theo BBC)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI