Doanh nghiệp nước ngoài muốn gỡ vướng để tăng vốn đầu tư

22/04/2023 - 15:44

PNO - Sáng 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Giới đầu tư nước ngoài có chung nhận định nguồn đầu tư vào Việt Nam đã giảm, nhưng họ vẫn có kế hoạch tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điều mà các nhà đầu tư mong muốn là Chính phủ Việt Nam nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, thuế, môi trường đầu tư kinh doanh...

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội - thông tin, 47% doanh nghiệp (DN) trong tổ chức có kế hoạch sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam thời gian qua đã tăng 53% về số lượng nhưng giảm 50% về giá trị do tình hình xuất khẩu chậm, chi phí, tiền lương công nhân ngày càng tăng.

Ngoài ra một số DN Nhật góp ý Việt Nam cần loại bỏ các chi phí không chính thức, đẩy nhanh tốc độ xử lý thủ tục hành chính

Thủ tướng: Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam - Ảnh VGP

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) - thì lấy làm tiếc khi tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I/2023 chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án giảm 9,1%. Hàn Quốc - nhà đầu tư số một tại Việt Nam, hiện đã xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên có một tin vui là Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tích cực để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ DN FDI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nhiều DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới. “Công ty Điện tử Samsung - DN Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam đã đưa đầu tư thêm 20 tỉ USD; công ty điện tử LG, LG Display, LG Inotek hiện đang mở rộng đầu tư phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về ô tô điện, thiết bị điện tử và gia dụng.

Song một số DN vẫn gặp khó khăn về phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép lao động nước ngoài, khó khăn về thủ tục hành chính… Để nhà đầu tư cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam, hãy để nhà đầu tư cảm thấy sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn” - ông Hong Sun nói.

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - hoan nghênh quyết định gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của Chính phủ để kích thích tiêu dùng. Eurocham bày tỏ mong muốn Chính phủ không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm thiết yếu như sữa, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, các sản phẩm thân thiện môi trường như xe điện… Nên tiếp tục cải cách thị thực du lịch cho tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu tạo điều kiện xúc tiến du lịch.

Một vấn đề khác được các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị nhiều tại hội nghị là Chính phủ nhanh chóng phê duyệt các dự án đầu tư đã hoàn thành các thủ tục cần thiết; giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường; tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc, quá tải; đánh giá lại các gói hỗ trợ cho DN và đưa ra các biện pháp hỗ trợ thay thế để tạo điều kiện cho các DN tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình…

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phản ánh của DN, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ký văn bản chỉ đạo sau hội nghị để thống nhất triển khai thực hiện để nhằm tăng cường thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN, trong đó có khu vực FDI yên tâm đầu tư lâu dài. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giải quyết các vấn đề mà nhà đầu tư kiến nghị tại hội nghị này với tinh thần cầu thị lắng nghe “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Trong bối cảnh hiện nay cần có những giải pháp mới, đột phá tiết giảm cho phí cho DN (nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất, giãn, hoãn, miễn các loại thuế phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tư nhân)…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có kế hoạch, chính sách phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với thu hút FDI; hỗ trợ TPHCM triển khai các cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược.

“Rất mong Thủ tướng chỉ đạo bộ ngành hỗ trợ TPHCM hoàn thiện các điều kiện để tiếp nhận, cũng như giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược về lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch, bán dẫn, sinh học, trung tâm nghiên cứu cho TPHCM. Sớm xem xét quyết định bổ sung hai khu công nghiệp Phạm Văn Hai 1 và 2  theo hướng mô hình khu công nghiệp công nghệ cao. TPHCM đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chung TP Thủ Đức, nếu được phê duyệt thì trong quý III/2023 sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Thủ Đức phù hợp với quy hoạch” - ông Phan Văn Mãi nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI