Doanh nghiệp nữ chật vật tìm vốn

19/11/2022 - 08:04

PNO - Dù là một công ty khởi nghiệp hay một chủ hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp nữ đều đang phải bươn chải tìm nguồn vốn trong tình hình kinh tế khó khăn.

Lần đầu tiên đứng trước hội đồng của chương trình Impact Chapter: Vietnam - Thúc đẩy kinh doanh tạo tác động, nữ nghệ nhân Trần Thị Việt đã chia sẻ mô hình làng nghề đan lát truyền thống của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (Thanh Hóa) mà bà là người đại diện pháp luật. Năm ngoái, dù ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, công ty vẫn xuất khẩu được hàng đi châu Âu. Năm nay, ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát… khiến hàng không xuất được, 50 nữ công nhân và hơn 2.000 người dân làm nghề cắt cói, chế biến sợi trong làng nghề gặp khó. Bà Trần Thị Việt  đã “gõ cửa” khắp nơi vay vốn để tìm thị trường xuất khẩu mới ở châu Âu và Nhật nhưng do thiếu tài sản thế chấp nên không thể vay. Bà tìm đến cuộc thi một phần cũng vì hy vọng có thể tìm được nguồn vốn mình đang rất cần.  

Nhiều làng nghề truyền thống do các nữ doanh nghiệp gây dựng khó tiếp cận nguồn vốn. Ảnh chụp công nhân trong một xưởng làm guốc mộc tại Thuận An, Bình Dương - ảnh: Đ.T.
Nhiều làng nghề truyền thống do các nữ doanh nghiệp gây dựng khó tiếp cận nguồn vốn. Ảnh chụp công nhân trong một xưởng làm guốc mộc tại Thuận An, Bình Dương - ảnh: Đ.T.

Theo báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân (MIWE) của Mastercard, dưới tác động của COVID-19, 87% nữ chủ doanh nghiệp phải đối mặt với tác động tiêu cực, và có nguy cơ đóng cửa cao hơn so với các doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo (khoảng 7%). 

Trong nước, hiện có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhưng những chương trình dành riêng cho phụ nữ hiện nay vẫn còn rất ít. Phần nhiều các nguồn vốn hỗ trợ họ lại đến từ quốc tế. 
Lý giải nguyên nhân nhu cầu về vốn của doanh nghiệp nữ rất cao nhưng khó tiếp cận các nguồn, bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) cho rằng: “Hiện nay, các quỹ khởi nghiệp luôn tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo nên sẽ chú trọng đến công nghệ vì họ chú trọng các mô hình phát triển nhanh. Doanh nghiệp nữ lại chưa áp dụng công nghệ vào kinh doanh nhiều. Đây là một điểm yếu mà các chị em thế hệ trước chưa can đảm vượt qua, thử cái mới”.

Chị Won-hee Kim - Quản lý Merry Year Social Company (MYSC), một đơn vị tư vấn về sáng    kiến xã hội và đầu tư của Hàn Quốc - cho hay chưa có nhiều doanh nghiệp nữ biết hệ thống dữ liệu đầy đủ và ghi chép sổ sách thật minh bạch. Chương trình phải ước tính được hiệu quả mới đầu tư được nhưng thiếu cơ sở để xem xét. Ví dụ, nếu doanh nghiệp hứa sẽ tạo việc làm cho phụ nữ thì phải có các con số báo cáo tạo được bao nhiêu việc làm từ số vốn tương ứng. Những số liệu như vậy thường được ghi vào chương trình quản trị kế toán số hóa nhưng nhiều doanh nghiệp nữ chưa làm được.

Bên cạnh thiếu sổ sách, rào cản ngôn ngữ cũng làm nhà đầu tư không hiểu doanh nghiệp nữ: “Chúng tôi không thể đầu tư hay hỗ trợ nếu không hiểu được doanh nghiệp kinh doanh gì, có tác động tốt tới xã hội không hay kinh doanh thế nào. Họ nên cải thiện ngoại ngữ để chúng tôi dễ làm việc hơn.”, chị Won-hee chia sẻ.

Theo bà Phan Phương Thảo - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Kim An (Kim An Group) - các doanh nghiệp siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn lên đến 70% kể từ năm 2020; hơn 6.000 doanh nghiệp vi mô và hộ kinh doanh buôn bán lẻ và dịch vụ ăn uống tập trung tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng đều có nhu cầu vay. Khoản vay của họ chỉ dao động trong khoảng 70-200 triệu đồng và phần đông là các nữ chủ doanh nghiệp. Bà Thảo cho rằng, nữ doanh nghiệp chỉ có thể được vay thêm khi đã thanh toán các khoản nợ vay trước đó.

Bà Phạm Kiều Oanh cho rằng, doanh nghiệp nữ cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa dù họ là một tiểu thương hay đã là một doanh nghiệp. Trong tương lai, xu hướng kinh doanh xanh và bền vững sẽ phát triển hơn và chú trọng yếu tố bình đẳng giới cho cả người lao động, các bên cung cấp lẫn khách hàng thụ hưởng sản phẩm. Doanh nghiệp nữ tìm ra được giải pháp mang lại sự bình đẳng sẽ là ưu tiên chọn lựa cho các vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp vốn không đòi hỏi những mô hình khởi nghiệp đột phá mang lại lợi nhuận một cách nhanh nhất. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho chị em doanh nhân. Với nữ tính sẵn có, chị em phụ nữ hiện nay lại rất kiên quyết tìm tòi các giải pháp tích cực cho cộng đồng và môi trường. Một nét nữ tính nữa giúp các chị em tiếp cận với nguồn vốn là sự cẩn trọng. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, nguồn vốn rẻ và dễ dãi không còn nữa, các quỹ đầu tư sẽ cân nhắc tính cẩn trọng trong chi tiêu và quản lý chứ không chọn cách vung tiền quá tay để mở rộng như trước kia. 

Các doanh nghiệp nữ cần sáng tạo hơn để tiếp cận vốn, họ có thể tìm kiếm hỗ trợ từ những quỹ đầu tư tạo tác động như MYSC hay chương trình Impact Chapter: Vietnam - Thúc đẩy kinh doanh tạo tác động được tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Đây là cơ quan của Chính phủ Hàn Quốc chuyên thực hiện các chương trình viện trợ và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP)

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI