Điều dưỡng, bác sĩ mắc COVID-19 vẫn tình nguyện chăm sóc F0

24/03/2022 - 06:14

PNO - Theo bác sĩ Khanh, ngoài lực lượng nhân viên y tế F0 tình nguyện tiếp tục tham gia công việc tại bệnh viện.

Vô tình tiếp xúc một F0, bác sĩ Trần Phước Hùng, hỗ trợ điều trị Khoa Nội ung bướu, Viện Y dược học dân tộc TPHCM cảm thấy trong người không được khỏe với các triệu chứng ớn lạnh, sốt nhẹ. Anh tự test nhanh, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Anh được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 3B. 

Ngay khi vào bệnh viện, nhận thấy xung quanh còn nhiều bệnh nhân nặng hơn mình, bác sĩ Hùng ngồi dậy, hỗ trợ đồng nghiệp thăm khám, theo dõi các F0 ở khu điều trị. “Bản thân mình là bác sĩ, tuy có triệu chứng nhưng tôi vẫn còn khỏe hơn so với bệnh nhân ở đây, tôi không thể làm ngơ khi một cô, chú giường bên cạnh trở nặng. Vì mình là F0 nên hiểu rằng, ngoài điều trị thể chất, tinh thần của người bệnh cũng rất quan trọng. Mình càng lạc quan, người bệnh càng tin tưởng... Không chỉ có tôi là bác sĩ F0, nhiều anh chị đồng nghiệp ở các bệnh viện khác cũng dương tính, cũng hỗ trợ đồng nghiệp bên cạnh, điều trị cho chính mình và bệnh nhân tại đây, cũng như lúc đơn vị cần hội chẩn, hỗ trợ từ xa”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Có khi, hơn 1g đêm, bác sĩ Hùng cùng các điều dưỡng, bác sĩ F0 khác vẫn bật dậy, hỗ trợ bệnh viện tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 trở nặng được đưa đến bệnh viện. Anh chia sẻ, đã là F0 nên không bị đồ bảo hộ làm vướng víu, các thao tác sẽ nhanh hơn và hạn chế lây nhiễm hơn cho đồng nghiệp chưa mắc bệnh. Có những khi đang đau đầu, ho, sốt nhưng vừa thấy điện thoại, lập tức các bác sĩ quên mất mình đang bị bệnh, lao vào cấp cứu cho 
bệnh nhân.

Anh nói, nằm bệnh viện nhưng các dụng cụ y tế vẫn ở đầu giường và không đi quá giới hạn của một… “bệnh nhân bác sĩ”, anh chỉ hỗ trợ thăm khám, ghi nhận sinh hiệu, triệu chứng của “bạn cùng phòng”, rồi báo lại với bác sĩ đang làm nhiệm vụ.

Ở các bệnh viện điều trị COVID-19, hay các bệnh viện có khoa COVID-19, hầu hết nhân viên y tế là F0 đều tình nguyện cách ly điều trị tại khoa để tiện chăm sóc bệnh nhân. Như Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), không ít “điều dưỡng, bác sĩ hai vạch” thuộc nhiều khoa, phòng đều viết đơn tình nguyện vào đây cách ly.

Bác sĩ Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, cho biết hiện tại số lượng bệnh nhân COVID-19 đang tăng, các giường bệnh đã được lấp đầy. Đa số F0 nhiều bệnh lý nền, người lớn tuổi, có triệu chứng, diễn tiến nặng cần được theo dõi sát. Điều dưỡng, bác sĩ F0 hằng ngày cũng làm các công việc thăm khám, đo sinh hiệu, giám sát việc uống thuốc điều trị của bệnh nhân. Đối với trường hợp nhân viên y tế trở nặng, sẽ nhập viện tại khoa.

Về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết từ đầu dịch COVID-19, nhân viên y tế tại bệnh viện phải “chia quân” đi chống dịch, hỗ trợ y tế địa phương trong lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, thành lập trạm y tế lưu động… hiện tại các bác sĩ cũng tham gia chi viện cho bệnh viện dã chiến. Hiện nay, nhân viên y tế không phải căng sức làm việc như cao điểm dịch nên khi điều dưỡng, bác sĩ không may bị lây nhiễm bệnh, vẫn sẽ được cách ly, điều trị tại nhà theo quy định. 

 “Trường hợp phát hiện điều dưỡng, bác sĩ mắc COVID-19, qua thăm khám, nếu nhân viên không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, có mong muốn tiếp tục làm việc, bệnh viện sẽ chủ động sắp xếp để thay cho bác sĩ còn khỏe về các khoa, phòng điều trị bệnh nhân thông thường phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ. Sự điều chỉnh này nhằm hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong nhân viên y tế cũng tiết kiệm được nguồn nhân lực”, bác sĩ Khanh nói.

Nhân viên y tế là F0 khi làm việc vẫn được đảm bảo các chế độ chính sách cũng như chi phí hỗ trợ chống dịch. Ngoài ra, bệnh viện cũng có một khu vực với đầy đủ bộ phận hậu cần để chăm sóc việc nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt… cho nhân viên F0 đến khi hết bệnh, về nhà. Đây là khu vực riêng biệt chỉ dành cho y, bác sĩ là F0 nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Theo bác sĩ Khanh, ngoài lực lượng nhân viên y tế F0 tình nguyện tiếp tục tham gia công việc tại bệnh viện. Trong tình huống xấu nhất, nếu số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng cao, thiếu nhân lực, bệnh viện cũng đã có kế hoạch tuyển dụng nhân viên y tế, hội chữ thập đỏ, các chiến sĩ dân quân tự vệ… từng là F0 hay tình nguyện viên “cựu F0” ở các ngành nghề khác. Do từng là bệnh nhân nên các “cựu F0” sẽ có kinh nghiệm, sự chia sẻ và hỗ trợ tốt cho 
người bệnh. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI