Dịch tả heo châu Phi TP.HCM: Heo dồn dập về chợ sỉ, bị 'quay lưng' ở chợ lẻ

15/05/2019 - 14:07

PNO - Trước thông tin dịch tả heo châu Phi đang lây lan, lượng heo đổ về chợ sỉ liên tục tăng, ngược lại người tiêu dùng ở chợ lẻ lại quay lưng.

Thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các tỉnh miền Đông, miền Tây khiến nhiều hộ chăn nuôi đã bán tháo heo để lấy lại vốn. Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, sản lượng heo về chợ liên tục tăng. Hôm nay (15/5) có 5.472 con heo về chợ, gần 410 tấn thịt, tăng 300 con so với hôm qua.

Trong khi đó, giá heo hơi ở mức thấp 38.500 đồng/kg, heo mảnh và cốc lết vẫn ở mức 50.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg trong 3 ngày cao điểm dịch tả heo châu Phi xảy ra ở miền Nam, và giảm 4.000 đồng/kg kể từ đầu tháng 5. Lượng cung đang vượt cầu, tới cuối ngày, tiểu thương phải giảm giá để bán hết hàng.

Dich ta heo chau Phi TP.HCM: Heo don dap ve cho si, bi 'quay lung' o cho le
Lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn tăng, giá bán giảm. Ảnh: Quốc Thái

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn nói, từ đầu năm 2019, khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi ở miền Bắc, sản lượng thịt heo về chợ giảm từ 5.200 con/ngày còn 4.800-5.000 con/ngày. Có ngày chạm đáy chỉ 3.500 con (2/4). Rõ ràng, lượng thịt heo về chợ trong mấy ngày gần đây tăng đột biến.

Thịt heo dồn dập về chợ sỉ; trong khi đó tại các chợ lẻ như Tân Định (Q. 1), Nguyễn Văn Trỗi (Q. 3), Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình)… nhiều quầy hàng thịt heo vẫn còn ê hề. Bà Tư – một tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai cho biết, bà bán thịt heo kiểm dịch, có thể truy xuất nguồn gốc nhưng khách hàng vẫn từ chối.

Tình trạng này xảy ra tại nhiều chợ truyền thống, thịt heo đã khó bán từ lúc có thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở miền Bắc. Mấy ngày nay, dịch áp sát thành phố nên nhiều khách hàng chuyển qua mua tôm cá, gà vịt… chứ không mặn mà với thịt heo. Sản lượng bán đã giảm 1/2 mà vẫn còn... ế.

Dich ta heo chau Phi TP.HCM: Heo don dap ve cho si, bi 'quay lung' o cho le
Tiểu thương tại chợ truyền thống than ế hàng vì người dân "quay lưng" với thịt heo

Trong cơn sốt dịch tả heo châu Phi lan nhanh như hiện nay, nhiều người dân cũng bắt đầu hoang mang về nguồn gốc, chất lượng thịt heo đang ăn hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Lệ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, thịt heo là thực phẩm chính của gia đình. Trong một tuần, ít nhất cũng đã 4 ngày có thịt heo, còn lại xen vào các loại thịt khác như: bò, cá và gia cầm. Tuy nhiên, hơn tháng nay, nhà bà chỉ ăn thịt heo 1-2 lần trong tuần, tăng cường ăn cá và các loại thịt khác.

“Dù biết dịch tả heo châu Phi không lây sang người nhưng nhà tôi vẫn thấy không ‘mạnh miệng’ khi ăn thịt heo, nên tạm thời thay thế bằng một số thực phẩm khác”, bà Lệ nói.

Trao đổi với Phụ Nữ TP.HCM mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết, TP chưa phát hiện mẫu thịt nào nhiễm dịch tả heo châu Phi, đồng thời kêu gọi người dân đừng tẩy chay thịt heo.

“Dịch tả heo châu Phi không gây hại cho người, nhưng gây hại cho người chăn nuôi, làm chết đàn heo, khó gầy đàn. Điều này khiến nền kinh tế thiệt hại. Nếu mọi người tẩy chay thịt heo thì vô hình trung người nuôi heo bệnh, heo lành đều “chết” hết, vì giá thịt heo xuống từng ngày, sẽ rất khổ cho dân chăn nuôi”, bà Lan nói.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay có 29 tỉnh, thành xẩy ra dịch tả heo châu Phi, với số lượng heo tiêu hủy hơn 1,2 triệu con. Do bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, là thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, khi phát hiện dịch thì tổ chức tiêu hủy ngay, đồng thời tiêu độc khử trùng để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan. Đồng thời, các ban ngành phải kiểm soát tốt các lò mổ trên địa bàn, giám sát việc vận chuyển thịt heo từ vùng dịch ra các địa phương khác.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI