Di sản văn hóa nhân loại gặp nguy trước sự trừng phạt của Tổng thống Trump dành cho Iran

07/01/2020 - 13:41

PNO - Nếu lời cảnh báo ‘xoá sổ các địa điểm văn hoá của Iran’ từ Tổng thống Mỹ thành sự thật, thế giới sẽ mất đi những công trình, kiến trúc độc đáo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 4/1 (giờ Mỹ) đã đưa ra lời cảnh báo với Iran rằng ông sẽ xoá sổ các địa điểm văn hoá của quốc gia này. Lời tuyên bố càng làm leo thang căng thẳng giữa hai bên, tuy nhiên, có một thiệt hại khác nữa về di sản văn hóa nhân loại cần được nhắc tới.

“Với nền văn minh có niên đại gần 5.000 năm và hơn 20 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, di sản văn hoá của Iran rất phong phú, độc đáo. Đặc biệt, các kiến trúc tôn giáo không chỉ thể hiện sự tinh thông về hình học mà còn được thiết kế tinh xảo bằng các kỹ thuật xây dựng vô song. Đây không chỉ là di sản văn hoá của Iran, mà của toàn nhân loại” - bài viết trên The Guardian nhấn mạnh.

Persepolis – kinh đô nghi lễ của Đế quốc Achaemenes (triều đại Đế quốc Ba Tư đầu tiên, nay là Iran)

Persepolis nằm cách thành phố hiện đại Shiraz, thuộc tỉnh Fars, Iran khoảng 60km về phía Đông Bắc. Persepolis là khu kiến trúc phức hợp rộng lớn bậc nhất được xây dựng trong vòng 30 năm, hoàn thành trong thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Công trình hiện còn lại không nhiều kiến trúc nguyên vẹn nhưng đủ để thấy được vết tích của đá cẩm thạch, cầu thang, khuôn viên, đền thờ... Khu vực khảo cổ này từng nhiều lần bị cướp, phá nhưng hiện vẫn còn nhiều bức phù điêu độc đáo về triều đại Đế quốc Achaemenes. Hàng năm, tại Persepolis đều có tổ chức nghi lễ cúng tế thần linh và các lễ hội mang tính chất cộng đồng. UNESCO công nhận thành Persepolis là di sản thế giới vào năm 1979.

Persepolis
Persepolis với các bức phù điêu lớn bọc quanh thành vách

Nhà thờ Hồi giáo Shah Cheragh thuộc thành phố Shiraz (thành phố đông dân thứ 6 của Iran)

Nhà thờ Hồi giáo Shah Cheragh thường được nhắc đến với tên gọi “King of the Light” (tạm dịch: Vị vua của ánh sáng). Sở dĩ công trình có tên gọi này vì nội thất được bao bọc bởi các thiết kế hình học phức tạp từ hàng triệu mảnh gương, tạo ra ánh sáng lung linh, huyền ảo.

Hàng triệu mảnh gương được đính kết bên trong công trình
Hàng triệu mảnh gương được đính kết bên trong công trình

Trung tâm lối vào nhà thờ được đặt một cánh cửa với tấm kính lớn, mạ vàng. Những khách du lịch khi tới đây đều hôn và xoa tay lên cánh cửa nhằm được ban phước lành, sự bình an, tài lộc. 

Theo tương truyền, Shah Cheragh là nơi chôn cất 2 anh em Amir Ahmad và Mir Muhammad, con trai của lãnh tụ Imam 7. Khu lăng mộ ban đầu giống với những lăng mộ bình thường khác nhưng về sau được xây dựng, tôn tạo qua nhiều thời kỳ để có được không gian tráng lệ hiện tại.

Shah Cheragh
Shah Cheragh với phần cổng được thiết kế độc đáo

Thánh đường Vank

Nằm ​​ở quận New Julfa của thành phố Isfahan, Iran, Vank được biết đến là nhà thờ của các nữ tu. Đây là một trong những nhà thờ lâu đời nhất trong danh sách di sản thế giới của UNESCO. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 17. Nội thất bên trong nhà thờ gây ấn tượng bởi những bức bích hoạ lớn được mạ vàng.

Kiến trúc bên trong nhà thờ Vank
Kiến trúc bên trong nhà thờ Vank

Cây cầu 33 nhịp ở thành phố Isfahan

Cây cầu có tên Si-o-Se-Pol (cầu 33 nhịp) bắc qua sông Zayanderud, ở thành phố Isfahan, là một trong những kiến trúc độc đáo tiếp theo của Iran. Cầu dài 300m và rộng 14m. Với thiết kế mái che và hệ thống ánh sáng chạy dọc thân cầu, về đêm, những tia sáng vàng rực từ trên cầu hắt xuống dòng sông Zayanderud tạo nên khung cảnh thơ mộng.

Theo The Guardian, cây cầu 33 nhịp được xây dựng trong thế kỷ 17 này lọt vào nhiều danh sách, trong đó có danh sách những cây cầu có thiết kế đẹp nhất, danh sách những cây cầu lâu đời nhất trên thế giới.

Cây cầu
Cây cầu 33 nhịp về đêm tại thành phố Isfahan

Nhà thờ Hồi giáo Sheik Lotfallah

Sheik Lotfallah không phải là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trong thành phố Isfahan nhưng là một trong những nhà thờ được trang trí công phu nhất.

Nhà thờ được xây dựng riêng cho hoàng gia, không phải công trình phục vụ người dân nên được thiết kế đặc biệt, phức tạp, đặc biệt là phần mái vòm.

Bên ngoài phần mái vòm, các viên gạch hoa văn nhỏ được đính kết thành các hình thù trang trí đối xứng. Cả con đường dẫn đến nơi đọc kinh thánh bên trong đều được lát đá trang trí tỉ mẩn. Vì xây dựng cho hoàng gia nên bên trong Sheik Lotfallah không có khoảng sân rộng như thường thấy tại các nhà thờ phục vụ cộng đồng tín ngưỡng. Ngày nay, Sheik Lotfallah được mở cửa cho tất cả du khách và người dân đến tham quan, đi lễ.

Nhà thờ Sheik Lotfallah nhìn từ xa
Nhà thờ Sheik Lotfallah nhìn từ xa

Đền Imam Reza

Toạ lạc tại thành phố Mashhad, Imam Reza là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, một trong những địa điểm linh thiêng nhất, với hơn 25 triệu du khách mỗi năm. Đền Imam Reza có diện tích hơn 26ha, có hệ thống sân bao quanh rộng lớn.

Bên trong đền Imam Reza bao gồm một bảo tàng trưng bày các cổ vật và hàng loạt các công trình giao dục, văn hoá liên quan đến tín ngưỡng. Nếu có một sự phá huỷ nào đối với Imam Reza, đây là hành động không thể chấp nhận với nhiều người Hồi giáo trên thế giới. 

Imam Reza thu hút 25 triệu du khách mỗi năm đến hành hương
Imam Reza thu hút 25 triệu du khách mỗi năm đến hành hương, tham quan

Pasargadae - thủ đô của đế chế Achaemenes

Thủ đô đầu tiên của đế chế Achaemenes, được Cyrus Đại đế xây dựng theo phong cách đặc biệt, với hệ thống cung điện được bố trí trên những khu vườn rộng lớn. Phong cách vườn Ba Tư (hay sân vườn Ba Tư) này có ảnh hưởng đến các thiết kế về sau tại một số quốc gia, đơn cử lăng mộ Taj Mahal (Ấn Độ) và lâu đài Alhambra (Tây Ban Nha). 

Tại đây, khu mộ của Cyrus Đại đế được nhiều du khách chọn tham quan. Khu lăng mộ của Cyrus đại đế được xây dựng bằng nhiều lớp đá vôi với chiều cao hơn 6m, 1 lối nhỏ dẫn vào nơi chôn cất. Nhìn từ bên ngoài, cấu trúc lăng mộ tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng chắc chắn với các tảng đá chồng lên nhau kiên cố, chịu được các trận động đất lớn nhỏ trong suốt 2.500 năm qua.

Các góc khác nhau trong Pasargadae
Các góc khác nhau được chụp tại thủ đô đầu tiên của đế chế Achaemenes - Pasargadae

Lăng mộ của Daniel

Lăng mộ của Daniel là một địa điểm hành hương nổi tiếng tại Iran. Đây là nơi chôn cất Daniel - nhà tiên tri trong Kito giáo và Hồi giáo. Khu lăng mộ có kiến trúc độc đáo với phần mái được xây dựng theo dạng hình nón, các khu vực xung quanh được chạm khắc tinh xảo.

Lăng mộ với 6 mái vòm này được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, tọa lạc trên con sông Siab nổi tiếng. Điểm đặc biệt nhất của di sản văn hóa này là cột tiên tri dài 18m bên trong lăng mộ. 

Kiến trúc hình nón độc đáo
Kiến trúc hình nón độc đáo của khu lăng mộ

Thành cổ Bam

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, thành cổ Bam có diện tích 180.000m2 với một pháo đài trung tâm. Xung quanh thành cổ được bao bọc bởi bức tường cao 7m, bên trong là đường phố, nhà cửa và chợ. Vật liệu xây dựng chủ đạo ở thành cổ Bam là gạch, đất sét trộn rơm cùng những thứ tận dụng từ cây cọ và chà là.

Trong quá khứ, thành cổ Bam là nơi giao thương sầm uất bật nhất nhưng về sau, khi người Afghanistan mở cuộc xâm lược vào năm 1722, thành cổ trở thành đô thị thưa vắng. Tuy nhiên, những kiến trúc còn lại trong thành cổ luôn là điểm thu hút khách du lịch. Năm 2003, một trận động đất đã tàn phá phần lớn thành cổ Bam nhưng ngay sau đó việc tôn tạo được thực hiện nhanh chóng.

Thành cổ Bam
Thành cổ Bam

Lăng mộ Gonbad-e Kavus

Đây là ví dụ điển hình cho sự uyên bác, tinh thông của người Iran cổ đại về mặt kỹ thuật và phong cách thiết kế. Toà tháp tang lễ - một tên gọi khác của lăng mộ Gonbad-e Kavus cao 50m này được xây dựng từ đầu thế kỷ 11, và một thiên niên kỷ sau đó, đây vẫn là tòa tháp bằng gạch cao nhất thế giới. 

Nhà nhà sử học Grabar Oleg mô tả lăng mộ là công trình mang nhiều ý nghĩa về sự vinh quang vượt xa những đớn đau thể xác tầm thường khi con người chết đi, về số kiếp luân hồi nằm ở hình ngôi sao 10 cánh nếu nhìn từ trên xuống. Ông cho rằng khu lăng mộ là minh chứng đặc biệt nhất cho tài năng của người Iran.

Lăng mộ Gonbad-e Kavus trải qua thời gian dài dưới tác động của thời tiết, thiên tai nhưng vẫn giữ được hình dáng ban đầu. Cho tới nay, khu lăng mộ chưa trải qua đợt trùng tu nào. Điều đặt biệt, tuy được đặt tên là lăng mộ Gonbad-e Kavus nhưng bên trong lăng không chôn cất một ai. 

Toà tháp Gonbad-e Kavus
Toà tháp Gonbad-e Kavus

Minh Tú (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI