Để trẻ nên người

28/10/2022 - 07:20

PNO - Xem cảnh học sinh xúc phạm thầy cô trong những clip được lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây, bạn tôi - một giáo viên tiểu học, sửng sốt: “Hồi xưa, học sinh vô lễ kiểu này chắc bị đuổi học liền”.

 

Cảnh học sinh vô lễ, trả treo với thầy cô lan truyền trên mạng xã hội ngày càng nhiều - Ảnh: P.H tổng hợp
Cảnh học sinh vô lễ, trả treo với thầy cô lan truyền trên mạng xã hội ngày càng nhiều - Ảnh: P.H tổng hợp

Nhiều giáo viên cho rằng, trường học bây giờ giảm đi tính tôn nghiêm. Phụ huynh có xu hướng phản ứng thái quá với nhà trường còn học sinh thì không lễ phép với thầy cô như các thế hệ trước. Tuy nhiên, không ít thầy cô thừa nhận, hiện nay do chương trình quá nặng về kiến thức nên trẻ ít được dạy dỗ, uốn nắn về nhân cách. 

Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) - bày tỏ: “Trường công lập hiện nay chịu áp lực thành tích quá lớn vì thầy cô phải cố dạy cho hết kiến thức trong sách. Chúng ta đặt nặng việc dạy kiến thức mà bỏ ngỏ việc dạy làm người, trong khi nhân cách một đứa trẻ cần phải được uốn nắn từng ngày”.

Thầy Trần Đức Huyên chia sẻ câu chuyện, khi làm hiệu phó ở một trường chuyên, có một nữ giáo viên thấy học trò dùng vở lò xo có thể tháo rời các trang, liền nhắc nhở. Trò này đáp: “Đây là tập dành cho người thông minh…”. Giáo viên rất giận, cho rằng học trò trả treo, lại còn ám chỉ cô không thông minh. Thầy Huyên phải vào hỏi cả lớp, các em khẳng định, học sinh này không xúc phạm cô. Khi xem quyển tập của em học sinh đó, thầy Huyên thấy đúng là phía sau có in dòng chữ “tập dành cho người thông minh”.

Từ trải nghiệm, kinh nghiệm đúc kết nhiều năm, thầy Trần Đức Huyên nhận định, trong các yếu tố dẫn đến xung đột giữa học sinh và giáo viên có tình trạng thầy cô dạy theo kiểu áp đặt, khi không đúng ý mình thì đánh giá học trò có thái độ không tốt, song nguyên nhân này lại ít được chỉ ra.

Theo thầy Huyên, ngày nay thầy cô cần phải thay đổi tư duy nghề giáo. Với phương pháp dạy học tích cực, giáo viên sẽ giữ vai trò là người tổ chức, hỗ trợ và tôn trọng tư duy, khả năng của học sinh. Quá trình dạy và học như vậy sẽ giúp duy trì sự đồng cảm, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau, qua đó giảm đi các xung đột giữa thầy và trò.

Là người trong cuộc, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) cũng cho rằng, nếu thầy cô giảng bài thiếu hấp dẫn, dùng những lời ác ý với học sinh thì khó đòi hỏi học sinh yêu quý mình nên chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể dẫn đến xung đột. Từ đó, cho thấy, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh là yếu tố rất quan trọng để tránh những xung đột học đường. 

Theo nhà giáo Huỳnh Thanh Phú, để xây dựng môi trường văn minh trong học đường, cần phải có giải pháp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, nhà trường phải cố gắng giảm tải chương trình để không đẩy học trò vào tình thế học tập căng thẳng dẫn đến ức chế tâm lý. Trong trường, cần tổ chức các hoạt động, sự kiện nuôi dưỡng tình yêu và sự gắn kết của học sinh với nhà trường, thầy cô. 

Về phía gia đình, phụ huynh cần phải trân trọng công sức dạy dỗ của giáo viên thì mới hình thành sự tôn trọng của học sinh đối với thầy cô. Nếu cha mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc sẽ khiến con cái dễ hư hỏng, khiếm khuyết. Song, nuông chiều con thái quá cũng không tốt cho sự phát triển của trẻ. Về mặt xã hội, cần phải có thêm những quy định luật pháp rõ ràng. Ví dụ, không được sử dụng mạng xã hội để chửi người này, bôi xấu người kia… Các tụ điểm ăn chơi phải nghiêm cấm học sinh vào...

Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, học sinh sẽ được trưởng thành trong một môi trường văn hóa, trở thành con người hiểu biết, hành xử văn minh.

Giáo dục con người chưa bao giờ là chuyện dễ. Với những học trò chưa ngoan lại càng khó. Chỉ có tình yêu thương, sự độ lượng của thầy cô cùng phương pháp giáo dục tốt mới giúp những đứa trẻ biết cách sửa sai để nên người. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI