Để Tết không bị bệnh thủy đậu

08/01/2017 - 16:09

PNO - Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 3-4, nhưng cách đây vài ngày, tin ổ dịch bệnh thủy đậu ở khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM) bùng phát; người dân lo lắng. Vậy ngừa cách nào?

Bác sĩ Phan Công Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo: Thủy đậu là một bệnh cấp tính do vi rút Varicella Zoster Virus gây ra.

Bệnh lây truyền từ người sang người khác qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc do lây từ dịch tiết của người bệnh bị văng trên đồ vật trung gian như: quần áo, chén đũa… Sau 10 – 14 ngày nhiễm vi rút thì sẽ mắc bệnh  thủy đậu.

Bệnh xảy ra nhiều vào mùa đông xuân; riêng các tỉnh phía Nam lại xảy ra ở các tháng đầu năm với các ổ dịch nhỏ trong các trường học, khu công nghiệp, khu tập thể đông dân cư, hoặc các ca bệnh rải rác trong cộng đồng.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Ngoài ra, các biến chứng nặng như: viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 – 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

Phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu 3 tháng cuối thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển trí tuệ.

De Tet khong bi benh thuy dau
Bóng nước của bệnh thủy đậu có kích cỡ không đồng đều

Cách phòng bệnh

  • Trẻ em, người cao tuổi, người bị suy dinh dưỡng là nhóm người có nguy cơ lây bệnh cao, tránh tiếp xúc với người bệnh ở khu vực đang xảy ra dịch.
  • Khi có biểu hiện mắc bệnh phải được khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối không chữa theo kinh nghiệm dân gian như ủ bé lại không cho nổi mụn nước và không tắm cho bé khiến bé bị ngứa, gãi gây nhiễm trùng da.
  • Đối với những người mắc bệnh phải được cách ly điều trị, chỉ đi học, đi làm trở lại khi bệnh hoàn toàn khỏi, tránh lây lan cho người khác.
  • Người chăm sóc bệnh nhân cần vệ sinh, rửa tay thật sạch trước và sau khi chăm sóc, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI