Đề kiểm tra “Át cơ” gây “ác mộng”

23/04/2023 - 15:04

PNO - Đề kiểm tra cuối học kỳ 2 ngữ văn lớp 12,Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6) với ngữ liệu “Át cơ” đã gây ra “ác mộng” với học sinh.

“Đề kỳ quá, không hiểu giáo viên muốn hỏi gì”

Em N. - học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ, khi đọc đề em “đứng hình”, không biết phải làm thế nào. Phần đọc hiểu thì bài thơ quá khó hiểu, các câu lệnh cụt lủn, em không biết giáo viên muốn hỏi về điều gì. Còn câu nghị luận văn học thì quá trúc trắc, đoạn văn dài nhưng dễ khiến học sinh lạc đề… 

“Đề rất kỳ” là đánh giá của thạc sĩ Trần Lê Duy- Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM về đề kiểm tra “Át cơ” trong môn ngữ văn cuối học kỳ 2 cho học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6). 

Giảng viên này phân tích: Trước hết, ở câu đọc hiểu cách diễn đạt quá kỳ quặc ở các câu hỏi khi không ra câu hỏi cũng không ra câu lệnh. Văn bản trong phần đọc hiểu quá trừu tượng và khó hiểu, đến giảng viên đại học cũng khó hình dung ra. Nội dung câu hỏi trong phần đọc hiểu thì chồng chéo nhau, đáp án của các câu cũng có sự trùng lắp nhau một phần. 

Đối với câu nghị luận văn học, lệnh của câu là phân tích vẻ đẹp nhân vật trong tác phẩm Vợ Nhặt, song trong đoạn trích lại có tới 2 nhân vật. Như vậy, học sinh sẽ rất rối, không biết phải làm thế nào, lựa chọn một nhân vật để phân tích hay phân tích cả 2 nhân vật. 

“Nói về tính mới thì đề này không thể gọi là đổi mới. Với học sinh lớp 12 đang theo học chương trình cũ thì việc ra đề kiểm tra cuối kỳ với giáo viên là chuyện quá bình thường, không hề áp lực và đòi hỏi cao về tính đổi mới. Nhưng với cách ra đề này thì… không hiểu giáo viên muốn hỏi cái gì”- thạc sĩ Trần Lê Duy bày tỏ.

Đề đọc hiểu mà học sinh… đọc không hiểu

Trong khi đó, giáo viên dạy Ngữ văn, một trường THPT tại quận 1 chia sẻ, bài thơ trong phần đọc hiểu cực kỳ khó hiểu. Đề đọc hiểu mà học sinh đọc không hiểu thì làm sao làm bài được. Đặc biệt, cách đặt câu hỏi gây cảm giác “rất khó chịu”. Riêng câu số 3 phần đọc hiểu thì quá ngô nghê, buồn cười, là kiến thức không phù hợp với phần đọc hiểu. 

Ví dụ, cách hỏi: “phong cách ngôn ngữ, nội dung văn bản được sử dụng”, không phải là câu lệnh, câu hỏi hay là câu đặt vấn đề, vô cùng cụt lủn, tạo cảm giác rất bức xúc cho người đọc. Nếu đúng ra phải là “xác định phong cách ngôn ngữ, nội dung văn bản”. Đề tạo cảm giác “uất ức” cho học sinh khi làm bài. 

“Việc chọn ngữ liệu cho học sinh hiểu đúng là việc giáo viên cần cẩn trọng. Ngữ liệu hay mà không mang tính giáo dục, thẩm mỹ thì cũng không được. Lựa chọn một văn bản cho học sinh đọc hiểu phải được giáo viên cân nhắc ở nhiều yếu tố, không thể xuề xoà, dễ dãi được”. 

Theo giáo viên này, các đề kiểm tra gây tranh cãi bắt nguồn từ việc người giáo viên chưa ý thức được việc lựa chọn ngữ liệu đảm bảo tính giáo dục, thẩm mỹ, khoa học và cách đặt câu hỏi để khai thác được quan điểm, góc nhìn, thái độ của học sinh. Việc cân nhắc một cái đề phải là sự đau đáu của giáo viên. Trong đề kiểm tra này, giáo viên mới quan tâm đến yếu tố tạo tính mới lạ, tính độc đáo mà chưa quan tâm đến các yếu tố giáo dục.

Ngữ liệu đề kiểm tra phải được cân nhắc lựa chọn, đảm bảo tính khoa học, giáo dục và thẩm mỹ (hình minh hoạ)
Ngữ liệu đề kiểm tra phải được cân nhắc lựa chọn, đảm bảo tính khoa học, giáo dục và thẩm mỹ (hình minh hoạ)

“Với những đề kiểm tra như thế này sẽ khiến học sinh hoang mang, không biết làm như thế nào. Ngay cả với đề thi tốt nghiệp THPT ở mức độ vừa phải cho học sinh cả nước mà với nhiều đoạn thơ nhiều học sinh vẫn phải than trời rằng đọc mà không hiểu gì, huống hồ là các bài thơ đầy tính ẩn dụ, hình thức lạ lùng như thế này. Do vậy, với các ngữ liệu đọc hiểu quá khó hiểu, hình thức thơ không phổ biến thì giáo viên nên hạn chế đưa vào đề, tránh gây sự hoang mang cho học sinh. Bởi khi học sinh làm bài các em đã chịu rất nhiều áp lực, mà bây giờ gặp phải đề thi như thế này thì các em sẽ rất lo lắng…”- giáo viên này nhấn mạnh. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI