Để biết ơn những điều bình dị

19/02/2022 - 14:34

PNO - Sau hàng thập niên, "Goodnight moon" - cuốn sách thiếu nhi kinh điển của Margaret Wise Brown - vẫn tiếp tục lôi cuốn nhiều thế hệ độc giả trẻ em lẫn người lớn khắp thế giới.

Trên trang giấy, từng lời “chúc ngủ ngon” từ nữ văn sĩ tài năng bạc mệnh người Mỹ để lại một nỗi trăn trở miên man về lòng biết ơn cuộc sống.

Tác phẩm có cốt truyện vô cùng giản đơn: Một chú thỏ con nói lời chúc ngủ ngon đến những vật dụng và nhân vật bên trong căn phòng ngủ màu xanh lục. Sau dòng văn cuối, chú thỏ chìm vào giấc ngủ, khi mặt trăng và những vì sao tỏa sáng ngoài khung cửa sổ.

Ra mắt năm 1947, ban đầu, Goodnight moon có chỗ đứng khá mờ nhạt tại Mỹ trước khi bất ngờ tạo dấu ấn đột phá từ năm 1953. Qua mỗi năm tiếp theo, tác phẩm liên tục được tái bản với doanh số tăng dần. Đến nay, sau 75 năm kể từ lần in đầu tiên, sách đã bán ra 48 triệu bản trên toàn cầu, được chuyển ngữ sang hơn mười thứ tiếng. Sáng tác nổi tiếng nhất của Margaret Wise Brown đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của vô số bạn đọc nhiều thế hệ. Nhiều bậc phụ huynh thích đọc Goodnight moon nhằm dỗ dành con trẻ vào giấc ngủ. Thế nhưng, sách cũng dễ khiến cả những độc giả trưởng thành phải ghi nhớ, suy ngẫm. Vì từng lời văn ấm áp thuần túy hay vì lẽ gì khác ẩn chứa nơi một tác phẩm dung dị đến kỳ lạ?

Margaret Wise Brown  - ẢNH: CONSUELO KANAGA/BROOKLYN MUSEUM
Margaret Wise Brown - ẢNH: CONSUELO KANAGA/BROOKLYN MUSEUM

Niềm vui của ngôn từ 

Giáo sư Anne E. Fernald - nhà nghiên cứu văn học và văn hóa nữ quyền của Đại học Fordham (New York, Mỹ) - bình luận về tựa sách: “Tôi lớn lên cùng Goodnight moon, cũng đã nuôi dạy các con tôi với tác phẩm này. Những dòng văn nhẹ nhàng, dễ cảm không ngừng lôi cuốn một cách chân phương qua nhiều lần đọc đến mức tôi muốn tìm hiểu sức hút ấy từ đâu.

Nội dung sách đề cao tình yêu dành cho màu sắc, sự vui sướng thuần khiết khi chúng ta quan sát những vật dụng bình thường xung quanh. Song song đó, từng lời chúc ngủ ngon tái lập như một nỗ lực gợi nhớ - tự vấn về vạn vật. Có lẽ Goodnight moon trở nên thân thuộc với bạn đọc mọi lứa tuổi theo cách từ góc nhìn trẻ thơ, sách nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống gần gũi và đa dạng ra sao”.

Cốt truyện Goodnight moon đơn giản đến mức không thật sự tồn tại. Dẫu vậy, như Fernald diễn đạt, tác phẩm khơi gợi hoài niệm rất thật về tuổi thơ. Giai đoạn đầu đời chúng ta từng trải, dưới ngòi bút tinh tế của Brown, ẩn giấu đầy những khoảnh khắc màu nhiệm nhỏ bé. Và, như lời chúc ngủ ngon lặp lại đều đặn, niềm vui ngôn ngữ đem tới đôi khi không phụ thuộc vào thông tin chúng truyền tải mà đơn thuần ở nhịp điệu và cảm xúc chúng tạo nên.

Goodnight moon được chuyển ngữ sang tiếng Việt và phát hành năm 2018, nhân kỷ niệm 70 năm sách ra mắt - ẢNH: NHÃ NAM
Goodnight moon được chuyển ngữ sang tiếng Việt và phát hành năm 2018, nhân kỷ niệm 70 năm sách ra mắt - ẢNH: NHÃ NAM

Brown không xây dựng được sự nghiệp ấn tượng như Beatrix Potter hay Dr. Seuss - những tác giả sách thiếu nhi nổi danh quốc tế. Thế nhưng, biệt tài gợi mở xúc cảm bằng từ ngữ đã giúp bà trở thành một trong những phụ nữ đặc biệt nhất trên văn đàn thế giới.

Tôi chỉ lắng nghe và ghi chép” 

Brown sinh năm 1910 tại Brooklyn, thành phố New York. Bà là con thứ trong một gia đình trung lưu khá giả. Nhà trẻ Brown từng lui tới lúc nhỏ có cánh cổng lớn bắt mắt, trang hoàng bởi hình ảnh “ba chú gấu con” và “một chú bò nhảy qua mặt trăng” - những chi tiết về sau xuất hiện trong Goodnight moon.

Tính cách bí ẩn lẫn bướng bỉnh ở Brown hình thành từ sớm. Thuở bé, bà thường gây rắc rối vì cá tính nóng nảy và sở thích chạy nhảy khắp nơi. Không có nhiều bạn bè đồng lứa, Brown rất yêu động vật. Trước giờ ngủ, bà cùng chị gái Roberta có thói quen nói lời chúc ngủ ngon đến mọi vật dụng, âm thanh xung quanh họ.

Đến tuổi thành niên, Brown đăng ký vào một trường đại học nữ ở Virginia. Tại đây, tiếp xúc với những tác phẩm của Gertrude Stein và Virginia Woolf, bà dần nảy sinh tình yêu văn chương. Sau khi từ chối một cuộc hôn nhân sắp đặt, Brown thử theo đuổi giấc mơ viết lách. Song, các sáng tác của bà dành cho độc giả trưởng thành không được đón nhận. Dưới áp lực từ gia đình, cuối cùng bà chọn học tại Bank Street, ngôi trường đào tạo giáo viên ở New York, với kỳ vọng tìm được công việc ổn định.

 

 

Brown cạnh chú chó cưng tại căn nhà đồng quê ở thị trấn Vinalhaven, Maine, năm 1952  - ẢNH: THE NEW YORKER
Brown cạnh chú chó cưng tại căn nhà đồng quê ở thị trấn Vinalhaven, Maine, năm 1952 - ẢNH: THE NEW YORKER

Nghề giáo, đáng tiếc, không phù hợp với Brown. Dù có khiếu tương tác cùng trẻ em, bà bị các giáo sư than phiền rằng “hoàn toàn thiếu khả năng quản lý lớp học”. Dẫu vậy, tại trường, nữ văn sĩ có dịp gặp gỡ nhà giáo dục Lucy Sprague Mitchell - Giám đốc sáng lập Bank Street, cũng là nhân vật góp công lớn trong sự nghiệp cầm bút của Brown.

Thời bấy giờ, truyện cổ tích và ngụ ngôn thống lĩnh địa hạt văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, qua quá trình dài nghiên cứu tâm lý và khuynh hướng đọc của trẻ, Mitchell tin rằng độc giả nhí hứng thú tìm tòi về thế giới xung quanh từ góc nhìn riêng hơn là dựa vào thể loại truyện cổ có nội dung phức tạp, nặng tính triết lý. “Người lớn chúng ta hay lờ đi nhiều giá trị thú vị ẩn chứa nơi nhịp sống đời thường nhưng trẻ nhỏ thì ngược lại. Khi đọc, thứ trẻ quan tâm hơn cả không phải cốt truyện mà là xúc cảm tác phẩm ấy đem lại”, Mitchell nhận định.

Brown bị lôi cuốn bởi phong trào cách tân văn học thiếu nhi do vị nữ giáo sư khởi xướng. Thay vì trở thành giáo viên, bà bắt đầu viết nhiều hơn cho trẻ em dưới sự hỗ trợ tận tâm từ Mitchell.

Đa dạng chủ thể gần gũi (động vật, xe cộ, nếp sinh hoạt thường nhật, âm thanh phố phường...) được Brown tích cực khai thác. Bà có thói quen đọc tác phẩm mới trong lớp học để tìm hiểu phản ứng của các em nhỏ. Brown nhận ra việc hòa nhập vào thế giới trẻ thơ giúp bà tái tạo niềm vui thuở bé, khi được quan sát đời sống bằng đôi mắt hồn nhiên, cởi mở. “Tác giả thật sự làm nên những quyển sách của tôi là bọn trẻ. Tôi đơn giản chỉ lắng nghe và ghi chép”, Brown chia sẻ.

Phác thảo minh họa đầu tiên của Goodnight moon lấy cảm hứng từ bức tranh Xưởng vẽ màu đỏ của danh họa người Pháp Henri Matisse - ẢNH: THE NEW YORKER
Phác thảo minh họa đầu tiên của Goodnight moon lấy cảm hứng từ bức tranh Xưởng vẽ màu đỏ của danh họa người Pháp Henri Matisse - ẢNH: THE NEW YORKER

Ngủ ngon nhé, Tiếng ồn khắp mọi nơi”

Brown sáng tác rất vội khi cảm hứng đến. Bà thường tiện tay viết lên đủ loại bề mặt giấy, bìa sau của một bao thư hay hóa đơn mua sắm. Nữ văn sĩ dành hàng năm liền để biên tập, trau chuốt từng câu chữ. Goodnight moon ra đời như thế.

Phần lớn tác phẩm dựa trên hồi ức tuổi thơ của Brown, những năm tháng bà đủ đầy về vật chất nhưng luôn thiếu vắng tình cảm từ cha mẹ. Brown nhờ người bạn thân, Clement Hurd - một họa sĩ nghèo, khi ấy vừa xuất ngũ sau Thế chiến thứ hai - vẽ minh họa.

Cách nữ văn sĩ khéo léo gợi nhắc về sự nhỏ bé của mỗi người “Ngủ ngon nhé, Những vì sao/ Ngủ ngon nhé, Bầu không gian” không khiến chúng ta thấy cô quạnh. Ngược lại, đặc biệt nơi dòng văn sau cùng “Ngủ ngon nhé, Tiếng ồn khắp mọi nơi” người đọc có thể cảm nhận một sự vỗ về dịu dàng. “Tiếng ồn” Brown đề cập đại diện cho những âm thanh gây bất an, vốn giữa thời đại hiện nay càng làm dấy lên nhiều suy ngẫm.

Brown mất đột ngột tại Pháp năm 1952 khi mới ngoài 40 tuổi vì chứng tắc mạch máu. Bà chưa lập gia đình, không có con cái. Khối di sản lớn nhất Brown để lại là hơn 100 tác phẩm sách cùng vô số bản thảo. 

Đi qua chặng đường đời nhiều thăng trầm, lận đận trong tình yêu lẫn sự nghiệp, duy “ánh sáng tươi đẹp còn mãi trong tim Brown đến từ niềm yêu thích được viết cho trẻ thơ”, theo lời giáo sư Fernald. Đến nay, nơi Goodnight moon, ánh sáng êm dịu ấy vẫn hiện hữu tựa một cái ôm trìu mến, nhắc nhở chúng ta về sự kỳ diệu lẫn bình dị của cuộc sống.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI