ĐBSCL đón 1,8 triệu lượt khách qua liên kết với TPHCM

16/12/2022 - 13:01

PNO - Số liệu được đại diện Sở Du lịch TPHCM đưa ra tại Hội nghị Tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022.

Ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhìn nhận, 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch, nhưng tính đặc sắc chưa rõ nét, mô hình làm du lịch ở các địa phương trùng lặp. Trong khi xu hướng của khách du lịch ngày một đa dạng hơn.

Do đó, muốn thu hút du khách, ngành du lịch ĐBSCL cần cải thiện hạ tầng du lịch, đào tạo kỹ năng mềm, tạo các sản phẩm đặc trưng theo hướng đa trải nghiệm...

Các địa phương cũng mang sản phẩm đặc trưng giới thiệu, quảng bá tại Trong khuôn khổ Hội Nghị Tổng kết liên kết du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. - Ảnh: Quốc Thái
Các địa phương cũng mang sản phẩm đặc trưng giới thiệu, quảng bá tại Hội Nghị Tổng kết liên kết du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL - Ảnh: Quốc Thái

Theo đánh giá của bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, chương trình liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tạo ra nhiều tuyến điểm du lịch. Giai đoạn 2020-2021, 3 sản phẩm từ chương trình này là các tour, tuyến: "Những nẻo đường phù sa" kết nối TPHCM - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; "Non nước hữu tình" TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh và tuyến du lịch "Sắc màu vùng biên" TPHCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Từ 3 trục tuyến này, các doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành đã xây dựng 70 chương trình tour. Trong năm 2022, khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế. Có khoảng 1,8 triệu lượt du khách từ các tỉnh, thành được 100 DN du lịch, lữ hành tại TPHCM (những DN thường xuyên tham gia các hoạt động liên kết hợp tác với ĐBSCL) đưa về khu vực này.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Vietravel, năm 2022,  lượt khách của công ty đến ĐBSCL đạt 122,856, tăng hơn 100% so với năm 2021.

Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết liên kết phát triển du lịch TPHCM và ĐBSC, đoàn công tác cũng tham quan một số điểm du lịch đặc trung của An Giang. (Trong ảnh: Đoàn tham quan chợ nổi Long Xuyên sáng 15/12). - Ảnh: Quốc Thái
Chợ nổi Long Xuyên, một điểm trải nghiệm đang được khảo sát để đưa vào khai thác - Ảnh: Quốc Thái

Theo các DN du lịch lữ hành, để phát triển các sản phẩm du lịch các địa phương tại ĐBSCL cần mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo mối liên kết giữa các địa phương. Đồng thời, tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đa dạng các sản phẩm du lịch nhất là đầu tư sâu các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, hình thành các sản phẩm di sản miền Tây, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng để phục vụ, thu hút khách... 

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay, trong năm 2023, mỗi tỉnh, thành sẽ chắt lọc đề xuất 5 điểm du lịch đặc trưng, để hội đồng chuyên gia du lịch lựa chọn, đánh giá lại tính hiệu quả, đưa vào xúc tiến, quảng bá trong giai đoạn mới.

Theo bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM, sau 9 tháng khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch, Việt Nam đã có hơn 96,3 triệu khách du lịch nội địa, cao hơn số khách cả năm 2019; trong đó, TPHCM và ĐBSCL đón khoảng 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm khoảng 46% khách du lịch nội địa của cả nước. Thực tế đó chứng minh bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch từng địa phương, liên kết giữa TPHCM với ĐBSCL đã mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước sau dịch COVID-19. Đó cũng là động lực để 14 tỉnh, thành tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động liên kết trong tương lai.

Trong thời gian tới TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác. Nhất là tập trung, tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn. Cần tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh thành trong liên kết đến với doanh nghiệp và du khách thông qua các kênh thông tin quảng bá của 14 tỉnh thành và các kênh thông tin đại chúng.

"Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường trong nước trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của các địa phương để “hút”dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết của vùng; Phối hợp tổ chức các hoạt động về xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 5 tỉnh Đông Nam bộ. Song song đó tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của 14 tỉnh thành phố trong liên kết...", bà Phan Thị Thắng đề nghị.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI