Đâu dễ có được cái nghề!

03/08/2020 - 07:26

PNO - “Đây là nghề mà tôi mơ ước, nhưng muốn học nghề này cũng phải mất vài chục triệu đồng. Do vậy, đây là cơ hội để tôi theo đuổi đam mê. Tôi phải cố gắng học để có kinh nghiệm, đủ tự tin mở một tiệm tóc nho nhỏ tại nhà” - chị Tăng Thị Thanh Hiền bộc bạch.

Cơ hội theo đuổi đam mê

Có mặt tại lớp học nghề làm tóc vừa được khai giảng hơn một tháng, chị Tăng Thị Thanh Hiền cẩn thận ghi lại lời cô giáo dạy về kỹ thuật cắt và tạo kiểu tóc. Chị Hiền bộc bạch, đây là nghề mà chị mơ ước nhưng gia đình khó khăn không đủ điều kiện theo học. “Muốn học nghề này cũng phải có vài chục triệu đồng chứ đâu có dễ!”. 

Chị Hiền quê ở tỉnh Trà Vinh. Thuở đôi mươi chị theo bạn bè lên Sài Gòn đi làm, rồi lấy chồng, sinh con. Con gái chị nay đã 12 tuổi, chồng làm bảo vệ tổ dân phố, còn chị ở nhà bán nước giải khát trong xóm kiếm tiền chợ và chăm sóc gia đình. 

Lớp học làm tóc do Hội Phụ nữ Q.Gò Vấp vừa mở
Lớp học làm tóc do Hội Phụ nữ Q.Gò Vấp vừa mở

Vài năm trước, chị từng đi học làm tóc và dành dụm mua được… cái ghế gội đầu. Nhưng vì nhiều lý do khiến việc học nghề dang dở. Biết chị thích nghề làm tóc nên lần này Hội LHPN P.14 đã giới thiệu chị tham gia khóa học. “Chị Hiền học rất chăm, không vắng một buổi nào”, chị Trần Thị Thu Phượng - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp - nhận xét. Còn chị Hiền nói: “Đây là cơ hội để tôi theo đuổi đam mê. Tôi phải cố gắng học, thực hành để có kinh nghiệm, đủ tự tin để mở một tiệm tóc nhỏ tại nhà. Trong xóm tuy không đông nhưng nếu làm khéo thì cũng sẽ có khách và ổn định được thu nhập hơn việc buôn bán”. 

Khởi sự từ các lớp dạy nghề

Bưng cà phê ra cho khách xong chị Phạm Thị Thể (P.3, Q.Gò Vấp) quay qua ép thêm vài ly nước mía. Gần 30 năm lấy chồng, chị Thể chỉ quanh quẩn với những công việc chăm sóc nhà cửa, con cái. Khi con lớn, chị lại phải chăm sóc mẹ chồng. Ở trong nhà lâu ngày khiến chị ngại tiếp xúc và cũng không thân quen ai. Nhưng 5 năm trở lại đây, từ khi tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, chị thấy mình vui lên hẳn. 

Thấy gia cảnh khó khăn, chị em gợi ý và hướng dẫn chị nấu nước sâm để bán. Nhưng không có vốn nên mỗi ngày chị chỉ nấu vài chục chai. Thấy chị khó khăn, Hội lại tặng chị chiếc xe nước mía và giới thiệu tham gia lớp học pha chế. Nhờ vậy mà từ hai năm trở lại đây, ngoài nước sâm, nước mía, chị bán thêm cà phê, sữa đậu nành, nha đam, mủ trôm. Mỗi ngày cũng kiếm được đôi ba trăm ngàn đồng. 

Lớp học pha chế đồ uống
Lớp học pha chế đồ uống

Chị Thể tâm tình: “Chồng tôi làm cửa sắt, cũng có tháng được, tháng không. Tôi ở nhà, không làm ra tiền nên không dám tiêu xài. Giờ buôn bán có đồng ra đồng vô, tôi lo được tiền chợ, không sợ đói nữa. Các con cũng đã lớn, có việc làm, nên kinh tế gia đình cũng dần ổn định”. 

Vợ chồng chị Trương Thị Ngọc Hương (P.13, Q.Gò Vấp) có hai con, một đã đi làm và một đang học lớp Mười. Trước đây chị Hương đi bỏ mối trà, còn chồng làm bảo vệ trường học. Mấy tháng qua, dịch COVID-19 khiến gia đình chị khốn đốn. Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Ở không, chị Hương tham gia học nghề làm bánh do Hội Phụ nữ dạy. Rồi chị trổ tài làm bánh, nấu xôi phục vụ gia đình và lân la giới thiệu với bà con trong xóm. Ai cũng khen bánh của chị ngon. Con gái lại giúp mẹ chụp hình quảng cáo trên Facebook. Thế là có người hỏi thăm, đặt hàng. Chị Hương gom các đơn hàng rồi thực hiện mỗi tuần từ 2-3 lần. 

“Ban đầu tôi học nghề làm bánh vì yêu thích nấu ăn. Nhưng bây giờ nó lại là công việc giúp tôi có thêm thu nhập, lo cho gia đình. Chỉ vài trăm ngàn mỗi đơn hàng nhưng cũng đủ xoay xở trong nhà” - chị Hương cười nói. 

Hội Phụ nữ quận có thế mạnh về cơ sở vật chất nên từ năm 2012 đã phối hợp mở các lớp đào tạo nghề và duy trì thực hiện tại Quận hội cho đến nay nhằm giúp phụ nữ thuộc diện khó khăn có được cái nghề và giải quyết việc làm. Trung bình mỗi năm có 2-3 lớp dạy các nghề nấu ăn, tỉa rau củ, làm bánh, pha chế, trang điểm, làm tóc, làm nail. Nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công bằng các nghề do Hội Phụ nữ trang bị cho họ. 

Đợt này, cùng với nghề làm tóc, Hội LHPN Q.Gò Vấp cũng vừa khai giảng lớp đào tạo nghề pha chế cho gần 30 hội viên, phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Cả hai lớp học đều được hỗ trợ về kinh phí đào tạo. Riêng lớp dạy nghề làm tóc được Hội phối hợp thực hiện với chi phí 35 triệu đồng. Tham gia khóa học, học viên được hướng dẫn lý thuyết kết hợp với kỹ năng thực hành cơ bản và nâng cao.

Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp ,

 

Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI