Đặt hàng nhà văn viết về đề tài thương binh liệt sĩ

11/03/2022 - 19:26

PNO - Sau ba tháng phát động, cuộc vận động viết về đề tài Thương binh Liệt sĩ chỉ mới nhận được 30 bài. Ban tổ chức mong chờ ở những người cầm bút.

Tọa đàm chủ đề Đền ơn đáp nghĩa, hưởng ứng cuộc vận động viết ký về đề tài Thương binh & Liệt sĩ vừa diễn ra vào sáng ngày 11/3, tại Trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Buổi tọa đàm nhằm khơi gợi cảm hứng cho những người cầm bút đồng thời tìm lối đi cho đề tài chiến tranh cách mạng. 

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, sau ba tháng phát động, ban tổ chức mới nhận về được khoảng 30 bài viết. Số lượng quá ít ỏi so với mục tiêu trao giải và in sách, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, đồng Trưởng ban tổ chức ngỏ lời mời gọi, đặt hàng các nhà văn, nhà báo, những người cầm bút chuyên và không chuyên trên khắp cả nước cùng tham gia viết về đề tài này.

Hội Nhà văn TPHCM bày tỏ mong muốn các cây bút chuyên và không chuyên trong cả nước cùng tham gia
Hội Nhà văn TPHCM bày tỏ mong muốn các cây bút chuyên và không chuyên trong cả nước cùng tham gia

Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh, Liệt sĩ được phát động vào đầu tháng 12/2021, đợt một dành cho thể loại ký, thời gian nhận bài đến hết tháng 10/2022.

Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển khu biệt rõ các đối tượng có thể được chọn là nhân vật/câu chuyện/đề tài cho cuộc vận động: về các thương binh, liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các thương binh, liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam; các tấm gương anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc trong thời bình, không chỉ trong quân đội mà còn trong lực lượng công an, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ...; về những người mẹ Việt Nam anh hùng...

Biên độ sáng tác cho khá rộng nhưng đề tài này có vẻ như vẫn chưa thu hút được những người cầm bút tham gia. Một cuộc tọa đàm để đi tìm giải pháp "làm sao có bài viết hay và chất lượng về đề tài thương binh, liệt sĩ" cũng là điều chưa từng có tiền lệ. "Vì sao chúng ta không dựa vào quân đội, kết nối với các đơn vị quân đội và đề nghị phát động trong toàn quân? Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ cùng Hội Nhà văn TPHCM tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác về thăm lại di tích, những nơi chốn đã từng diễn ra các trận đánh ác liệt trong lịch sử" - nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ TPHCM đặt vấn đề. 

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, thành viên ban sơ khảo đồng thuận với gợi ý này, đồng thời cho rằng thật sự cần thiết có những chuyến đi để người viết được tiếp cận thực tế, tư liệu và tạo cảm hứng sáng tác. Lời kêu gọi viết về đề tài thương binh, liệt sĩ không chỉ dành cho những nhà văn, nhà báo mà còn dành cho các cựu chiến binh, những người trong cuộc. Nhà văn Hoài Hương cho biết, hiện chị tham gia nhóm Câu lạc bộ Trái tim người lính với số lượng thành viên lên đến hơn 100 ngàn người. Trong số đó có rất nhiều người đã viết những câu chuyện của họ, về những cuộc hành quân trong chiến tranh, về những hành trình đi tìm mộ/hài cốt đồng đội...

Mỗi câu chuyện về mẹ VNAH là một mảnh ghép của sức mạnh dân tộc - nhà văn Trầm Hương
"Mỗi câu chuyện về mẹ VNAH là một mảnh ghép của sức mạnh dân tộc" - nhà văn Trầm Hương

Viết để đền ơn đáp nghĩa và giữ lại cho mai sau là những giá trị ý nghĩa của cuộc vận động. Ban tổ chức bày tỏ mong muốn những người viết trẻ sẽ cùng tham gia viết, bằng góc nhìn của thế hệ sau chiến tranh.

Mỗi bài viết yêu cầu không dài quá 3.000 chữ, các nhân vật trong tác phẩm phải là người thật, việc thật, ưu tiên trên địa bàn TPHCM và miền Đông Nam Bộ. Bài dự thi gửi về: Hội Nhà văn TPHCM (81 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) hoặc email: linhkhiquocgia2021@gmail.com. 

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải Nhất (20 triệu đồng), 2 giải Nhì (10 triệu đồng mỗi giải), 3 giải Ba (7 triệu đồng mỗi giải) và 5 giải Tư (4 triệu đồng mỗi giải). Lễ công bố kết quả, ra mắt tác phẩm và trao giải dự kiến diễn ra vào dịp 22/12/2022.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI