Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Mong phim cổ trang bùng nổ sau Phượng Khấu

09/03/2020 - 20:46

PNO - Nếu điềm tĩnh, hy sinh, thì nhất định điện ảnh Việt Nam sẽ làm được những phim cổ trang hoành tráng. Tôi mong sau Phượng Khấu, dòng phim cổ trang sẽ bùng nổ.

Ngày 5/3, bộ phim đầu tiên về đề tài cung đấu Phượng Khấu ra mắt trên ứng dụng Pops đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và để lại nhiều ý kiến trái chiều. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, đã chia sẻ đôi điều về phản hồi của  người xem cũng như quá trình thực hiện tác phẩm này.

Phóng viên: Ở tập một, có không ít ý kiến cho rằng lời thoại khá “kịch”, các diễn viên chưa toát lên phong thái quyền quý, tần suất góc quay cận mặt nhiều khiến diễn viên lộ khuyết điểm, lạm dụng nhạc nền. Anh nói gì về những phản hồi này?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Với thể loại TV series như Phượng Khấu, nền tảng chính của việc cung cấp thông tin và tạo ra kịch tính được xây dựng trên thoại. Việc viết cấu trúc một câu thoại quan trọng đến mức có khi hình ảnh không nói được, nên có thể cho rằng dở hoặc hay chớ không thể nói thoại kịch, vì không có kịch tính thì viết thoại làm gì.

Huỳnh Tuấn Anh (khăn rằn, đội nón) trên phim trường Phượng Khấu
Huỳnh Tuấn Anh (khăn rằn, đội nón) trên phim trường Phượng Khấu

 Về mặt thể hiện phong thái quyền quý, trước khi bấm máy, các diễn viên có ba ngày học lễ nghi triều Nguyễn và tìm hiểu cách đi đứng cho từng loại trang phục. Tôi hiểu người hoàng cung xưa tác phong tao nhã, mọi hành động đều từ tốn để toát lên sự đài các, nhưng nếu bê nguyên xi điều đó vào phim, e sẽ làm chậm mạch phim. 

Về góc máy, các cú cận liên tục là ý đồ của tôi nhằm diễn tả tình trạng tâm lý nhân vật. Còn lời chê nhạc nền rất đúng, điều này tôi sẽ khắc phục ở tập sau. 

* Người xem khá ấn tượng về phần “nhìn” của phim thể hiện qua phần phục trang tỉ mỉ, đạo cụ tinh xảo. Phượng Khấu đầu tư tốn kém vậy, anh có thấy uổng cho phim khi chọn hình thức phát hành miễn phí qua mạng thay vì đưa ra chiếu rạp như truyền thống?

- Phim chiếu rạp đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi kinh phí dự toán ban đầu của tôi chỉ là 500 triệu đồng/tập 60 phút. Tuy nhiên tính đến nay, với 11 tập phim (45 phút/tập) đã hoàn thành, tổng kinh phí lên đến gần 19 tỷ đồng. Tôi nghĩ phim chiếu mạng hiện đang là xu thế và thông qua phương tiện phát hành internet, người làm phim có thể nắm trong tay chuyện lời lỗ, còn làm phim chiếu rạp thật sự là canh bạc rủi ro. 

* Khán giả rất tò mò về phần thiết kế mỹ thuật, nhất là các đạo cụ, anh có thể tiết lộ những điều thú vị liên quan hậu trường khâu này?

- Tổ thiết kế đến phút cuối được thay sáu lần, lần “thập tử nhất sinh nhất” là còn 48 tiếng nữa bấm máy vẫn phải thay. Phượng Khấu là phim duy nhất mà các anh chị em chơi cổ vật đem luôn những cổ vật quý ra tận hiện trường để quay.

Nhưng tôi đã cân nhắc và từ chối rất nhiều món như một chiếc bình thời vua Thiệu Trị, một cặp đũa ngà hay bộ chén đĩa vua Thiệu Trị từng dùng, vì rất kém khoa học khi sử dụng cổ vật thật đi quay với quá nhiều rủi ro. Tôi chọn phương án đem cả máy may, máy scan 3D, máy cắt CNC đến tận hiện trường, làm việc 24/24 để mô phỏng đạo cụ, phục trang...

Tuy nhiên, khán giả vẫn có thể chiêm ngưỡng một vài món cổ vật thật như hai tấm sắc phong: một tấm có niên đại 180 năm, tấm còn lại 100 năm (đoạn mở đầu), tráp đồi mồi chứa mực chiếu (tập 1), thanh kiếm cổ thời Nguyễn (tập 6).

* Vì sao anh chọn dàn diễn viên nữ gồm toàn những gương mặt gạo cội của sân khấu kịch như NSND Hồng Vân, NS Hồng Đào, NSƯT Tuyết Thu, Lê Thiện, NS Minh Trang…?

- Sau mùa một, mùa hai của Phượng Khấu sẽ bấm máy vào tháng Chín, và mùa ba bấm máy vào năm tới, nên tác phẩm cung đấu đầu tiên rất cần một dàn diễn viên thực lực để bảo chứng cho phim. Tôi chọn chị Hồng Đào vào vai chính Hiệu Nguyệt, vì muốn khán giả thấy sở trường của chị là đào thương chứ không phải diễn hài như lâu nay người xem vẫn thấy.

Khi chọn chị Hồng Đào, thì người vào vai Phượng Nhậm - nhân vật đối đầu với Hiệu Nguyệt trong phim không ai hợp hơn NSND Hồng Vân - bạn diễn ăn ý của chị Hồng Đào. Trường hợp NSƯT Tuyết Thu thật sự là “trời cho” vào phút cuối, vì ban đầu vai này nhắm cho Vân Trang, nhưng phim thay đổi lịch quay nên cô không thể tham gia.

Nhân vật Đoàn Viên tâm cơ khó lường, ẩn tàng sự phản diện trong một nét hòa ái nhân hậu. Loại vai này chính chị xác nhận chưa bao giờ đảm nhận nên tạo ra nhiều hứng thú cho cả chị lẫn ê-kíp. Có một cảnh diễn Đoàn Viên điên loạn sau cái chết của con, đứng độc thoại trước chiếc nôi, sự nhập vai của Tuyết Thu khiến cả trường quay nổi da gà.

NSƯT Lê Thiện vai Nhân Tuyên hoàng thái hậu là chọn lựa quá đẹp cho một kiểu “đào mụ” vào vai ngọt lịm. Riêng với sự trở lại của NSƯT Minh Trang, tôi gọi là hạnh duyên thiêng liêng. Trong một lần xem Facebook của chị, thấy chị có nhắc đến nguồn gốc tổ tiên tôi rất xúc động.

Lần giở những trang sử đẹp của nhà Nguyễn, tôi phát hiện chị là cháu gái vua Thành Thái - vị vua mà tôi rất kính trọng.

Cũng không thể phủ nhận, chị Minh Trang là diễn viên tiêu biểu của nền thoại kịch miền Nam sau năm 1975 nên vai Hiền phi - người vợ được yêu chiều nhất của vua Minh Mạng - là chọn lựa chính xác.

* Phượng Khấu là tác phẩm tiên phong khai thác đề tài cung đấu, anh đã chuẩn bị gì cho những thách thức này? 

- Cái gì tiên phong cũng hàm chứa sự mạo hiểm và gây tranh cãi: đâu là chuyện lịch sử, đâu là hư cấu để tạo yếu tố hấp dẫn. Kịch bản được tôi và các cây bút trẻ thực hiện trong sáu tháng với sự cố vấn của hai nhà sử học Lê Văn Lan, Nguyễn Khắc Thuần, và được chỉnh sửa đến 20 lần.

Khán giả Việt phần lớn ít tiếp xúc hay quan tâm đến sử Việt, nên họ sẽ dễ bị dẫn dắt bởi những phản biện phim ảnh, chụp mũ theo kiểu phim tài liệu lịch sử ảnh hưởng đến tính giải trí mộng mơ và sự sáng tạo trong khuôn khổ một tác phẩm giải trí. Nhưng cái khổ nhất là chuyện kinh phí phát sinh, bởi tất cả sự tạo tác của đoàn phim đều không thể vay mượn.

Các khâu như phục trang - bối cảnh - đạo cụ đều phải phỏng dựng 100%. Nói đến việc tạo ra từng đó thứ, thì kinh phí phát sinh là ác mộng hằng ngày. 
* Vậy với trình độ hiện tại, anh nghĩ các nhà làm phim Việt Nam có đủ sức làm ra những bộ phim điện ảnh cổ trang quy mô không? Để đạt đến trình độ sản xuất cổ trang chuyên nghiệp, chúng ta cần làm gì? 

- Đạo diễn giỏi của mình không thiếu, nhà đầu tư không hề quay lưng với văn hóa Việt Nam, nhưng các anh chị em đồng nghiệp nhát tay vì chạm tới hai chữ dã sử, lịch sử bởi nó là kiến thức, là sở học, khả năng nghiên cứu của cả một quy trình không thể làm theo lối hấp tấp - ăn xổi, chụp giật. Nếu điềm tĩnh, hy sinh, thì nhất định điện ảnh Việt Nam sẽ làm được những phim cổ trang hoành tráng. Tôi mong sau Phượng Khấu, dòng phim cổ trang sẽ bùng nổ.

* Cảm ơn anh. 

Trailer phim Phượng khấu:

 

 

 Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI