Đàn ông sợ chết hơn đàn bà?

03/07/2021 - 11:28

PNO - Đàn ông quen đứng mũi chịu sào trong gia đình. Trách nhiệm phải chống đỡ, che chắn cho người nhà khiến áp lực của họ rất nặng.

Từ dạo dịch COVID-19 bùng phát, chồng tôi đổi tính, anh trở nên kỹ lưỡng đến khó chịu. Chiều đi làm về, anh ngồi “gác” bên cửa. Ai về tới anh cũng bắt rửa tay bằng xà bông, sau đó còn xịt khuẩn, súc họng, rửa mũi… rồi mới được vào nhà. Bữa thằng lớn quên súc họng, bị anh quát ầm ầm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dạo này vợ chồng tôi và con trai đều làm việc tại nhà. Con gái tôi mới lớp 7, nghỉ hè trúng "mùa Covid" nên cũng không học thêm môn kỹ năng hè nào. Lúc trước đi cả ngày, chỉ gặp nhau vào bữa cơm tối; giờ cả ngày ra vô đụng mặt, chồng tôi lại quạu quọ nên hai đứa nhỏ rất oải.

5 giờ sáng chồng dựng cả nhà dậy lên sân thượng tập thể dục. Chồng lắp sẵn máy chạy bộ, xoay eo, xà đơn, dây kéo tay… ai thích môn nào tập môn đó.

Con gái phụng phịu: “Đang ngủ ngon mà ba”. Anh nói: “Tập thể dục cho khỏe, khỏe thì ít nhiễm bệnh. Ráng tập đi con”. Tới bữa cơm, chồng ép cả nhà ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hai đứa nhỏ ngó lơ, chồng quát: “Tụi con không chịu ăn rau trái cho có nhiều Vitamin C, uống thuốc mới chịu à”.

Tin tức về dịch COVID-19 lan ra ngày một rộng, chồng càng quản chặt chuyện ăn uống ngủ nghỉ của cả nhà. Đôi lúc tôi nghi ngờ chồng mắc hội chứng “sảng vì dịch” hoặc “stress khủng hoảng” gì gì đó mà trên mạng đang tếu táo. Bữa chồng bắt con gái xách xô quần áo lên sân thượng phơi cho có nhiều nắng. Con bé phụng phịu, bị anh mắng một hơi.

Tôi chịu hết nổi, bảo: “Anh vừa thôi, làm cả nhà ngột ngạt mới chịu”. Chồng nhìn tôi, chưng hửng: “Tụi nhỏ không hiểu chuyện, anh phải nghiêm khắc. Cả em cũng nghĩ anh bị khùng hay sao”.

Bữa thằng lớn dắt xe ra định tới nhà bạn chơi, anh bảo: “Chuyện không cần thiết con không nên đi. Phải biết bảo vệ bản thân và nghĩ cho gia đình bạn. Rủi con tha vi rút đâu đó về thì sao”.

Thằng con tiu nghỉu dắt xe vô, thầm thì với tôi: “Dạo này ba sợ chết thấy ớn”. Ai dè anh nghe được, quay lại nhìn con. Lát sau anh mới nói, giọng như người hụt hơi: “Ba hơn 50 tuổi rồi, sống đủ rồi. Lo là lo cho anh em con. Tụi con có bề gì, ba mẹ làm sao sống nổi”. Thằng con lủi thủi vô phòng, đầu cúi gầm. Tôi nghe mắt mình cay. Chồng nói trúng y tâm trạng tôi trước giờ.

Hôm qua nhỏ bạn quăng dòng trạng thái lên Facebook: “Lúc có dịch mới lòi ra chuyện ông chồng mình coi vậy mà chết nhát, sợ chết thấy ớn”. Bạn kể từ bữa giãn cách xã hội, chồng bạn đưa cả nhà về Lâm Đồng. Làm xong việc qua mạng, chồng bạn lùa cả nhà ra vườn nhổ cỏ, trồng cây, hái rau… Hai đứa con bạn đang tuổi bay nhảy, giờ sáng sáng ngắm núi đồi mây bay lãng đãng, không một bóng người. Tối nghe ếch nhái, ve kêu râm rang… chịu hết xiết, đòi về Sài Gòn.

Bạn rên rằng nhà giờ có ông cai ngục, ổng sợ chết mới bắt cả nhà cách ly với xã hội. Tôi biết chồng bạn giống chồng tôi, chẳng phải sợ chết mà sợ những điều rủi ro sẽ xảy đến cho những người thân.

Đàn ông luôn đứng mũi chịu sào trong gia đình. Cảm giác phải chống đỡ, che chắn cho người nhà khiến áp lực của họ rất nặng. Nhưng đàn ông không khéo léo và mềm mỏng, thói quen quát nạt và ra lệnh khiến đàn ông bị hiểu lầm “sợ chết”. Nghĩ thương những đôi vai cứng cỏi ấy trong mùa dịch, hẳn đang oằn nặng lo toang.

Đức Phương

                                                                                                     

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI