Đại lễ Vesak: Tiếng nói đoàn kết vì hòa bình và phát triển

07/05/2025 - 07:15

PNO - Ngày 6/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM), Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 đã khai mạc. Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức và lần đầu tiên TPHCM được chọn làm nơi tổ chức sự kiện trọng đại này.

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Đại lễ Vesak là dịp để phật tử toàn thế giới tưởng niệm các sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, nhằm xây dựng thế giới hòa bình và an lạc. Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc gia Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc (LHQ) 2025 - nhấn mạnh: “Chủ đề Vesak năm nay là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người. Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và phát triển bền vững” chính là thông điệp cấp thiết mang ý nghĩa nhân văn, sâu sắc và thời đại mà cộng đồng Phật giáo muốn gửi đến toàn nhân loại”.

Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tiến vào Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 - ẢNH: TTBC
Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tiến vào Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 - Ảnh: TTBC

Trưởng lão Hòa thượng khẳng định, Việt Nam là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời và gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Dịp này, Việt Nam vinh dự tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2025 trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, con người Việt Nam. Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là một biểu tượng cao quý, hùng hồn nhất của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam cũng như của bao thế hệ tăng ni, phật tử đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chặng đường lịch sử hào hùng 50 năm qua cho chúng ta thấy rõ con đường phát triển mà dân tộc Việt Nam đang đi là con đường của sự đoàn kết, của sự bao dung và của một xã hội mà mỗi người đều sống bình đẳng, hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Con đường đó đang đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

Kính mừng Vesak thiêng liêng, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tha thiết kêu gọi mỗi người con của Phật luôn tinh tấn tu tập, thể nhập từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh vạn loại, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ”. Đại lão khẳng định: “Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo Đức Phật giáo mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, ngập tràn yêu thương”.

Các đại biểu trong nước và quốc tế cùng tham dự Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 - ẢNH: PHÙNG HUY
Các đại biểu trong nước và quốc tế cùng tham dự Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 - Ảnh: Phùng Huy

Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp cho đạo và đời thêm hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.

Thông điệp từ các quốc gia

Lễ hội Vesak đầu tiên được tổ chức vào năm 2000. Kể từ đó, Vesak tiếp tục được tổ chức bởi phật tử trên toàn thế giới. Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake đã dành nhiều tình cảm cho Việt Nam và vui mừng tham dự đại lễ Vesak năm nay. Ông cho rằng Việt Nam là quốc gia tuyệt vời, đã đạt được những thành tựu phi thường nhờ sự kiên trì và lòng quyết tâm đáng kinh ngạc với những khát vọng, định hướng của mình. Việt Nam đã mở ra con đường vươn lên đầy dũng cảm, bất chấp những thử thách, đau thương. “Bình đẳng là cốt lõi của một xã hội vững mạnh. Cách đây hơn 2.000 năm, 1 triết gia vĩ đại đã mong muốn phá bỏ những lạc hậu, định kiến của đất nước mình để xây dựng 1 thế giới công bằng, bình đẳng. Đó không ai khác chính là Siddhartha Gautama (Đức Phật Thích ca). Bình đẳng chiếm vị trí quan trọng trong những lời dạy căn bản của Phật giáo. Trên tinh thần đó, Việt Nam có thể được coi là minh chứng sống của 1 quốc gia đã dũng cảm vươn lên bình đẳng. Chủ đề của sự kiện hôm nay chính là giá trị của bình đẳng” - Tổng thống Sri Lanka lập luận.

Tổng thư ký LHQ António Guterres cho rằng, những lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi, sự khoan dung và tinh thần phụng sự vô ngã có sự tương quan sâu sắc với những giá trị của LHQ. Trong thời đại mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng thì những nguyên tắc vượt thời gian ấy cần phải tiếp tục soi sáng con đường chung của nhân loại. Ông mong mọi người sẽ được truyền cảm hứng để cùng nhau hàn gắn những chia rẽ, nuôi dưỡng tình đoàn kết và cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, bền vững và hòa hợp.

Các đại biểu, phật tử tham dự Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 - ẢNH: PHÙNG HUY
Các đại biểu, phật tử tham dự Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 - Ảnh: Phùng Huy

Chiêm bái xá lợi Đức Phật, triển lãm văn hóa Phật giáo thu hút phật tử, người dân

Ngày 6/5, sau khi tham dự phiên khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2025, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các lãnh đạo trung ương và TPHCM, các vị khách quốc tế đã đến chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) chiêm bái xá lợi Đức Phật. Đoàn đã dâng hoa, đảnh lễ và chiêm bái tại nơi tôn trí xá lợi Đức Phật.

Việc khai mở chiêm bái xá lợi Đức Phật - bảo vật quốc gia Ấn Độ - tại chùa Thanh Tâm (từ ngày 3 - 7/5) là hoạt động tâm linh nổi bật trong đại lễ. Theo ước tính của ban tổ chức, với hơn 60.000 người đến trong ngày 6/5, dịp đại lễ Vesak năm nay có thể đón khoảng 1,5 triệu chư tăng ni, phật tử và người dân đến chiêm bái xá lợi Đức Phật.

Xá lợi linh thiêng của Đức Phật Như Lai được lưu giữ ở Thiền viện Mūlagandhakuti Vihāra tại Thánh địa Isipatana Migadaya, Sarnath, Kashi (Varanasi), Ấn Độ. Đây là xá lợi thân thể (Shariradhātu) còn lại sau khi Đức Phật đại nhập niết bàn. Đây là lần đầu tiên xá lợi Đức Phật được đưa đến Việt Nam. Sau đại lễ, xá lợi Đức Phật sẽ được tôn trí tại Tây Ninh, Hà Nội và Hà Nam đến hết ngày 21/5 và được đưa về lại Ấn Độ.

Cùng với đó, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức cũng được cung thỉnh từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (chi nhánh TPHCM) về tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự và khai mở cho mọi người chiêm bái từ ngày 6 - 10/5. Bồ tát Thích Quảng Đức - vị pháp thiêu thân ngày 11/6/1963 tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM) để lại xá lợi trái tim bất diệt, biểu tượng cho tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo và truyền thống dân tộc Việt Nam. Sau thời gian chiêm bái, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được cung thỉnh và tôn trí vĩnh viễn tại tháp Đa Bảo của Việt Nam Quốc Tự.

Cùng với đó, 87 hình ảnh, phiên bản bảo vật quốc gia của Phật giáo cũng được giới thiệu tại Triển lãm Văn hóa Phật giáo.

Đại lễ Vesak LHQ 2025 diễn ra đến hết ngày 8/5 với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều hoạt động như: hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo, triển lãm ảnh Phật giáo, các đêm nghệ thuật tôn vinh văn hóa Phật giáo, hội thảo khoa học quốc tế của Vesak LHQ 2025, đại lễ tri ân tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đêm hội hoa đăng quốc tế cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới với khoảng 12.000 người tham dự diễu hành và thả hoa đăng.


Trang Nguyễn - Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI