Đại học Yale bị khởi kiện về hành vi phân biệt trong tuyển sinh

09/10/2020 - 10:18

PNO - Hôm 8/10, Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện Đại học Yale, cáo buộc thành viên khối trường Ivy League phân biệt đối xử bất hợp pháp đối với các ứng viên châu Á và da trắng trong tuyển sinh đại học.

Bộ Tư pháp cho biết các ứng viên người Mỹ gốc Á và da trắng thường chỉ có từ 1/8 đến 1/4 khả năng trúng tuyển vào Đại học Yale so với các ứng viên da màu đủ tiêu chuẩn.

Trước đại học Yale, đại học Harvard cũng từng trải qua vụ kiện tương tự.
Trước Đại học Yale, đại học Harvard cũng từng trải qua vụ kiện tương tự.

Trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang ở New Haven, bang Connecticut, nơi Yale đặt trụ sở chính, Bộ Tư pháp cho biết các hành vi của Yale vi phạm Tiêu đề VI của Đạo luật Quyền Công dân năm 1964.

Yale phải tuân thủ luật này để nhận khoản tài trợ của liên bang, bao gồm hơn 630 triệu USD hằng năm từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Eric Dreiband - trợ lý tổng chưởng lý về quyền dân sự cho biết, “các ứng viên phải được“ đánh giá bởi tính cách, tài năng và thành tích chứ không phải màu da của họ. Mọi cách làm khác đều góp phần cho phép các tổ chức của chúng tôi nuôi dưỡng những khuôn mẫu, sự bất công và sự chia rẽ”.

Vụ kiện hôm thứ Năm diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài hai năm về các hoạt động của Yale.

Chủ tịch hội đồng nhà trường Peter Salovey phản bác: “Yale không phân biệt đối xử với các ứng viên thuộc bất kỳ chủng tộc hoặc sắc tộc nào, và sẽ không thay đổi chính sách tuyển sinh của mình vì vụ kiện “vô căn cứ”. Chúng tôi mong muốn bảo vệ những chính sách này trước tòa”.

Trường hiện có 6.057 sinh viên chưa tốt nghiệp và thường chỉ chấp nhận 6% số người đăng ký nhập học.

Hiện Đại học Harvard cũng đang chờ phán quyết từ tòa phúc thẩm liên bang ở Boston về các hoạt động tuyển sinh của trường.

Một thẩm phán liên bang đã đưa ra phán quyết bất lợi cho Harvard vào năm 2019 sau khi nhận thấy trường không có “lựa chọn thay thế trung lập về chủng tộc” khả thi để xây dựng một tập thể học sinh đa dạng.

Tòa án tối cao Mỹ cho phép sử dụng cơ chế tuyển sinh đại học để thúc đẩy sự đa dạng trong lớp học. Tuy nhiên, những người phản đối hành động phân biệt hy vọng tòa án có thể chấm dứt hoạt động này trong tương lai.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI