Đại dịch COVID-19 khiến phụ nữ và trẻ em gái ở các nước nghèo thêm chênh vênh

28/05/2022 - 06:00

PNO - Theo Global Citizen, một tổ chức có trụ sở tại New York (Mỹ) với sứ mệnh chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã đẩy lùi tiến tình bình đẳng giới nhiều thập niên, và khiến phụ nữ và trẻ em gái ở tuổi vị thành niên ở nhiều khu vực trên thế giới đang ở trạng thái chênh vênh hơn bao giờ hết.

Global Citizen hiện đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện  những đầu tư cho các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và giáo dục trẻ em gái, với số quỹ cần thiết lên đến hơn 400 triệu USD. Tổ chức này cho rằng, những thực tế đáng báo động sau đây cho thấy thế giới cần phải hành động vì phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên ngay bây giờ.

1. 129 triệu trẻ em gái trên thế giới vẫn chưa được đến trường

So với trẻ em trai, các bé gái bị mất cơ hội học hành nhiều hơn. 1/3 số trẻ em gái từ 10-18 tuổi ở các quốc gia nghèo nhất thế giới chưa bao giờ đi học. Ở các vùng nông thôn, 61% trẻ em gái cũng không được học đến bậc trung học cơ sở.

Đại dịch COVID-19 cũng gây ra nhiều thiệt hại về mặt giáo dục cho trẻ em gái hơn so với trẻ em trai, đồng thời khiến cho các bé gái phải đối mặt với nguy cơ cao hơn trở thành lao động trẻ em, chịu đựng bạo lực do phân biệt giới, bị tảo hôn và mang thai.

2. Trong số 811 triệu người bị mất an ninh lương thực trên khắp thế giới, có gần 60% là phụ nữ và trẻ em gái

Khi các gia đình gặp khó khăn về kinh tế, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người đầu tiên phải nhường phần ăn của mình cho các thành viên khác. Phụ nữ cũng thường bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nhiều nhất, nhất là trong độ tuổi sinh sản, và điều này tác động tiêu cực đến sự phát triển của nhiều thế hệ.

3. Hàng triệu trẻ em gái và phụ nữ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục

Trẻ em gái đã phải đối mặt với một số trở ngại trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, khiến các em có nhiều nguy cơ bị biến chứng, mang thai ngoài ý muốn, và tử vong khi làm mẹ. Trong đại dịch COVID-19, khi các nguồn lực được ưu tiên cho công tác phòng chống dịch, tình trạng này lại càng nghiêm trọng hơn.

4. Hơn 12 triệu phụ nữ mất khả năng tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình vào năm 2020

Tại hơn 115 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đã có thêm 1,4 triệu ca mang thai ngoài ý muốn do không được cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình vào năm 2020. Gần một nửa số phụ nữ (48%) được khảo sát tại 58 quốc gia cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm vệ sinh và sức khỏe - bao gồm các sản phẩm cho chu kỳ kinh nguyệt, thuốc tránh thai và xà phòng, trong giai đoạn 2020-2021. Ngoài ra, hơn 1/3 không tìm được dịch vụ chăm sóc sản phụ.

5. Khoảng 4,3 tỷ người trong độ tuổi sinh sản sẽ thiếu ít nhất một dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc tình dục thiết yếu trong suốt cuộc sống của họ

Tiếp cận với dịch vụ chăm sức khỏe sinh sản và tình dục là chìa khóa để giữ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Hiện, nhiều quốc gia không coi hiếp dâm là tội phạm, và các vấn đề sức khỏe sinh sản là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản ở nhiều nước đang phát triển.

Ở châu Phi cận Sahara, nơi phần lớn người nghèo trên thế giới đang sinh sống, 2/3 số ca bệnh mà phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc phải là do các vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục gây ra.

Khoảng 23 triệu trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi ở các nước đang phát triển không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại, bao gồm bao cao su, thuốc tránh thai và vòng tránh thai.

6. Có 50% số ca mang thai ở trẻ em gái vị thành niên tại các khu vực đang phát triển là ngoài ý muốn

Tình trạng trẻ em gái vị thành niên mang thai đang xảy ra nhiều hơn ở những người nghèo và trong các cộng đồng khó khăn, nơi các gia đình thường ép con tảo hôn, khiến nhiều bé gái phải bỏ học. Trẻ em gái mang thai còn có nguy cơ không được chăm sóc đầy đủ trước khi sinh, dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

7. Hơn 31 triệu trẻ em gái ở châu Phi cận Sahara phải bỏ học trung học, trong đó có nhiều trường hợp là do tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên

Khoảng 90% các trường hợp mang thai sớm ở các nước đang phát triển xảy ra trong các cuộc hôn nhân sớm. Khi bị ép tảo hôn, trẻ em gái thường bị “lép vế” trong quan hệ với người chồng, không được tiếp cận các biện pháp tránh thai, và chịu áp lực phải sinh con sớm để chứng minh khả năng sinh sản của mình với gia đình chồng.

Trẻ em gái mang thai sớm cũng có nhiều khả năng bị bạo lực trong hôn nhân hoặc quan hệ vợ chồng. Ngoài ra, các em còn  phải đối mặt với các nguy cơ và biến chứng sức khỏe khác khi có thai, do cơ thể còn non nớt. Các biến chứng liên quan đến mang thai và sinh nở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi trên toàn cầu.

8. Khoảng 3,9 triệu ca phá thai không an toàn xảy ra mỗi năm ở trẻ em gái vị thành niên tại các khu vực đang phát triển

Ở những quốc gia cấm hoặc hạn chế việc phá thai, thanh thiếu niên thường sử dụng các phương pháp phá thai không an toàn, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của các em. Phá thai không an toàn là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 trong số các ca tử vong ở bà mẹ trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 47.000 phụ nữ thiệt mạng vì phá thai không an toàn.

9. Đại dịch COVID-19 đã khiến 47 triệu phụ nữ và trẻ em gái rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực

Đại dịch đã kìm hãm sự phát triển của phụ nữ trên toàn cầu một cách nghiêm trọng, và làm cho tiến trình bình đẳng giới bị đi lùi nhiều thập niên. Phụ nữ thường phải chịu hậu quả nặng nề về mặt kinh tế từ các cuộc khủng hoảng, và có nguy cơ gặp rủi ro mất việc làm cao hơn 19%, so với nam giới.

10. Phụ nữ và trẻ em gái đang thực hiện nhiều công việc chăm sóc không được trả công hơn bao giờ hết

Trước đại dịch COVID-19, trung bình các em gái từ 10-14 tuổi phải làm nhiều việc không được trả công hơn 50% so với các em trai. Trong đại dịch, sự chênh lệch này lại càng gia tăng.

Nhất Nguyên (theo Global Citizen)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI