Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng các loại phí khác “không phải ít”

22/05/2025 - 17:44

PNO - ĐBQH Trương Xuân Cừ chỉ ra, tại Hà Nội, ngoài học phí, các khoản tiền khác của học sinh cũng không ít, ảnh hưởng tới chính sách ưu việt của Nhà nước.

Nghẹn ngào hộ nghèo đóng học phí bằng... 2 con chó!

Chiều 22/5, phát biểu tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ đồng tình với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) chia sẻ chính sách miễn học phí là niềm hạnh phúc với cả một dân tộc. Ông nhớ mãi câu chuyện khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Khi về thăm một trường ở Bắc Giang, giáo viên chia sẻ, đã có phụ huynh do gia đình quá khó khăn nên đã đóng học phí bằng… 2 con chó”.

Từ thực tiễn trên, ông đề nghị chính sách nhân văn này được thực hiện ngay từ ngày 1/9 tới. Trong trường hợp ngân sách trung ương chưa kịp phân bổ, các địa phương có thể tạm ứng trước để thực hiện.

“Chúng ta không chờ đến khi giàu mới thực hiện, mà chắt chiu dành cho thế hệ tương lai. Chính sách này cũng góp phần giảm gánh nặng tài chính cho gia đình, khuyến khích sinh đủ 2 con - yếu tố quan trọng trong bối cảnh nguy cơ thiếu hụt lao động vào năm 2040”- ông nói.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, giáo dục miễn phí không chỉ là chính sách xã hội, mà còn là một cam kết đạo lý, thể hiện tầm nhìn phát triển.

Khi học sinh không phải đóng học phí, người học sẽ có điều kiện tiếp cận tri thức đồng đều hơn, giảm tình trạng bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh kinh tế, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, nơi phân tầng thu nhập diễn ra sâu sắc.

Ông Sơn đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần song hành chính sách miễn học phí với cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục. Không chỉ miễn phí, người dân kỳ vọng trường lớp phải tốt hơn, thầy cô yên tâm giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp với năng lực học sinh. Đồng thời, cần rà soát việc phân bổ ngân sách theo vùng, tránh tình trạng cào bằng gây áp lực quá tải lên ngân sách cấp tỉnh, xã phường.

Hạn chế thu các khoản tiền “ngoài học phí”

ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) - Ảnh: Media Quốc hội

Bày tỏ sự vui mừng, song ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu ngoài việc miễn học phí cho học sinh, cần hạn chế thu các loại phí khác. "Làm thế nào để trường công lập hạn chế tối đa mức đóng các loại phí khác. Ta có trường chuyên lớp chọn rồi. Với trường phổ thông, việc dạy thêm, học thêm chủ yếu áp dụng cho học sinh yếu, nên sử dụng ngân sách Nhà nước, như thế mới ưu việt, toàn diện”.

Ông chỉ ra, ở Hà Nội, các loại phí không phải ít. Nhà nước đã cơ bản lo được những vấn đề lớn như miễn học phí, do đó, không để những vấn đề khác mà ảnh hưởng đến chính sách ưu việt.

Tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ xây dựng 1 đề án chi tiết và có sự thẩm định công phu để triển khai các nghị quyết của Quốc hội.

Trước lo lắng của đại biểu về việc học sinh sẽ chuyển từ trường tư sang trường công khi miễn học phí, ông Sơn cho biết tỉ lệ trường công chiếm con số rất cao nhưng số lượng học sinh vào trường tư ở Hà Nội cũng áp lực không kém trường công.

"Ngành giáo dục thủ đô từ năm 2024 trở lại đây đã làm được việc rất quan trọng là tuyển sinh trực tuyến, không có xếp hàng, đổ cửa như trước. Đây cũng là tiến bộ của giáo dục thủ đô"- ông nói.

Bộ trưởng cho rằng, không nên quá lo lắng về việc học sinh sẽ chuyển từ trường tư sang trường công, bởi các trường tư tại Hà Nội đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình và rất nỗ lực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc bố trí, phân bổ các trường chất lượng tốt trong hệ thống công lập cũng cần phải tăng cường thêm ở các khu vực ngoại thành và các khu vực đông dân cư.

Về hỗ trợ học phí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết HĐND các tỉnh, thành phố sẽ xác định mức hỗ trợ cụ thể cho các trường ngoài công lập tương đương với trường công lập theo hình thức cấp trực tiếp cho người học.

Liên quan đến kiến nghị hạn chế thu các loại phí khác, ông Sơn cho biết việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ áp dụng với 3 đối tượng gồm: học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi tốt nghiệp. Theo quy định, nhà trường không thu học phí học thêm dạy thêm với 3 đối tượng này.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI