Đại biểu Quốc hội đề nghị có hành lang pháp lý để cán bộ y tế yên tâm chống dịch

21/07/2021 - 16:08

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lân Hiếu đề nghị có hành lang pháp lý để đội ngũ y tế "yên tâm chống dịch", không phải lo tới những thủ tục rườm rà...

 

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị có hành lang pháp lý để cán bộ y tế yên tâm chống dịch trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp

 

Chiều 21/7, thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề nghị Quốc hội sớm có hành lang pháp lý để đội ngũ y bác sĩ hoạt động hiệu quả trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

ĐB nhấn mạnh, giữa làn sóng COVID-19  thứ 4 đang bùng phát vô cùng dữ dội, đội ngũ y bác sĩ rất cần sự ủng hộ của Nhà nước, có hành lang pháp lý để "yên tâm chống dịch, không phải lo tới các quy định, thủ tục rườm rà mà đôi khi vì cần gấp, đặt sức khỏe con người trên hết phải tặc lưỡi bỏ qua, vi phạm quy định".

Cụ thể, ông cho rằng cần tập trung vào sửa đổi Luật Khám chữa bệnh - đã bộc lộ nhiều bất cập trong suốt nhiều năm qua. Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã được đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp 2 lần trong nhiệm kỳ QH khóa XIV nhưng bị rút ra vào phút chót. ĐBQH đề nghị đưa vào chương trình xây dựng pháp luật khám chữa bệnh sửa đổi coi như luật khung để Bộ y tế dựa vào đó ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể trong các lĩnh vực cụ thể. 

Đồng ý kiến với ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, Luật khám chữa bệnh là luật rất cần sửa đổi thì bị đưa ra khỏi chương trình. Trong bối cảnh "dịch bệnh liên miên", chuyển đổi số được ứng dụng trong y tế... theo ông, các bác sĩ có thể kê đơn từ xa mà không cần ngồi khám cho bệnh nhân, ứng dụng công nghệ, máy móc trong phẫu thuật... Do đó, cần sớm sửa đổi luật Khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu mong mỏi, luật sửa đổi sẽ tạo ra đột phá trong lĩnh vực y tế với hình thức khám chữa bệnh rất quan trọng trong giai đoạn bùng phát đại dịch, đó chính là khám chữa bệnh từ xa Telehealth.

"Là bệnh viện triển khai dự án này trong một năm nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, hầu như chưa có luật khung hướng dẫn. Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa có rất nhiều cố gắng, ban hành các thông tư hướng dẫn nhưng vì không có trong luật nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện, áp dụng trên diện rộng", ĐB dẫn ví dụ về các quy định cho phép bác sĩ khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc và được chịu trách nhiệm với đơn thuốc của mình, hay quyền hạn của bệnh viện trong quá trình khám bệnh.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI