Chào mừng đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026:

Đã rõ nét trọng tâm và dấu ấn một nhiệm kỳ

16/06/2021 - 07:07

PNO - Góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, người gắn bó sâu sát với hoạt động của Hội LHPN các cấp suốt 46 năm qua, cho rằng Ban Thường vụ Hội LHPN TP.HCM đã lượng giá được trọng tâm cùng dấu ấn của một nhiệm kỳ.

Tổng kết một nhiệm kỳ, Hội LHPN TP.HCM đã đánh giá, “Đại bộ phận phụ nữ trên địa bàn thành phố phát huy tính chủ động, chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua do thành phố phát động”.

Theo tôi, đây là một nhận định vô cùng chính xác. Bởi câu chuyện phụ nữ Sài Gòn yêu nước, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia và tham gia đầy sáng tạo các phong trào thi đua của thành phố và đất nước là câu chuyện không có gì để bàn cãi nữa. Suốt 46 năm qua, các chị đã linh hoạt trong tổ chức các phong trào, động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia hoạt động, cùng chung tay xây dựng với tình yêu và niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố. Điểm đáng ghi nhận ở đây chính là tính chủ động. 

Luật sư Trương Thị Hòa

Tính chủ động thể hiện rõ ở sự lựa chọn, đầu tư cho các hoạt động, phong trào. Ví dụ, chỉ một nhiệm kỳ 2016-2021 đã có đến ba năm, các chị xác định chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” để hướng các cơ sở Hội cùng hành động với rất nhiều nội dung thiết thực. Thật ra, ý tưởng xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em không chỉ duy nhất có ở TP.HCM mà thành phố chúng ta cùng gần 200 thành phố trên khắp thế giới đang hướng đến.

Tuy nhiên, từ năm 2016, mở đầu cho nhiệm kỳ mới, Hội LHPN TP.HCM đã chủ động lên ý tưởng, tham mưu, thậm chí là đối thoại cùng lãnh đạo thành phố về câu chuyện xây dựng thành phố “An toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” rồi xác định luôn chủ đề hoạt động của ba năm sau đó bám với nội dung này (trước một năm so với Trung ương Hội LHPN Việt Nam). Điều đó đã thể hiện hướng đi rất đúng, rất chủ động và sáng tạo. Bởi thành phố có môi trường sinh hoạt, không gian sống, điều kiện làm việc, cơ hội học tập, phát triển… an toàn cho phụ nữ, trẻ em là mơ ước không của riêng ai.  

Nhắc chuyện một nhiệm kỳ qua, tôi cho rằng dấu ấn của Hội LHPN TP.HCM còn nằm ở sự chủ động của các cấp Hội trong hoạt động giám sát - phản biện xã hội. Dự thảo văn kiện lần này cũng xác định: “Công tác giám sát đã được các cấp Hội ngày càng phát huy hiệu quả, từng nội dung giám sát được chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và sau giám sát các vấn đề bất cập, vướng mắc, phát sinh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đặc biệt là của hội viên, phụ nữ”.

Chính nhờ làm tốt công tác giám sát, các chị đã nhìn ra được những bất cập, thấy được hạn chế của chính mình trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em và nhờ đó, các chị mạnh dạn liên kết Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM để can thiệp hữu hiệu các vấn đề liên quan quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Cũng từ đó, trong năm 2020, Hội LHPN đã ban hành được quy trình can thiệp, xử lý các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Đây là nỗ lực không nhỏ và cũng là thành quả, ghi dấu sự tiến bộ của Hội. 

Tuy nhiên, các giải pháp này sẽ chưa đầy đủ và toàn diện nếu kết nối, phối hợp từ các cấp Hội không chặt chẽ. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em sẽ chỉ là tên gọi của một “phong trào” khi nó chỉ dừng ở cấp thành phố mà không xuyên suốt đến từng chi, tổ Hội. Các chủ trương, chính sách và các quy định pháp luật về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em cần người thực thi, và người thực thi đó, không phải là cán bộ Thành hội hay các Ủy viên Ban Thường vụ mà chính là cán bộ Hội ở cơ sở. Muốn như vậy, đội ngũ này phải có đủ trình độ, kỹ năng và không ngừng dấn thân.

Hội LHPN TP.HCM phối hợp Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thăm một cháu bé bị hàng xóm đánh trọng thương khi đang chơi trước nhà ở xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh (TP.HCM)
Hội LHPN TP.HCM phối hợp Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thăm một cháu bé bị hàng xóm đánh trọng thương khi đang chơi trước nhà ở xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh (TP.HCM)

Cái khó cho công tác Hội và phong trào phụ nữ là cán bộ Hội ở cơ sở luôn luân chuyển, điều này là xu thế tất yếu, không chỉ vì yêu cầu công tác mà còn vì sự phát triển của các chị em, tuy nhiên, cũng chính bởi luân chuyển cán bộ, nhiều người mới chưa quen, chưa thạo việc, nên lúng túng trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em khi xảy ra chuyện ở phường, xã, thị trấn của mình.

Ở vai trò lãnh đạo, Hội LHPN TP.HCM hãy đừng hài lòng với số liệu vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn cán bộ được đào tạo trong một nhiệm kỳ mà phải xác định rõ việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ cho cán bộ Hội các cấp là công việc thường xuyên, liên tục. Bởi lực lượng cán bộ ở cơ sở có trình độ, kỹ năng, có tinh thần vì cộng đồng mới giúp Hội đủ lực tập hợp hội viên, làm nên sức mạnh liên hiệp. 

Cuối cùng, tôi thật sự tin cậy và nhiều kỳ vọng khi nhìn vào 12 chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ giải pháp, công trình trọng điểm, khâu đột phá của Hội nhiệm kỳ mới. Bởi trong đó có nhiều chỉ tiêu liên quan đến hạnh phúc của phụ nữ. Trước đây, chúng ta có nhiều chỉ tiêu liên quan đến sự phát triển của chị em, điều đó đúng, nhưng ngẫm lại, mục đích mà mỗi phụ nữ theo đuổi trong cuộc đời rốt cuộc cũng hướng đến hai chữ “hạnh phúc” mà thôi. Tâm tư đó của chị em, được Hội LHPN thấu cảm, sẻ chia chính là một phần hành trang cho phụ nữ từng ngày vươn lên trong cuộc sống. 

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA - Đoàn Luật sư TP.HCM
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI