Đà Nẵng - Nhà đầu tư nhỏ chết đứng vì công viên châu Á

04/11/2019 - 05:39

PNO - Những người mua đất hợp pháp để kinh doanh đã vỡ tan giấc mộng khi 3,2ha đất tương ứng 65 lô ở khu vực đông nam Tượng đài 2/9 được chính quyền TP.Đà Nẵng chuyển hết cho Sun Group làm công viên văn hóa giải trí.

32 nhà đầu tư đã xuống tiền mua đất từ năm 2008, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất công viên tại khu vực đông nam Tượng đài 2/9 với tổng cộng 65 lô đất, tổng diện tích khoảng 3,2ha và được UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài với mục đích “đất cơ sở sản xuất, kinh doanh”.

Ngày 7/3/2013, UBND TP.Đà Nẵng ra Quyết định số 1708 về việc phê duyệt tổng mặt bằng đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí với tổng diện tích 846.632m2, bao gồm cả 65 lô đất trên.

Hai tháng sau đó, quyết định thu hồi đất đến tay từng người. Các chủ đất phản ứng quyết liệt, vì họ mua đất hợp pháp, sử dụng đúng mục đích, lại bị thu hồi và giao cho một nhà đầu tư cũng có cùng mục đích kinh doanh là Sun Group. Họ kiện đến trung ương.

Da Nang - Nha dau tu nho chet dung vi cong vien chau A
Một góc khu “đất vàng” của các nhà đầu tư nhỏ bị UBND TP.Đà Nẵng thu hồi để giao cho Sun Group

Sau gần 4 năm im ắng, ngày 7/4/2017, các nhà đầu tư được mời dự nghe công bố Quyết định 725/QĐ-UBND ngày 8/2/2017 “Về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 khu công viên công cộng tại khu vực đông nam Đài tưởng niệm, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu”.

Theo quyết định này, toàn bộ 65 lô đất của các nhà đầu tư liền kề công viên Châu Á của Sun Group thay vì bị thu hồi, sẽ được “công cộng hóa” để làm khu vực bắn pháo hoa và bãi giữ xe. Buổi gặp gỡ diễn ra trong vòng 5 phút. Đơn vị tổ chức bắn pháo hoa độc quyền tại TP.Đà Nẵng chính là Sun Group.

Trả lời báo chí trong cuộc họp báo ngày 27/6/2017, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ - cho biết, các hộ trên mua đất thuộc đất thương mại dịch vụ; khi xây dựng công viên, UBND thành phố có quyết định thu hồi để bố trí lại. Nhiều phương án đã được đưa ra như giải tỏa theo giá nhà nước và tái định cư theo giá nhà nước; bố trí lại ở các đường lớn như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Văn Kiệt, 2/9, nhưng người dân không chịu.

Đất thương mại dịch vụ thì chỉ được tính bằng 70% giá đất ở và năm 2016, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định di dời khán đài xem bắn pháo hoa lên cầu Tuyên Sơn - Trần Thị Lý, phải có bãi bắn ở khu đối diện, nên phải điều chuyển quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nên thay vì thu hồi, nơi đó sẽ thành công viên để tập kết, bắn pháo hoa…

Đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp của các nhà đầu tư nêu rõ: không hề có cuộc gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận nào về phương án đền bù khi thu hồi đất; giá đền bù rẻ mạt.

Họ yêu cầu hủy hai quyết định trái pháp luật trên, bởi họ mua đất có giấy tờ đầy đủ, đúng luật, đúng theo quy hoạch của Chính phủ. Quyết định của UBND TP.Đà Nẵng là quá ưu ái cho Sun Group, bởi cùng khu đất 846.632m2 trên, có cả đất công và đất tư, chính quyền lại cho Sun Group lấy đất công làm công viên vui chơi, còn đất của họ 3,2ha thì biến thành đất công cộng, phải chăng ở đây, công viên Châu Á từ đất công đã biến thành đất tư?

Họ đề nghị các phương án: chuyển dịch vị trí của họ sang đất bên cạnh cho phù hợp; giao cho họ đất ở, vì đất họ là thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng lâu dài; bồi thường thiệt hại cho họ trong 10 năm qua, vì họ là nhà đầu tư nhỏ, cũng kinh doanh, nay họ bị tước cơ hội kinh doanh; hoặc thanh toán theo giá thị trường mặt tiền, còn các lô phía trong có thể giảm 10%...

Đơn khiếu nại nêu câu hỏi: hiện nay, giá đất dọc theo bờ tây sông Hàn và cùng khu vực là từ 120-150 triệu đồng/m2; giá đất tại Euro Village của Sun Group bên kia sông là 120 triệu đồng/m2; giá đất dự án SHB bên kia cầu Tuyên Sơn (xa hơn đất của họ) là trên 70 triệu đồng/m2, sao họ bị đền bù với giá rẻ mạt: mặt tiền sát sông là 19 triệu đồng/m2, phía trong là 15 triệu đồng/m2?

Đại diện cho các nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Thùy nói: “Tôi ấm ức nhất là tại sao UBND thành phố không cho chúng tôi gặp gỡ, đối thoại, dù chỉ một lần? Đơn đưa khắp nơi, từ hội đồng nhân dân qua ủy ban thành phố, đùn qua đẩy lại, chẳng ai đứng ra đối thoại. Gặp một lần để trả lời dứt điểm đi, được hay không để tụi tôi còn tính. Đây, ví dụ 65 lô, người ta mở 65 nhà hàng, quán cà phê, ít nhất mỗi tháng cũng nộp thuế 300-400 triệu đồng/chủ đất, giải quyết từ 30-40 lao động/cơ sở kinh doanh. Tại sao lại giao hết cho Sun Group?

Chúng tôi có nhà rồi, không cần cái gọi là tái định cư. UBND thành phố luôn nói ủng hộ kinh doanh mà như thế hả? Đất của tôi ở đó hơn 1.700m2, lúc mua hơn 13 tỷ đồng mà 70% tiền là vay ngân hàng, mong trồng cây chờ ngày hái quả. Bây giờ đền bù thì phải đền tôi 80-90 triệu đồng/m2. Tôi nói thiệt, không đền không trả đất lại thì chết chôn tôi ở đó”.

Ông Thùy và những người đứng đơn nêu thắc mắc: tại sao cũng ngay tại khu vực này, ngày 21/4/2017, UBND TP.Đà Nẵng đã có Quyết định số 2174 phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch khu phức hợp Halla Jade Residence (của Công ty TNHH Kreves Halla Land) với diện tích hơn 88.000m2, được Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Viet Land bán với giá từ 52,5-60 triệu đồng/m2.

Đất ở đây đã được giao thế nào? Có đấu giá không? Giá là bao nhiêu? Quỹ đất này lớn, tại sao UBND thành phố lại không quy đổi cho các chủ đất bị thu hồi để làm công trình công cộng (có giá trị tương đương) mà lại giao đất để các nhà đầu tư khác bán, thu tiền?

Riêng công viên Châu Á, những người khiếu nại nêu câu hỏi: hơn 84ha giao cho Sun Group làm công viên văn hóa và cây xanh hơn 30ha, còn lại là khu vui chơi giải trí, tại sao đến bây giờ, Sun Group chỉ làm khu giải trí bán vé, thu tiền, còn công viên văn hóa không làm?

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI