Cuộc họp… bán nhà

04/05/2020 - 13:39

PNO - Chồng tôi rơi nước mắt khi lần đầu Út gợi ý bán nhà, đó là khi má vừa mất được ba tháng.

Chồng tôi đi làm về rầu rầu: “Anh chuẩn bị ra nhà thằng Út với anh, có chút việc”. “Việc gì anh? Quan trọng không?”, tôi hỏi. Chồng buồn bã: “Họp ba anh em, bàn chuyện bán nhà cho thằng Út trả nợ”.

Út đòi bán nhà làm chồng tôi rầu lắm. ảnh minh họa
Chú Út đòi bán nhà, chồng tôi rầu lắm. Ảnh minh họa

Má chồng tôi mất chưa tròn một năm mà đây là lần thứ hai thằng Út đòi bán nhà. Chồng tôi từng rơi nước mắt trong lần đầu Út gợi ý điều ấy. Đó là khi má vừa mất được ba tháng. Út báo rằng nó đang nợ người ta 50 triệu đồng. “Cái quán tạp hóa bé xíu của em biết khi nào đủ tiền trả nợ hả anh chị, thôi anh chị thu xếp giùm em", nó năn nỉ.

Chồng tôi và em gái kiên quyết: "Nếu chỉ có bao nhiêu đó nợ, thì anh chị sẽ trả, với điều kiện em phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh giữ!".

Út giãy nảy rằng không được, vì giấy đỏ đã đem thế chấp ngân hàng hết 30 triệu đồng. Còn 50 triệu đồng kia là mượn của... giang hồ. "Nếu anh Hai và chị Ba có lòng thì trả hết nợ giùm em 50 này đã, rồi trả xong 30 triệu kia thì ai giữ giấy đỏ cũng được".

Em gái kế chồng tôi nói: "Chị có thể trả hết cho em, nhưng giấy đỏ phải đứng tên chị, chứ cứ để em đứng thì biết đâu em lại đi vay nợ nữa thì sao?"

Út thề sống thề chết sẽ không vay nợ nữa, bởi tại cái số không may nên làm đâu thất đó thôi. Mở quán cà phê thì quán ế khách, mở quán cơm thì không ai ăn, mở tiệm tạp hóa thì người ta cứ mua thiếu hoài. Thế Út định học nghề hớt tóc nam, về mở salon tóc.

Vậy là lần ấy, anh chị của chú Út gom trả hết nợ cho “giang hồ” để nhận về sổ hộ khẩu và CMND cho Út, còn giấy đỏ thế chấp ngân hàng thì chờ đến ngày đáo hạn rồi tính.

Chồng tôi kể rằng, thật ra miếng đất cất nhà đó phần lớn là tiền của anh. Thời trai trẻ, làm ra bao nhiêu anh cũng đưa tiền cho má. Một mẹ ba con sống với nhau. Anh là con trai lớn, má chỉ ở nhà chăm sóc hai em và buôn bán nhỏ lẻ. Khi mua đất, thì má đứng tên cũng là lẽ dĩ nhiên.

Rồi anh lập gia đình, em gái kế cũng lấy chồng. Thằng Út chưa vợ còn ở chung với má. Vậy mà má sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Út khi nào, hai  anh em không biết. Cho đến khi má bị tai biến thì cả nhà mới vỡ lẽ. Má khóc, nói thằng Út khờ khạo, không cha từ bé nên không ai hướng dẫn đường đời, thành ra làm gì cũng thất bại. M á sang tên đất cho nó, xem như chút tài sản cuối cùng cho nó vậy thôi. Mấy con mà hông chịu thì má…chết cho tụi bây vừa lòng.

30 tuổi rồi, nhưng Út vẫn chưa vợ con. Cứ thấy người ta làm ăn gì được được là về đòi má kiếm vốn cho làm, năm ngày ba tháng không phát triển thì đòi đổi qua việc khác.. Bảo Út đi làm công ty xí nghiệp thì Út nói lý lẽ: "Đời phải tự làm chủ lấy mình, chứ ai lại đi làm mướn thì biết bao giờ dư dả?". Thành ra, Út có quen vài cô nhưng không ai dám ưng cưới xin.

Giờ má xanh cỏ chưa lâu, Út lại đòi bán nhà lần 2.

Chồng tôi bảo: “Thôi, họp lần này anh bàn với bé Ba cho nó bán nhà luôn cho xong. Cứ để đó rồi nó đi vay mà anh chị phải trả hoài mệt lắm. Mà em nè, Út bán nhà xong thì em cho nó nhập khẩu về nhà mình nhé! Nó đi làm ăn đâu kệ nó, chỉ xin em chỗ nhập hộ khẩu thôi”.

Tôi băn khoăn về đề nghị xin cho Út nhập khẩu vô nhà mình
Tôi băn khoăn về đề nghị xin cho chú Út nhập khẩu nhà mình. Ảnh minh họa

Tôi băn khoăn quá, nhà do tôi đứng chủ hộ, tôi cũng không hẹp hòi nếu Út là người làm ăn đàng hoàng. Đằng này, cái kiểu cứ hay đem giấy tờ cá nhân để “thế giang hồ” ấy. Nếu khi vào hộ khẩu của tôi, bệnh cũ Út tái phát thì sao? Mà nếu tôi không đồng ý, thì sợ rằng chồng sẽ buồn hơn, bởi chút của nả cuối cùng má để lại cũng tiêu tan rồi.

 

Ngọc Hà

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI