Cuộc hội ngộ của những nữ du kích Củ Chi

08/03/2022 - 06:28

PNO - Dịp 8/3 năm nay, căn nhà yên tĩnh nằm ở ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi, TP.HCM của bà Võ Thị Mô (dì Bảy) xôn xao đón hơn mười đồng đội cũ trong sắc áo bà ba đen, tấm khăn rằn choàng cổ của người nữ du kích một thời. Buổi gặp mặt giản dị mà đượm thắm ân tình.

Nhớ nhau thì hẹn gặp
Dì Bảy rung rưng nước mắt, ra tận ngõ đón từng người, ôm siết. “Đội trưởng khỏe nè, vui quá”, “Mà có mấy chị không đến được vì đang là F0, tiếc quá” - những lời chào, thăm hỏi giữa niềm vui hội ngộ. Từ năm 2018, khi Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội Nữ du kích Củ Chi đến nay, đây là lần đầu, các dì tề tựu đông đủ nhất. 

Các cựu nữ du kích Củ Chi chụp hình lưu niệm sau thời gian dài không gặp mặt
Các cựu nữ du kích Củ Chi chụp hình lưu niệm sau thời gian dài không gặp mặt

“Đứa từ Tây Ninh xuống, đứa Long An lên, đứa Bình Mỹ qua. Vài đứa ở xa đến từ hôm qua. Giờ trễ sớm vậy chứ ngày xưa hẹn nhau mà chậm một giây là coi như mất mạng, bể hết chiến trận” - dì Bảy bật cười sau khi “điểm danh” từng đồng đội cũ, đều đã ở tuổi xấp xỉ bảy mươi. “Sức khỏe nay cũng kém, đâu như ngày xưa mà đòi đúng hẹn” - câu nói của một dì trong đoàn làm bật những tiếng cười giòn tan. 

Dì My lên tiếng: “Nghĩ Củ Chi ngày đó hiền hòa, cây trái sum suê mà khi giặc tràn, quét qua là không còn gì, mọi thứ tàn lụi, trơ trọi, bụi tre ngọn cỏ không sống nổi. Ác liệt thiệt”. Dì Bảy tiếp lời: “Bình địa luôn. Họ làm vậy là để đến dấu chân của bộ đội cũng bị phát hiện, rồi từ tận căn cứ Đồng Dù bắn hỏa tiễn sang. Chủ trương của họ là bóc vỏ quả đất để tìm diệt tận gốc rễ quân ta đó”.

Đội Nữ du kích Củ Chi được thành lập năm 1965 chỉ với ba thành viên. Năm 1966, cuộc kháng chiến bước vào đoạn ác liệt, đội nhận nhiệm vụ lập thành trung đội nữ du kích. Dì Bảy khi đó 19 tuổi, đang là xã đội phó xã Nhuận Đức, trở thành trung đội trưởng. “Trung đội lúc đó gần 20 người, chia thành ba tiểu đội. Chị em đào địa đạo, chiến hào, xây dựng hầm chông, hố đinh và sáp nhập Tiểu đoàn 7 thành Tiểu đoàn lửa chiến đấu” - dì Bảy kể.

Tiểu đoàn lửa là một biệt hiệu để nói về một sức mạnh chiến đấu phi thường của Tiểu đoàn 7, gây khiếp sợ cho binh lính của địch. Dì Bảy nhớ lại: “Một ngày đánh trên mười trận. Càng đánh càng dữ. Nhiều trận, mình bày bố dẫn địch vô hố đinh, hầm chông, xe tăng thì lật nhào, còn binh lính của địch té hầm chông, đạp đinh nên rất hoảng. Trước thế trận đó của mình, địch phải dội bom, pháo để phản công”.

Giọng dì Bảy run run. Dì đưa tay nâng vạt khăn choàng lau nhẹ khóe mắt, xúc động: “Nhiều đồng đội ngã xuống trong các trận dội bom như vậy. Thương lắm, đứa nào đứa nấy còn rất trẻ. Nhớ lại là thắt ruột cháy gan, không sao chịu đựng được”. Dì Thanh cũng sụt sịt: “Kề cận nhau rồi hy sinh bất ngờ, ngã ngay trên tay đồng đội”. Dì Lê Thị Kiều góp chuyện: “Lúc đó, tui đang ở trên chiến khu, nắm tình hình qua sóng radio. Tới đoạn Củ Chi qua mấy đợt B52 càn quét, nhiều người hy sinh, có Bảy Nguyệt. Anh Ba Kiệt gần đó cũng nghe, thảng thốt: “Trời ơi, vợ tui chết rồi”. Ảnh buồn quá, trút ba lô ra nói, này là đường, mấy trái chanh vợ gửi, chưa kịp uống thì vợ mất. Hai người mới thành vợ chồng từ một tuần trước đó”.

Dì Lê Thị Kiều không phải là thành viên của Trung đội Nữ du kích Củ Chi. Chiến đấu ở mặt trận khác, nhưng nể, khâm phục những cô gái du kích quả cảm, kiên cường nên sau chiến tranh, dì đã liên lạc và tìm đến thăm. 

Xưa sao, giờ vậy

Năm 1970, dì Bảy được cô Ba Nguyễn Thị Định rút đi làm nhiệm vụ khác. Đồng đội dưới sự chỉ huy của dì những năm tháng đó có người ở lại, tiếp tục chiến đấu và xây dựng trung đội lớn mạnh, có người tham gia biệt động Sài Gòn. Sau chiến tranh, vùng trắng Củ Chi đón các dì về xây cuộc sống mới, xới lại từng thửa ruộng, trồng lại từng gốc cây. Có người đi nơi khác làm ăn, sinh sống, bặt tin nhau. Sau này, cuộc sống đỡ nhọc nhằn, dì Bảy đi tìm những đồng đội lạc nhau để lâu lâu tụ họp. 

Qua bể dâu thời cuộc, nhiều người giờ vẫn lo sinh kế, đời sống khó khăn. Dì Bảy cười hiền: “Thương lắm, từ Long An lên đây được lì xì 300.000 đồng, bằng tiền xe ôm đi từ nhà ra bến xe, rồi bỏ tiền túi thêm từ bến xe đi mấy chặng mới đến được đây. Lớn tuổi, ít tiền, vẫn cứ đi”. Nhưng, không đi sao được, khi trong lòng của các dì còn đầy ắp những hồi ức của bao trận chiến mà mọi người xả thân cho nhau giữa lằn ranh sinh tử. 

Dì Bảy kể, khi hết chiến tranh, có vài người lính từng ở bên kia chiến tuyến, tìm lại dì và những nữ du kích anh hùng. Họ hỏi các dì muốn gì không, chẳng hạn một món quà hoặc một chuyến sang thăm nước họ. “Dì chỉ cười rồi nói rằng “tôi chỉ cần đất nước tôi hòa bình, độc lập, yên ổn để làm ăn, ai mà xâm chiếm thì tôi đánh nữa. Không chỉ tôi mà cháu con tôi cũng đánh”. Dì nói xong, họ phì cười và nhiều người vỗ tay” - dì Bảy nhớ lại. 

Các dì khen lớp trẻ bây giờ năng động, giỏi giang và cũng không ngại gian khó, hy sinh, bằng chứng là nhiều người trẻ xung phong ra tuyến đầu chống dịch COVID-19: “Cái khôn khéo, uyển chuyển và gan dạ của phụ nữ mình thì thời nào cũng có”. 

Dì Kiều nói thêm, ngày đó ai cũng chỉ mong được sống một ngày hòa bình mà chiến đấu quên mình, nay ước mong sao hậu sinh nối tiếp, để giữ gìn, phát huy, biết phải làm những điều đất nước này mong mỏi. 

Tuyết Dân 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI