Cũng lều, cũng chõng, cũng vô thi…

20/07/2018 - 06:51

PNO - Lợi dụng cái nhãn mác dân chuyên mà chấp nhận, đồng thuận, đồng lõa cho việc nâng điểm, ngụy tạo kết quả thi thì còn tệ hại hơn… dân thường!

Mã số 50001885: điểm toán từ 2.60 lên 9.60, ngoại ngữ từ 2.60 lên 9.20, vật lý từ 3.00 lên 9.75. Mã số 5000464: toán từ 2.60 lên 9.20, ngoại ngữ từ 1.20 lên 9.00, vật lý từ 3.00 lên 9.25. Đấy là tớ quét ngẫu nhiên trên bảng điểm Hà Giang, ngó qua bảng điểm Lạng Sơn, mã số 10000189: toán: 9.0, ngoại ngữ: 9.40, văn: 8.73, trong khi sử: 1.75, địa 4.50, giáo dục công dân: 5.50.

Chưa chấm lại nên tớ chả biết điểm thật điểm giả thế nào, chỉ có điều, một thí sinh đạt văn trên điểm giỏi mà sử lại thuộc hàng… liệt như thế thì quả khó hiểu. Từ điểm kém, các cậu tót lên điểm xuất sắc, bên cạnh điểm xuất sắc, giỏi, các cậu vẫn vơ điểm yếu, dưới trung bình. Quả thật, tớ chỉ biết… nghẹn họng ngọng líu lo “á, ớ, u, âu” như cụ Tú Xương thi mãi chả đỗ, càng thi càng trượt. Đằng này, các cậu đậu, đậu cao cơ đấy! 

Cung leu, cung chong, cung vo thi…
 

Tớ cũng là dân trường chuyên như các cậu: những Triệu Thị Mai, Triệu Thị Linh chuyên Anh, Triệu Thị Phương chuyên hóa… Một ngày đẹp trời, cô giáo dắt tay một bạn vào lớp giới thiệu là thành viên mới. Bạn ấy chẳng cần thi cử, tuyển chọn gì hết, bố bạn ấy là quan to của tỉnh, bạn ấy cứ thế mà vào lớp, vào luôn đội tuyển tỉnh đi thi quốc gia.

Nhìn bảng điểm của Triệu Thị Mai, điểm thật môn tiếng Anh là 8 đã được làm tròn 10, toán 6 thì lên 9.4; Tống Kiều Trang Thảo, chuyên toán, từ 28 còn 20 hay Hoàng Lê Trung, chuyên toán, cũng bay mất trên chục điểm sau khi chấm lại; kể cả 2 chị em sinh đôi Hồ Hoàng Linh, Hồ Hoàng Lan có mẹ là giáo viên chuyên toán cũng vụt bay cả mớ điểm. 

Đã có nhiều đề xuất bỏ trường chuyên lớp chọn, chuyện giữ hay bỏ mô hình này là cả một câu chuyện dài cần ngồi lại phân tích. Riêng tớ, được học, nuôi dưỡng và truyền nguồn cảm hứng cho một môn học mà mình say mê, có thiên hướng muốn theo đuổi, tập trung phát triển chuyên ngành ấy, được thử thách, đào tạo và tỉ thí qua các kỳ thi nâng cao là điều hết sức chính đáng và hữu ích.

Còn một khi xem đó là thứ trang sức, máng vào mình bằng mọi cách thì chuyên hay chọn đều vớ vẩn, lố bịch như nhau. Lợi dụng cái nhãn mác dân chuyên mà chấp nhận, đồng thuận, đồng lõa cho việc nâng điểm, ngụy tạo kết quả thi thì còn tệ hại hơn… dân thường! 

Hai trong rất nhiều thứ trên đời, các cậu không thể làm giùm người khác là học và… bệnh. Hành trình đi tìm kiến thức là sự tìm tòi, tích lũy của mỗi người, không ai làm thay mình, do đó mình cũng chả làm thay được cho ai, huống gì là ăn cắp số điểm mà bản thân mình không thể có được khi kiến giải tri thức.

Các cậu vừa nhón một gót chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, đã thản nhiên giành giựt phần không thuộc về mình, không do sức mình làm ra; đã đạp lên cơ hội chính đáng của những người khác; đã chọn kiểu thành công đầu đời bằng sự giả dối, bất chấp. Tớ xin nhắc lại, sở học, vốn không ai thay và không thay ai thì cái khuyết tật, bệnh hoạn trong suy nghĩ, hành vi, thái độ, tính cách, số phận cũng sẽ do chính các cậu tự tạo nên và gặt lấy. 

Trong cái rủi may, chán chường của học tài thi phận, cụ Tú Xương còn thốt lên nỗi niềm “Lộc nước còn mong thêm giải ngạch/ Phúc nhà nay được sạch tràng quy”. Là lớp hậu sinh của cụ Tú ngày xưa, các cậu học nhàn thi hỏng nhưng được cái mua điểm cao ngất, liệu có mà cúi đầu xấu mặt trước tiền nhân, có thấy chính cái dối nhà sinh ra họa nước, trông chờ nỗi gì từ cái thói mới tấp tểnh lều chõng đã dối gian đổi chác thì nay mai thành cô cử cậu nghè có mà đè thế gian bằng sự dốt nát, hỏng hóc, mánh khóe… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI