Củng cố hạ tầng, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế TPHCM

27/04/2023 - 06:22

PNO - Theo các đại biểu, 16 nghị quyết phần lớn cho chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư công được thông qua tại kỳ họp thứ 9 sẽ góp phần giúp thành phố phát triển hạ tầng lâu dài và là đòn bẩy kích thích kinh tế của thành phố trong bối cảnh hiện nay.

“Nghĩa trang liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân có cao độ thấp hơn mặt đường rất nhiều, cứ mưa là ngập, nếu các đại biểu trực tiếp chứng kiến hình ảnh nghĩa trang bị ngập sẽ ủng hộ chủ trương cải tạo, nâng cấp nghĩa trang” - ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - gửi gắm tại kỳ họp thứ chín HĐND khóa X diễn ra hôm 18/4. Chủ trương này sau đó được nhất trí thông qua. 

Theo các đại biểu, với 16 nghị quyết phần lớn cho chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư công được thông qua tại kỳ họp thứ chín, sẽ góp phần giúp thành phố phát triển hạ tầng lâu dài và là đòn bẩy kích thích kinh tế của thành phố trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM sẽ triển khai các bước, bao gồm tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại bức tranh kinh tế vừa qua của thành phố mới thấy đầu tư công chưa được tận dụng như một công cụ để dẫn dắt và thúc đẩy kinh tế, khơi thông các nguồn lực đầu tư, khi tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 4%. Tuy nhiên, số vốn đầu tư công được phân bổ cho thành phố năm 2023 là hơn 70.000 tỉ đồng, trong đó vốn địa phương hơn 55.000 tỉ đồng (tăng gần 2 lần so với năm 2022). 

Sắp tới, TPHCM sẽ đẩy mạnh các dự án đầu tư công để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế (trong ảnh: Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở TPHCM đang có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để sớm hoàn thành)
Sắp tới, TPHCM sẽ đẩy mạnh các dự án đầu tư công để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế (trong ảnh: Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở TPHCM đang có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để sớm hoàn thành)

Mong muốn thúc đẩy các dự án đầu tư công, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM mới đây đã lập các tổ giám sát 38 dự án trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - thay vì đợi làm xong thì giám sát trước để kịp thời chia sẻ, giải quyết các khó khăn, gần gũi anh em và không để mọi việc cứ đè xuống khiến anh em đuối sức, lúc đó kết quả sẽ không tốt. Và tình trạng cán bộ quá tải, dẫn đến đuối sức ở TPHCM là có thật, do khối lượng công việc lớn, nhân sự có hạn. Bài toán này, thành phố cũng đang chờ trung ương tháo gỡ. 

Liên quan đến công tác cán bộ, lãnh đạo thành phố thừa nhận, có lúc, có nơi cán bộ còn e ngại, sợ trách nhiệm. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục. Kết luận 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo đó, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh đó, các đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu để xem xét giải quyết.

Bí thư Thành ủy TPHCM lấy ví dụ trong thời điểm căng mình chống dịch COVID-19, Đảng bộ và chính quyền thành phố nhận thấy hệ thống y tế cơ sở cần được đầu tư, tăng cường hơn nhằm chăm sóc sức khỏe bệnh nhân từ ban đầu, giúp giảm tải cho tuyến trên và cứu sống được nhiều bệnh nhân. Khi đó, thành phố không có lực lượng ở tuyến dưới, việc tăng cường bác sĩ từ tuyến trên về chưa có trong quy định, nhưng thành phố buộc phải làm vì cuộc sống và vì sức khỏe người dân. 

TPHCM đang gánh nhiều sứ mệnh, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 31 ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Để các nghị quyết trên đi vào cuộc sống, ngoài những nguyên nhân nội tại phải khắc phục, thì Kết luận 14 cũng được coi là một phương tiện gỡ khó cho công tác của cán bộ ở thành phố - vốn không thiếu sự năng động, ý tưởng và luôn được khuyến khích, động viên làm những gì có thể vì sự phát triển chung. 

Nhưng cũng như nhiều địa phương, thành phố vẫn đang chờ các văn bản pháp luật để có hành lang bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. 

M.Phong

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI