Cúi đầu trước Di chúc

31/08/2019 - 09:48

PNO - Hãy biết cúi đầu trước Di chúc để còn thấy mình được xứng đáng với người chấp bút di huấn.

Cui dau truoc Di chuc
 

Nửa thế kỷ đã đi qua, một trái tim Việt Nam đã ngừng đập nhưng từng “nhịp thở” trong Di chúc mà Người đã viết, đã lưu lại như mang theo giá trị của sự hồi sinh, tính soi chiếu để trước một Con Người “dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận”, thì 50 năm sau, hay dài hơn thế nữa, không ít lớp hậu sinh sẽ phải cúi đầu, bởi còn quá nhiều điều phải… biết hối hận. 

Tháng 5/1968, sau khi xem lại bản Di chúc đã viết năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “viết thêm mấy điểm”, trong đó, Người căn dặn, ngay sau cuộc chiến tranh chống đế quốc của nhân dân ta giành thắng lợi, “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. 

Bởi chắc hẳn, Người đã tiên liệu, trong niềm vui lớn của ngày thống nhất đất nước, sẽ “vương vãi” ít nhiều vẻ say sưa của người chiến thắng, trong đó có thái độ “kiêu ngạo của người cộng sản chiến thắng” (chữ dùng của Lê-nin), vì vậy việc đầu tiên là chỉnh đốn ngay đội ngũ đã dẫn dắt làm nên chiến thắng ấy. 

Cui dau truoc Di chuc
 

Đấy cũng chính là công việc thường xuyên của tổ chức Đảng, trong tình hình hiện nay, lại là công việc “sống còn” của hệ thống các cơ sở Đảng, trong từng cấp ủy Đảng, trong mỗi đảng viên, nhất là đảng viên - lãnh đạo. 

Một đảng cầm quyền, nơi tập trung của hệ thống quyền lực, là lực lượng chi phối các hình thái ý thức thượng tầng và thiết lập, quản lý, điều hành các cơ sở hạ tầng; nếu không “thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” như lời di huấn thì chính nó - cái hậu quả đến từ những ông “quan cách mạng”, của thói “trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo” do chính Người chỉ rõ trong thư gửi ủy ban nhân dân các cấp, ngày 17/10/1945 - sẽ tự mình suy nhược ý chí, phẩm chất, tư cách; làm suy yếu chính tổ chức Đảng cho đến toàn hệ thống chính trị cầm quyền. 

Thử hỏi sức mạnh của một tổ chức Đảng ở đâu khi tại một địa phương - như tỉnh Khánh Hòa, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kết luận về các dấu hiệu vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trong đó, từ bí thư tỉnh ủy đến chủ tịch UBND tỉnh (cả đương nhiệm lẫn tiền nhiệm) đều vi phạm “rất nghiêm trọng”. 

Hoặc, cả hai nhiệm kỳ, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật hàng loạt, mà tính chất và mức độ vi phạm đã cho thấy, từ buông lỏng lãnh đạo, tu dưỡng đạo đức đến các điều kiện để tự lũng đoạn đội ngũ, phẩm chất, tác phong công an nhân dân là nguyên nhân - hệ quả của nhau. 

Không chỉ là số lượng đảng viên - cán bộ lãnh đạo vi phạm tăng cao, bị phát hiện và thi hành kỷ luật ở mức kỷ lục mà là tính chất vi phạm để phải xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt giam đã cho thấy “điểm rơi không giới hạn” trong tư cách, trách nhiệm của từng cá nhân cho đến tổ chức Đảng. 

Một Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao lại là người dung túng, bảo kê cho đường dây đánh bạc lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Một là thượng tá quân đội, một là thượng tá công an, vậy mà khuynh loát cả hệ thống chính quyền ở nhiều tỉnh thành. 

Thử đối chiếu vụ án đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, từ năm 1950, vì đã lệnh cấp dưới nâng khống giá mua vải, cấp con dấu giả, nhận hối lộ, hưởng thụ xa hoa, đã nhận án tử hình. 

Vụ việc được điều tra và báo cáo về Chính phủ, Hồ Chủ tịch dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm”. Liệu sẽ “cắt bỏ” từ đâu, đến đâu bởi chỉ mới là hai ông thượng tá mà danh sách liên đới, hệ lụy đã “lây lan” vô số. 

Cui dau truoc Di chuc
Bút tích Di chúc Bác

Về việc riêng - Người tha thiết “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”. Người muốn được hỏa táng, tro cốt chôn cất trên một ngọn đồi, cất một cái nhà nhỏ để ai đến viếng có chỗ nghỉ ngơi, nên trồng nhiều cây để lâu ngày cây nhiều sẽ thành rừng, tốt cho phong cảnh, lợi cho nông nghiệp. 

Việc công, thì lợi ích đất nước là trên hết. Việc riêng, thì lợi ích nhân dân là tối thượng. 

Soi từng dòng “việc riêng” ấy vào trong nếp nghĩ, nếp sống ngày nay, chỉ là một vài vụ việc bị phát giác từ biệt phủ trên đồi xa hoa của ông giám đốc sở ở Yên Bái cho đến tiệc cưới linh đình của con trai “bà dân vận” Sóc Trăng, để ít nhất cũng phải biết hổ thẹn khi tự nhận mình là “hậu thế”. 

Nửa thế kỷ, một Di chúc. Ở đấy là “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng” mà Người gửi lại, là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” mà Người mong muốn. 

Năm mươi năm, từ những di huấn ấy, có bao giờ chúng ta tự hỏi, là sự tiên liệu, thấy trước của Người mà căn dặn, nhắc nhở hay chính chúng ta, trong từng bước đi tưởng càng xa, càng dài càng vững chãi lại càng nghiêng ngả, khệnh khạng, lạc lối.

Hãy biết cúi đầu trước Di chúc để còn thấy mình được xứng đáng với người chấp bút di huấn. 

Ái Mỹ

 
TIN MỚI