Cụ bà 72 tuổi ngày bán vé số, tối dạy miễn phí cho trẻ nghèo

12/11/2020 - 07:05

PNO - Cô Nguyễn Thị Ba (72 tuổi) lưng đã còng, tay đã run, ban ngày, cô rong ruổi bán vé số mưu sinh, đêm về dạy miễn phí ở lớp học tình thương.

Học chữ không khó, học làm người mới khó

Mỗi chiều có dịp ghé thăm Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập Cộng đồng phường Phú Cường, tỉnh Bình Dương, tôi đều bắt gặp hình ảnh cô Ba đang ngồi trên chiếc ghế đá và chăm chú giảng bài cho những đứa trẻ.

Quanh vùng này, không ai không biết cô Ba, người hằng đêm đến lớp học tình thương để gieo những con chữ với mong muốn giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn gặt hái được ước mơ của riêng mình.

Mỗi ngày, cô Ba đều đến lớp sớm, ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc và trò chuyện cùng các bạn học tròCô Ba đến lớp sớm, ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc và trao đổi cùng học trò

Cô Ba từng là giáo viên tiểu học. Khi về hưu, cô đến Bình Dương thuê trọ để bán vé số và dạy kèm miễn phí cho học sinh nghèo.

Cô Ba kể: “Cô không có gia đình riêng, ở một mình cũng buồn nên có lúc muốn vào viện dưỡng lão sống. Nhưng nghĩ lại mình còn sức khỏe, sao không ráng làm gì giúp ích cho đời”. Thế rồi cô Ba gắn bó với lớp học tình thương ở phường Phú Cường từ năm 2016 đến nay. 

Điều đọng lại nhiều nhất trong tôi đó là học trò của cô Ba rất lễ phép. Trước đó, một số em nghịch ngợm không vâng lời được cô Ba "cảm hóa" bằng tình yêu thương. Nay, các em vừa bước chân vào cổng trung tâm đã khoanh tay: “Chào cô Ba con mới đến! Chào cô, chào chú, chào anh…” với bất kể người lạ hay quen.

Đã 5 năm trôi qua, ngày nào cô Ba cũng nắn nót những nét chữ thân thương với hy vọng có thể góp phần giúp các em “xây” nên những ước mơ tươi đẹp
Đã 5 năm, ngày nào cô Ba cũng nắn nót những nét chữ thân thương với hy vọng có thể góp phần giúp các em “xây” nên những ước mơ tươi đẹp

 “Dạy tụi nhỏ biết chữ đâu có khó, dạy một ngày không biết thì mình dạy hai ngày, ba ngày… chỉ cần đủ kiên trì. Cái khó nhất chính là dạy tụi nhỏ sống có đạo đức, biết cách ứng xử với những người xung quanh. Sau này lớn lên, không còn học ở đây nữa thì tụi nhỏ đi đâu người ta cũng thương quý vì cái tính tốt, cái này mới đáng trân trọng”, cô Ba tâm niệm.

Dạy học không lương mà còn tốn tiền mỗi tháng

Đến với lớp học tình thương, người ta cho nhiều hơn nhận và cô Ba cũng vậy. 

Anh Phạm Minh Cường - Phó bí thư Đoàn phường Phú Cường, người phụ trách quản lý lớp học - chia sẻ: “Khi cô Ba đến xin dạy cho các em thì tôi rất mừng. Cô Ba có chuyên môn nên các em dễ hiểu và cô thương mấy đứa nhỏ lắm. Nhiều khi cô còn trích tiền bán vé số để mua quà hay giúp đỡ cho những em có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, động viên các em đi học”.

Hình ảnh những nhà hảo tâm đến cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ ở lớp học tình thương
Những nhà hảo tâm đến cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ ở lớp học tình thương

Trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa rồi, cô Ba còn trích tiền bán vé số của mình để trao tặng những phần quà nhỏ như gạo, tập sách, bánh kẹo cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong lớp.

Cô Ba tâm sự: “Cô cũng lớn tuổi, chỉ mong phần đời còn lại giúp được cho tụi nhỏ cái gì thì giúp. Cô chọn dạy học cho tụi nhỏ vì cô biết việc học quan trọng lắm. Biết được con chữ, mình vừa bảo vệ được quyền lợi của mình, vừa có thể xin việc ở những nơi tốt hơn”.

Hiện tại, lớp học tình thương này chủ yếu chỉ dạy đến lớp 5, vì thế cô Ba và anh Cường đang tìm cách để tiếp nối việc học cho các em. Cô Ba chia sẻ, có một số em muốn sau khi học xong sẽ được học nghề, nên cô sẽ cố gắng kết nối những chỗ uy tín để giúp các em. 

Những nét chữ- nết người đang dần đẹp lên từng ngày
Những nét chữ - nết người đang dần đẹp lên từng ngày

Lớp học của cô Ba có 22 học sinh, đa phần các em đều có hoàn cảnh đặc biệt, có em đi bán vé số vô tình gặp cô Ba rồi được khuyên đến lớp để học, có em do gia đình khó khăn không đủ điều kiện đến trường nên xin được học với cô Ba. 

Những đứa trẻ khó khăn được chăm chút
Những đứa trẻ khó khăn được chăm chút

Chị Huỳnh Kim Hạnh, 30 tuổi là học trò của cô Ba tâm sự: “Hồi nhỏ tôi thích học lắm nhưng nhà nghèo không thể đi học, thấy ở phường có lớp học tình thương nên tôi xin vào học. Từ ngày cô Ba về, cô kỹ tính, tận tâm, tôi học mau hiểu bài hơn. Giờ tôi đã biết đọc và viết, tôi cảm thấy biết ơn cô Ba rất nhiều. Sau này học xong, nếu tôi biết được nhiều, tôi sẽ phụ cô dạy lại cho mấy em nhỏ để cô đỡ vất vả”.

Khi trời sẩm tối, tiếng ê a của những học sinh trong lớp học bắt đầu ngân vang. Hình ảnh bà giáo già nắn nót từng nét chữ trên tấm bảng, những cô cậu học trò cặm cụi viết bài sau những giờ vất vả mưu sinh là hình ảnh khiến tôi không thể nào quên.

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI