COVID-19 làm gia tăng tình trạng nghèo cùng cực ở Đông Nam Á

16/10/2020 - 06:42

PNO - Tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng do tác động từ đại dịch COVID-19 kết hợp với các xung đột khu vực và biến đổi khí hậu.

Một gia đình Philippines ăn mì gói trong một căn lều sơ tán tạm bợ giữa đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Manila - Ảnh: Reuters
Một gia đình Philippines ăn mì gói trong một căn lều sơ tán tạm bợ giữa đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Manila - Ảnh: Reuters

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, COVID-19 sẽ đẩy thêm 88-115 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020, nâng tổng số nghèo cùng cực lên 150 triệu người. Nghèo cùng cực - được định nghĩa là mức sống dưới 1,9 USD/ngày - có khả năng ảnh hưởng đến 9,1-9,4% dân số thế giới vào năm 2020.

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với làn sóng “người nghèo do COVID-19” gia tăng nhanh chóng, dù đã thành công tương đối trong việc ngăn chặn đại dịch. Các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt và yếu tố bên ngoài bao gồm sự sụp đổ của du lịch, xuất khẩu đang đẩy 38 triệu người xuống dưới mức nghèo khổ.

WB ước tính, theo kịch bản tệ nhất, mức giảm tổng sản phẩm quốc nội năm 2020 lên tới 10,4% ở Thái Lan, 9,9% ở Philippines và 6,1% ở Malaysia. Thêm 38 triệu người nghèo mới, nghĩa là có tổng cộng 517 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, tăng gần 8% so với năm 2019.

Doanh nghiệp đóng cửa, việc làm khan hiếm

Tại Philippines - quốc gia có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất ở Đông Nam Á -  một cuộc khảo sát do WB và các cơ quan địa phương công bố mới đây cho thấy, gần một nửa số doanh nghiệp đóng cửa không chắc chắn về thời điểm hoạt động trở lại.

Tác động kéo dài của việc phong tỏa gây thiệt hại cho những người như Jenn Piñon, 35 tuổi. Cô đã dành nhiều năm để lấy bằng mỹ thuật với hy vọng sẽ tự đảm bảo tài chính ở thủ đô Manila. Thế nhưng, đại dịch khiến Jenn mất các hợp đồng thiết kế đồ họa, buộc cô chuyển sang bán trứng và đậu nghiền trực tuyến. Hiện Jenn đang sống nhờ tại căn hộ chung cư của bạn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Trong khi thu nhập giảm trên toàn thế giới, ảnh hưởng của đại dịch đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực mới nổi của Đông Nam Á. Theo Priyanka Kishore - chuyên gia kinh tế tại Công ty Oxford Economics Ltd. (Anh) - việc người tiêu dùng giảm nhu cầu, cộng với các biện pháp giãn cách xã hội sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Bà Kishore nói: “Chúng tôi ước tính, GDP của Đông Nam Á duy trì ở mức thấp hơn 2% so với đường cơ sở trước đại dịch, ít nhất cho đến năm 2022”.

Các gói hỗ trợ không đạt hiệu quả mong muốn

Theo hãng tin Bloomberg, mức độ suy thoái kinh tế theo năm ở năm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á rất nghiêm trọng trong quý II/2020: Indonesia giảm 5,3%, Malaysia giảm 17,1%, Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,3% và Thái Lan giảm 12,2%. Việt Nam - một trong số ít quốc gia chiến thắng trong đại dịch - ​​quá trình đi lên của nền kinh tế kéo dài suốt 30 năm gần như dừng lại trong năm nay.

Christian Viegelahn - nhà kinh tế học tại Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - cho biết, năm nền kinh tế hàng đầu của Đông Nam Á đã chi hàng tỷ USD hỗ trợ thu nhập để chống lại cơn đại dịch. Thế nhưng, các biện pháp bảo vệ xã hội như trợ cấp thất nghiệp trên toàn khu vực, ngoại trừ Singapore, vẫn “không đạt kết quả như mong muốn”.

Lý do là, chính phủ trong khu vực chỉ chi trung bình 2,7% GDP cho các chương trình hỗ trợ, thấp hơn nhiều so với mức 10,8% toàn cầu. Mặt khác, theo ông Viegelahn, tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm 76% tổng số việc làm của Đông Nam Á và đây là bộ phận rơi vào tình trạng khó khăn. 

Tấn Vĩ (theo World Bank, Bloomberg, SCMP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI