Cổng trường không thể là “điểm đen” giao thông

11/09/2022 - 06:35

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM - cho rằng, kẹt xe trước cổng trường không phải là chuyện của riêng ngành giáo dục mà còn là vấn đề của quy hoạch và ý thức giao thông.

 

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM
Kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM

Ông nói: 
- Kẹt xe trước cổng trường không chỉ gây ảnh hưởng đến nhà trường, học sinh mà còn tác động tiêu cực dây chuyền đến phụ huynh - lực lượng lao động của thành phố - bởi họ bị trễ giờ làm, bị stress. Lãnh đạo thành phố muốn xây dựng trật tự giao thông, ý thức giao thông thì trước tiên phải bắt đầu từ trường học. Trường học là môi trường văn hóa nhưng lại để cổng trường trở thành “điểm đen” về trật tự giao thông. Cần thấy rằng, đậu xe nhốn nháo, hàng rong nhếch nhác trước cổng trường là những hình ảnh xấu xí.

*Phóng viên: Khi nói đến cảnh nhốn nháo trước cổng trường, có lẽ phải đề cập đến ý thức của một bộ phận phụ huynh khi đưa, đón con?

Kiến trúc sư Khương Văn Mười: Không ít phụ huynh chưa thực sự có ý thức khi đưa, đón con. Đành rằng nhiều trường nằm ở nơi chật hẹp, nhưng nếu mỗi phụ huynh có ý thức đậu xe trật tự thì tình hình sẽ được cải thiện rất nhiều. Nhà trường cần có các buổi sinh hoạt, chia sẻ với phụ huynh về việc giữ gìn trật tự ở khu vực trường học. 

Mỗi phụ huynh cần ý thức rằng, khi tham gia giao thông một cách an toàn, trật tự là mình đang giáo dục cho con em mình. Không nên để học sinh được học về ý thức giao thông, về đội mũ bảo hiểm trong trường nhưng vừa bước ra ngoài cổng thì thấy ngay hình ảnh phụ huynh không đội mũ bảo hiểm, đậu xe tràn ra lòng đường. Người lớn “nói một đằng làm một nẻo” thì rất khó xây dựng ý thức giao thông cho học sinh.

* Hiện nay, nhiều trường có khuôn viên chật hẹp. Lại có tình trạng nhiều trường nằm gần nhau trên cùng một đoạn đường nên rất khó đảm bảo trật tự vào giờ tan học. Có giải pháp nào cho vấn đề này không, thưa ông?

- Vị trí và điều kiện vật chất của nhiều trường - nhất là ở trong khu trung tâm và khu dân cư - còn hạn chế nên khó có giải pháp nào ngoài việc tăng cường điều tiết, tổ chức phân luồng hợp lý. Đối với các khu vực có nhiều trường gần nhau, cần khảo sát và có kế hoạch tan học lệch giờ giữa các trường và giữa các khối lớp trong trường. Trước cổng trường, vào giờ cao điểm, cần có lực lượng điều tiết, cảnh báo từ xa. 

Ngành giao thông có thể nghiên cứu, phân luồng một chiều tạm thời đối với một số tuyến đường trong giờ cao điểm sáng và chiều khi phụ huynh đưa, đón con, đồng thời tổ chức xe đưa đón ở các khu vực phù hợp, khuyến khích học sinh đi xe công cộng.

Tình trạng kẹt xe ở các khu vực trước cổng trường tại TPHCM xảy ra phổ biến
Tình trạng kẹt xe ở các khu vực trước cổng trường tại TPHCM xảy ra phổ biến

* Có trường vừa mới khánh thành liền gây kẹt xe. Đây có phải là do việc quy hoạch vị trí xây trường chưa hợp lý không, thưa ông?

- Theo quy định, vị trí quy hoạch xây trường được phê duyệt phải phù hợp với nhu cầu, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong đó có đánh giá hiện trạng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trường học.

Tuy vậy, đối với các khu dân cư hiện hữu, rất khó để kiểm soát giao thông bởi công trình công cộng nào được đưa vào sử dụng cũng kéo theo sự tập trung giao thông và sự hình thành các hàng quán, dịch vụ đi kèm. UBND các quận, huyện cần chấn chỉnh, không để các dịch vụ tự phát mọc lên quanh khu vực trường học.

Đối với các dự án xây mới trường học trong thời gian tới, cơ quan cấp phép cần yêu cầu trường thiết kế chỗ cho phụ huynh đậu xe đón con phù hợp với quy mô học sinh của trường. Kẹt xe trước cổng trường và quá tải học sinh là một phần trong tình trạng quá tải hạ tầng nói chung của TPHCM.

Để giải bài toán này một cách bền vững, phải tập trung xây dựng các khu đô thị mới đúng nghĩa để kéo giãn dân khỏi các khu dân cư hiện hữu. Nhờ đó, số lượng học sinh cũng được phân bố hợp lý hơn, tránh tập trung quá đông vào một số khu vực, gây quá tải như hiện nay.
* Xin cảm ơn ông

 Minh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI