Còn gì sau đám cháy?

31/07/2017 - 10:50

PNO - Chẳng lẽ vẫn cứ nhắm mắt không nhận ra, không nghe thấy những lời cảnh báo? Cái chết thương tâm vì nhà cháy hình như vẫn đang bị coi là cái chết bất ngờ, do xủi rủi, do “chuyện xảy ra không ai muốn vậy”.

Trưa 29/7, sau ba giờ ngùn ngụt lửa, đám cháy ở xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội mới bị dập tắt, để lại một hậu quả kinh hoàng: tám người chết, hai người bị thương. Khu nhà xưởng bánh kẹo bị lửa thiêu rụi, nhưng nhìn những tàn tích còn sót lại, có thể hình dung khu nhà 170m2 lợp tôn tạm bợ ấy trông ra sao khi ngọn lửa chưa bùng lên.

Con gi sau dam chay?
Vụ hỏa hoạn nhà xưởng tại Hoài Đức làm 8 người chết

Khu xưởng như chiếc hộp đóng kín chỉ có một lối ra vào duy nhất trước mặt nhà, không có lối thoát hiểm. Lửa bốc lên, gác xép sập xuống chặn luôn lối thoát ra ngoài, những nạn nhân kẹt phía trong đành ôm nhau chịu chết cháy. Tám người thiệt mạng, thì có bảy nam thanh niên từ 15 đến 27 tuổi - họ còn trẻ quá, vì cuộc mưu sinh nên mới ra nông nỗi…

Vụ cháy thảm khốc trên xảy ra chỉ vài tuần sau hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, cũng được tổ chức ở Hà Nội. Cuộc hội nghị ngày 6/7/2017 cho biết, sáu tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 2.364 vụ cháy (tăng 858 vụ, 56,9% so với cùng kỳ năm 2016), làm 51 người chết, 95 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 1.173 tỷ đồng và 806 ha rừng.

Những con số cũng là những ngọn lửa bùng lên, những đám khói đen nghịt cuồn cuộn trên các trang mạng, những đau đớn bất lực hoảng loạn in hằn trên mặt người chứng kiến. Cháy càng ngày càng nhiều chỗ, nhiều nơi; những trận cháy trong khu vực dân cư ngày càng gây hậu quả nặng nề.

Con gi sau dam chay?
Căn gác xép sụp đổ chặn hướng thoát duy nhất của 8 nạn nhân.

Nhưng cứ sau mỗi vụ cháy, sau những cái chết thương tâm, uất ức, vẫn thấy lặp đi lặp lại những lý do đã cũ, đã nghe hàng trăm lần: nhà cửa nhiều vật liệu cháy nổ, không đảm bảo an toàn, không có lối thoát hiểm, điện, ga, hàn xì, trang thiết bị muốn đâu làm đó, hư đâu sửa đó, thích đâu câu mắc đó, không hề nghĩ đến ngọn lửa thảm họa sẽ bùng lên bất kỳ lúc nào. Đến khi chuyện xảy ra rồi, người xung quanh cố đập tường, cố phá cửa, nhưng cũng đành bất lực. 

Còn lại gì sau những thảm họa cháy nổ, chết người đã xảy ra suốt thời gian qua? Chẳng lẽ chỉ còn lại xác nhà cháy trơ khung đen kịt? Chẳng lẽ chỉ còn lại những nấm mồ oan nghiệt? Chẳng lẽ chỉ còn lại hai bàn tay trắng? Chỉ nhìn vào đó thôi sao? Chẳng lẽ vẫn cứ nhắm mắt không nhận ra, không nghe thấy những lời cảnh báo? Cái chết thương tâm vì nhà cháy hình như vẫn đang bị coi là cái chết bất ngờ, do xủi rủi, do “chuyện xảy ra không ai muốn vậy”.

Người Việt mình nhân ái, dễ mủi lòng trước thảm cảnh của người khác, khi cơ nghiệp đã cháy tàn cháy rụi tan hoang rồi, có khi cũng có người thân chết cháy rồi, người ta dễ cảm thông, bỏ qua cho nhau, không nặng nề, không chỉ mặt gọi tên người phải chịu trách nhiệm về đám cháy về cái chết. Chứ như ở xứ người, cháy một tòa tháp, dân cư thiệt mạng, đám đông đã biểu tình trên phố đuổi cả thủ tướng.

Có phải chăng, vì cái xuê xoa bỏ qua đó mà sinh ra tâm lý dễ ngươi, vẫn cứ vì hám lợi mà coi thường những quy tắc an toàn phòng chống cháy nổ, đối phó qua mặt cơ quan kiểm tra, coi thường sinh mạng con người? 

Cháy nổ không phải là một thảm họa cá nhân, đó là nỗi kinh hoàng của cả cộng đồng. Nhìn ngọn lửa bùng bùng trùm lên căn nhà bất hạnh, giật mình ngó lại xung quanh xóm mình, khu phố của mình cũng bao nhiêu nhà vừa dùng để ở vừa để kinh doanh sản xuất, vải vóc quần áo phụ liệu may mặc chất cạnh tường cao ngất, xe máy dựng giữa, công nhân tuổi mười tám đôi mươi phì phèo thuốc lá.

Con gi sau dam chay?
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường vụ hỏa hoạn.

Mới đầu năm ngoái, giữa lòng thủ đô mà người dân cưa phế liệu, bom nổ chết người, tan hoang cả một dãy phố! Ý thức không phải là cái gì phát cho mà được, trang bị cho mà được. Nó là chuyện trong tâm trí con người. Bởi vậy, người chết, người tàn tật, người trắng tay sau đám cháy, nhưng nỗi sợ cháy nổ và ý thức gìn giữ cho mình, cho xóm làng khu phố của mình vẫn chưa thấm, chưa thường trực tỉnh thức trong cộng đồng dân cư của mình.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả, thăm hỏi và có biện pháp hỗ trợ kịp thời những nạn nhân và thân nhân người bị nạn; đồng thời phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Đây có thể coi là một động thái kiên quyết của lãnh đạo nhà nước trước những thảm họa cháy nổ quá vô lối, phản ánh ý thức của người dân đối với an toàn xã hội còn quá sơ khai.

Có thể hình dung sau khi điều tra báo cáo, những nguyên nhân, những bài học cũng sẽ không mấy mới mẻ hay khác biệt gì so với những vụ cháy nhà chết người đã xảy ra trước đây, nhưng dù sao đi nữa, trước một vụ cháy, sự kiên quyết này cũng cho thấy có điều gì đó đang chuyển động từ cấp cao nhất của chính quyền… 

Hàn Xuyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI