Con gái cựu sếp Ngân hàng Đông Á ký tên mua hàng triệu cổ phần nhưng không biết?

04/12/2018 - 18:58

PNO - Bộ Công an đã làm rõ việc con gái ông Trần Phương Bình ký tên mua hàng triệu cổ phần tại Ngân hàng Đông Á, nhưng ông này nói rằng con gái ông hoàn toàn không hay biết.

Chiều 4/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử với phần xét hỏi bổ sung của đại diện VKSND TP.HCM đối với các bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á-DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", SN 1975, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 đồng phạm.

Cựu sếp DAB Trần Phương Bình nói rằng đã nhờ thuộc cấp là bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Hội sở DAB) và bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Hội sở DAB) thực hiện hỗ trợ kinh doanh vàng vào giờ khuya các ngày.

Liên quan đến những cổ phần đứng tên người thân, họ hàng tại DAB, ông Trần Phương Bình nói rằng giấu vợ con, không cho họ biết và không trao đổi, bàn bạc. Tuy nhiên, khi đại diện VKS xoáy vào việc bà Trần Phương Ngọc Thảo (con gái ông Bình) ký tên mua hàng triệu cổ phần DAB được cơ quan điều tra làm rõ trước đó thì ông Bình lại nêu lý do khiến nhiều người bất ngờ. Ông lý giải rằng nhân dịp con gái về Việt Nam đã nhờ con ký tên dùm và bà Thảo không biết việc ký đó là để mua cổ phần.

Con gai cuu sep Ngan hang Dong A ky ten mua hang trieu co phan nhung khong biet?Ông Trần Phương Bình và các đồng phạm tại tòa.

Ông Bình nói mình hoàn toàn giấu vợ con việc DAB thua lỗ, nợ xấu tràn lan. Khi vợ hỏi tại sao cần tiền, ông Bình mới thú nhận do thua lỗ nhiều nên phải đứng tên.

Trước đó, đại diện VKSND TP.HCM đã thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước xoay quanh việc tăng vốn điều lệ của DAB lên 6.000 tỷ đồng trong khi ngân hàng đang làm ăn thua lỗ.

Trả lời vấn đề này, ông Võ Văn Thuần - Phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN (TTGS NHNN) cho biết việc tăng vốn điều lệ của DAB căn cứ vào đại hội đồng thường niên biểu quyết. Từ đó ra nghị quyết giao cho HĐQT ra văn bản gửi NHNN chi nhánh TP.HCM.

Việc tăng vốn phải thực hiện đúng điều kiện được đặt ra. Sau đó, DAB báo cáo NHNN. NHNN kiểm tra, thấy đảm bảo tính tuân thủ thì mới đồng ý cho tăng.

Theo đại diện NHNN, năm 2013 DAB từng xin tăng vốn điều lệ nhưng không được chấp nhận do không đảm bảo được yêu cầu. Đến năm 2014, DAB tiếp tục xin tăng vốn điều lệ và lần tăng cuối cùng không thực hiện được nên NHNN không chuẩn y.

Sau khi đại diện NHNN thông tin những vấn đề trên, VKS đề nghị NHNN cung cấp biên bản kiểm tra việc DAB sau khi tăng vốn điều lệ. 

Trả lời HĐXX, ông Thuần cho biết để tăng vốn phải có nguồn vốn hợp lệ, hợp pháp, nguồn tiền minh bạch rõ ràng. Nguồn tiền phải do cá nhân, tổ chức nộp vào, nếu là tiền vay của chính DAB rồi dùng để tăng vốn thì không được chấp nhận. 

Ông Thuần trả lời đến đây thì chủ tọa nói rằng giai đoạn từ 2007 đến 2014, tất cả nguồn tiền nằm tại DAB là nộp khống.

HĐXX tiếp tục chất vấn ông Thuần về trách nhiệm kiểm tra, giám sát. “Với nghiệp vụ của NHNN, năm nào cũng kiểm tra mà lại không phát hiện ra việc tăng vốn bằng nguồn vốn không hợp pháp, không có thật. Vậy trách nhiệm của người thuộc NHNN và cơ quan TTGS NHNN trong việc kiểm tra thế nào?”, chủ tọa nghiêm giọng.

Đại diện NHNN nói rằng cơ quan này đã làm đúng, làm tròn trách nhiệm nhưng do thủ đoạn của ông Trần Phương Bình và đồng phạm rất tinh vi nên NHNN không thể phát hiện ra. Cũng theo đại diện NHNN, hành vi của các bị cáo phát sinh trong thời gian dài nhưng chỉ với nghiệp vụ chuyên môn thì rất khó phát hiện.

Trong vụ án này, Trần Phương Bình và các đồng phạm thực hiện chủ yếu 3 hành vi chính: Chỉ đạo thu khống nộp tiền vào tài khoản khống mua cổ phần; điều khống vốn vàng hoặc tiền mặt về chi nhánh không kiểm tra; hợp thức hóa bằng các hợp đồng tín dụng khống. Việc các bị cáo thực hiện các hành vi có tinh vi hay không tòa sẽ xem xét. Tòa cũng sẽ xem xét hành vi của đoàn TTGS NHNN. 

Phiên tòa kết thúc phần xét hỏi vào cuối giờ chiều 4/12. Tòa tạm nghỉ đến ngày 7/12 tiến hành luận tội.

Minh Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI