Con đường giữa biển thần kỳ ở Điệp Sơn

08/09/2020 - 08:07

PNO - Lâu nay, đảo Điệp Sơn ở Khánh Hoà vang danh khắp chốn bởi con đường thần kỳ xuyên qua biển cả. Thế mà một kẻ đi bụi nhiều như tôi lại chưa mục sở thị. Nhân dịp đến Phú Yên, một nơi rất gần Điệp Sơn, tôi quyết định sẽ đến nơi đây.

1. Từ Tuy Hoà, tuyến xe buýt của hãng Quyết Thắng chạy thẳng tới Vạn Ninh cách đó 60km. Từ Vạn Ninh, bắt tiếp xe ôm đi, chỉ khoảng 5-10 phút là tới cảng Vạn Giã. Tại đây, thuyền tàu tấp nập đưa khách vào đảo Điệp Sơn. Đó là cách thức để đến Điệp Sơn, thật dễ dàng.

Nhưng, đó là câu chuyện của những ngày trước dịch COVID-19. Còn hôm tôi đi, gọi điện thoại cho các chủ tàu canô, ai cũng thông báo, tàu chở khách không còn hoạt động. Nếu tôi muốn đi Điệp Sơn, buộc phải thuê riêng một chiếc canô. Nghe đã thấy nản lòng vì chi phí thuê ca nô từ 3-4 triệu đồng. Đã vậy, chủ homestay trên đảo cho hay không thể đón tiếp khách ngủ lại qua đêm. Đảo Điệp Sơn không có nhà nghỉ khách sạn, nên ở homestay với chủ nhà là phương án duy nhất.   

Bắt đầu hành trình theo tàu chở hàng ra đảo Điệp Sơn
Bắt đầu hành trình theo tàu chở hàng ra đảo Điệp Sơn

Hành trình ra đảo trở ngại khó khăn, tôi định bỏ cuộc. Thế nhưng, đâu đó trong tôi vẫn không bỏ cuộc. Cố gắng gọi, hỏi thêm nhiều người nữa, cuối cùng cũng có “ánh sáng cuối đường hầm”. Mỗi ngày có một chuyến tàu dân sinh chở hàng hoá và người dân từ đảo ra đất liền. Tàu sẽ trở về đảo vào lúc 8h sáng. Tôi có thể quá giang chuyến tàu này vào Điệp Sơn và trở ra đất liền vào sáng sớm hôm sau. Việc ngủ lại trên đảo, một ngư dân đồng ý cho tôi ở nhờ. “Nhà tui không có phòng ốc gì đâu, nếu ở lại phải ngủ ngoài trời, cô chịu được không? Ăn uống thì nhà tui ăn gì thì cô ăn nấy”. Dĩ nhiên, tôi vui mừng gật đầu.

Tàu cập bến ở đảo Điệp Sơn
Tàu cập bến ở đảo Điệp Sơn

Đến cảng Vạn Giã rồi, thấy chiếc tàu nằm đó rồi mà tôi vẫn chưa yên tâm. Chỉ đến khi được lên tàu, tàu nổ máy quay đầu vào đảo, tôi mới thực sự tin rằng mình sắp đến hòn đảo nổi tiếng này. Bởi niềm háo hức đó mà mùi hôi của dầu máy xen lẫn đủ thứ mùi vị của những hàng hoá trên tàu không làm tôi khó chịu chút nào.

Đảo Điệp Sơn

Đường đến đảo Điệp Sơn, tàu đi ngang qua những hòn đảo hoang sơ, cây cối xanh tươi. Cảnh vật khiến tôi liên tưởng đến hồ Titicaca ở Bolivia, nơi được mệnh danh là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới ở trên cao. Cũng mặt nước mênh mông phẳng lặng và lướt qua những hòn đảo đủ hình thù.

Cuộc sống dân dã ở Điệp Sơn
Cuộc sống dân dã ở Điệp Sơn

2. Sau 40 phút, tàu cũng cập bến. Người dân trong đảo xúm xít ra dỡ hàng, nhận hàng. Nào là thực phẩm, nào là nước đá… Anh chủ nhà tôi xin ở nhờ bảo cậu con trai xách xe máy đứng đón để chở tôi về. Ngôi làng trên đảo Điệp Sơn khá nhỏ, chỉ có khoảng hơn 80 nóc nhà của ngư dân, một trường tiểu học và một trạm xá mới xây xong một hai năm nay. Đầu làng là những tán cây xanh um mát mẻ, che bóng cho một quầy cafe nho nhỏ nhộn nhịp khách khứa. Có lẽ đây là nơi mọi người tập trung giải trí đây mà. Đảo Điệp Sơn vẫn chưa có điện, cả đảo dùng chung một máy phát điện. Mỗi ngày, điện chỉ phát đúng 3 tiếng, từ 6h đến 9h tối và chỉ để thắp sáng là chính.

Homestay trên đảo ( nhà của ngư dân)
 
Homestay trên đảo (nhà của ngư dân)
Homestay trên đảo (nhà của ngư dân)

Sau bữa trưa dân dã với món cá dò chiên dầm mắm tỏi ớt và canh cá dò nấu chua, tôi ngủ trưa ngon lành trên chiếc võng dựng trong sân, trong làn gió biển mát rượi. Chủ nhà cho hay, xế chiều thuỷ triều sẽ rút xuống. Khi đó, sẽ lộ ra những con đường nối liền ba hòn đảo ở Điệp Sơn. Nổi tiếng nhất là con đường giữa biển dài 700m, các con đường còn lại khoảng gần 200m. Biển xanh bao la rẽ làm đôi bởi một con đường cát trắng quanh co uốn lượn, thiên nhiên thật quá đỗi diệu kỳ. Khi thuỷ triều lên, con đường sẽ biến mất, nhường chỗ cho biển cả bao la. Vì sự kỳ diệu của con đường giữa biển mà Điệp Sơn những năm qua thu hút vô số khách đến tham quan.

Con đường giữa biển lấp lánh ở xa xa
Con đường giữa biển lấp lánh ở xa xa
Con đường giữa biển lấp lánh ở xa xa

Nghe nói, ở Hàn Quốc cũng có một con đường bộ giữa biển như thế, được gọi là con đường Moses, đặt tên theo phép lạ Mose tách đôi mặt biển để lộ đường đi trong Kinh Thánh. Tuy nhiên ở Hàn Quốc, mỗi năm người ta chỉ có thể chứng kiến con đường này hai lần. Còn ở Điệp Sơn, con đường đi bộ giữa biển xuất hiện và biến mất mỗi ngày, lúc sáng lúc chiều, tuỳ theo thuỷ triều xuống hay lên.       

Con đường giữa biển khi thuỷ triều rút hẳn
Con đường giữa biển khi thuỷ triều rút hẳn

3h chiều, tôi đi bộ ra biển, đi tìm con đường nổi tiếng và khám phá quần đảo. Bắt đầu từ hòn đảo lớn nhất nơi tôi ở, tôi theo con đường vừa hiện ra sau khi thuỷ triều rút để qua các hòn đảo nhỏ. Mới cách đó vài tiếng đồng hồ, ở đây nước biển mênh mông không thấy đâu là bờ bến. Giờ đây, nơi này chẳng khác gì những cánh đồng trên cạn, mọi người xúm xít đi nhặt ốc. Nổi bật nhất  giữa cánh đồng, là con đường được cát biển và gió bồi đắp nên.

Thật đáng tiếc, cách đây ba năm, một trận bão lũ kinh hoàng đã làm biến mất con đường giữa biển dài nhất ở đảo Điệp Sơn hơn 700m. Khi tôi đến đây, con đường này mới được tái tạo một phần và chờ thiên nhiên bồi đắp tiếp tục. Biết làm sao. Tạo ra con đường là thiên nhiên, làm nó biến mất cũng là thiên nhiên và hồi sinh nó, cũng là thiên nhiên. Thế mới hay, thiên nhiên có sức mạnh đến thế nào. Cũng may, Điệp Sơn hiện vẫn còn hai con đường giữa biển, tuy ngắn hơn nhưng hình dáng rất đẹp và vẹn nguyên.            

Đi nhặt ốc khi thuỷ triểu rút

Những ngày tôi ở Điệp Sơn, không phải là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng những con đường giữa biển do trời mưa bão, thời tiết âm u nên vẻ đẹp của con đường giữa biển cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên điều đó có hề gì. Chẳng phải tôi có một chuyến đi thành công khi không đầu hàng những trở ngại đó sao? Khám phá thiên nhiên huyền bí và trải nghiệm cuộc sống dân dã với người dân vô cùng hiếu khách trong những ngày Điệp Sơn không bóng dáng du khách, cũng đã là quá đủ thú vị cho một chuyến đi.

Bài và ảnh: Nguyễn Tú

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI