Con dâu lười biếng, cứ đùn đẩy việc nhà cho con trai tôi

17/03/2023 - 09:00

PNO - Trong lúc này, chị cần một giải pháp trung gian để không đặt gánh nặng lên bất kỳ ai, tạo không khí nhẹ nhàng trong gia đình, giúp mọi người hiểu nhau, vui vẻ với nhau.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Vợ chồng tôi chỉ có một con trai, con tôi lập gia đình muộn nên khi có dâu, tôi rất quý con dâu. Vậy mà chỉ một tháng sau khi cưới dâu về là tôi thất vọng hoàn toàn. Bạn bè thường nhận xét rằng từ lúc vợ chồng con trai về ở chung nhà, tôi mới là người làm dâu.

Mà đúng vậy thật. Con dâu tôi đi làm suốt ngày, trưa không về nhà, tối lại hay rủ chồng đi ăn nhà hàng, về đến nhà đã khuya. Vợ chồng tôi đều đã vào tuổi khó ngủ, 2 đứa về làm ồn ào, không ai nghỉ ngơi gì được.

Tôi biết lớp trẻ bây giờ khác mình nhưng khác gì thì khác, phụ nữ cầm cái chổi quét nhà, rửa cái chén khi ăn xong là chuyện bình thường, vậy mà lúc nào tôi kêu con dâu làm, nó đều phân công ngược lại cho chồng. Nhìn con trai đứng rửa chén, tôi không đành lòng lại phải nhào vô làm.

Chuyện giặt giũ, phơi, ủi quần áo, dọn giường, lau bàn ghế…, cô ta đều phân chia rạch ròi. Khi tôi làm đỡ cho con trai, con dâu trốn biệt vào phòng riêng chứ không bao giờ phụ tôi. Vài lần tôi góp ý xa xôi, rồi gọi thẳng tên chia thẳng việc, cô ta không những không thay đổi mà còn thuê người về làm, viện cớ bận việc công ty.

Từ đó, con dâu tôi tỏ rõ thái độ trốn việc: ra khỏi nhà từ sáng sớm, tối mới về, về đến nhà là vào phòng đóng cửa, Chủ nhật thì về nhà ngoại. Cô ta đi làm hay đi đâu tôi không rõ nhưng ít khi mó tay vào việc nhà. Tôi muốn nói chuyện hay góp ý cũng không lúc nào nói được. Tôi góp ý với con trai nhưng không ăn thua.

Căng thẳng thì mệt người, tôi đành mặc kệ nhưng sợ lâu dần, người trong nhà khó chịu với nhau, lỡ mai kia sức khỏe mình giảm sút không làm được việc rồi ra sao.

Con trai tôi đang có kế hoạch mua nhà. 2 đứa chưa đủ tiền. Tôi không muốn giúp bởi vợ lười như vậy, nếu ra ở riêng thì hoặc bắt chồng làm việc nhà hoặc mặc kệ nhà cửa. Tôi muốn nói con dâu hãy chứng minh cho tôi thấy cô ta có thể quán xuyến việc nhà, tôi sẽ cho tiền thêm mà mua nhà nhưng rồi ngại tiếng mẹ chồng khắt khe, chẳng biết nói cách nào cho êm đẹp mà khiến con dâu suy nghĩ lại… 

Bích Phượng (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Chị Bích Phượng thân mến, 

Thông thường, khi “nhà bao việc”, chỉ có mình tìm cách giảm bớt việc, chứ kỳ vọng có người tự nguyện chia sẻ việc nhà với mình là rất khó, dù đó là con dâu hay con ruột. Đây là chỗ rất khó dung hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Cô dâu mới về nhà chồng ít nhiều đều chịu nhiều áp lực. Một thời gian nữa, con dâu chị có thể sẽ quen và chia sẻ được. Trong lúc này, chị cần một giải pháp trung gian để không đặt gánh nặng lên bất kỳ ai, tạo không khí nhẹ nhàng trong gia đình, giúp mọi người hiểu nhau, vui vẻ với nhau.

Chuyện con dâu chị tìm người giúp việc nhà theo giờ hoặc dài hạn là có thể chấp nhận. Chị cũng nên chấp nhận vì mình ngày càng lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo; nhà lại thêm người, việc nhà nhiều lên nên phải có thêm nhân lực.

Nhiều chị cứ nghĩ: việc nhà có gì đâu mà phải tốn tiền thuê người, chỉ cần một loáng là xong. Vậy nhưng cái “một loáng” ấy là thế đứng nhón chân, không bền. Mặt khác, anh chị nên dành thời gian để sống vui, mai kia còn bồng cháu. Muốn rõ ràng trách nhiệm, chị cứ để vợ chồng con trai lo tiền lương cho người phụ giúp việc nhà. 

Về chuyện 2 con muốn mua nhà, anh chị cứ mạnh dạn gật đầu cho cặp vợ chồng trẻ ra riêng. Cuộc sống của chúng, cứ để chúng thu xếp. Chỉ có vợ chồng với nhau, phân công thế nào hợp lý là chuyện của chúng. Có ở riêng, con cái mình mới hiểu việc nhà, mới hiểu công sức của cha mẹ, mới trưởng thành được.

Anh chị chắc cũng lo mình tuổi già không có con cháu sống bên cạnh. Tuy nhiên, mong muốn sống chung để chăm lo cha mẹ phải xuất phát từ tình cảm, hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các con chứ không chỉ từ sự thu xếp của cha mẹ.

Khi cặp vợ chồng trẻ hiểu được trách nhiệm của mình, họ sẽ trở về bên anh chị. Nếu ở xa mà thương yêu, muốn đỡ đần cha mẹ vẫn có nhiều cách, còn hơn ở cạnh bên mà hờ hững.

Chị đừng nói gì vội về việc phụ giúp tiền bạc, đưa điều kiện này kia. Cứ để các con tự bàn bạc với nhau, khi nào chúng chính thức hỏi xin hay vay mượn, lúc đó chị sẽ trả lời. 

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Trần Hòa (Quận Tân Phú, TPHCM): Hãy ủng hộ các con

Đọc thư chị, tôi hình dung chị đang sống trong một căn nhà buồn tẻ. Tôi tin rằng ai cũng cần thay đổi góc nhìn thì cuộc sống mới dễ dàng hơn.

Tôi cũng làm dâu. Tôi luôn muốn mẹ chồng mình vui sống tận hưởng thay vì ghì chặt cái bếp và đủ chuyện lớn nhỏ trong nhà. Tôi cũng như con dâu chị: bận rộn và yêu cuộc sống tự do. Những ràng buộc chỉ làm cho mối quan hệ mẹ con thêm nặng nề.

Ngày đó, tôi đã nói thẳng với mẹ chồng rằng tôi không làm việc nhà bởi công việc cơ quan đã chiếm hết thời gian. Khoảng thời gian ít ỏi còn lại, tôi dành để nghỉ ngơi, thư giãn và tìm kiếm tài liệu phục vụ cho công việc. Tôi bày tỏ rằng tôi muốn không khí yêu thương và không tin sự có mặt của mình khiến mẹ mất vui. Tôi mong mẹ hãy vui như chưa từng có tôi.

Phần việc nào tôi giúp được thì giúp; phần nào không được thì tôi sẽ thuê người giúp việc theo giờ. Nếu sau này có con, tôi sẽ tự sắp xếp cuộc sống của mình. Tôi dắt mẹ chồng đi mát xa, đi uống cà phê, đi ăn lẩu băng chuyền, đi tập yoga… Mẹ con tôi đều rất vui.

Chị nên ủng hộ các con vui sống và làm việc. Hãy mở lòng và trao đi tình thương, chị sẽ nhận được nhiều hơn. 

Phương Trần (Quận Phú Nhuận, TPHCM): Nên phân công thẳng thắn

Mẹ chồng tôi khó khăn vô cùng. Khi về làm dâu, tôi tưởng như mình đột ngột bước sang một trang đời mới. Giai đoạn đó, tôi phải uống thuốc trầm cảm. Giờ đây, khi nghe ai nhắc đến cụm từ “mẹ chồng - nàng dâu”, tôi cảm thấy thực sự sợ hãi.

Tôi chưa hiểu hết về gia đình chị, nhưng có cảm giác dường như chị kỳ vọng quá nhiều ở con dâu. Có thể chị quên rằng người trẻ bây giờ không như người trẻ của vài chục năm trước.

Tôi chuẩn bị có dâu. Tôi đã trao đổi thẳng thắn với 2 con về việc nhà và chi phí sinh hoạt hằng tháng: con có trách nhiệm gì, đóng góp bao nhiêu…? Cả nhà sẽ đi ăn bên ngoài mỗi tháng 1 lần. Việc ăn uống mỗi ngày tùy ý các con, chỉ cần báo trước giờ cơm 1,5 tiếng. Tôi tin mọi thứ sẽ ổn.

Gia đình chị cũng nên thẳng thắn và rõ ràng với nhau, thậm chí có thể lập bảng phân công trách nhiệm của từng thành viên.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI