Có một Hội An buồn

04/12/2021 - 07:10

PNO - Trước khi rời khách sạn, tôi thử hỏi lễ tân xem chợ đêm đông không. Cô bé nhanh nhảu: “Tối ni đông đó chị”. Nào ngờ chợ vắng đến mức tôi lọt thỏm giữa phố, tìm mãi trên đường mới có vài du khách.

Chợ đêm đóng cửa trước 9g

Với những địa danh du lịch khác, tôi luôn lên kế hoạch du lịch chỉn chu trước khi đi nhưng với Hội An thì ngược lại - những chuyến ghé qua phố cổ của tôi thường là tranh thủ cắt xén thời gian của những chuyến công tác ở Đà Nẵng hay tỉnh, thành nào gần đó. Tôi không ở Hội An lâu không phải vì không thích nơi này mà ngược lại, tôi thích phố cổ, thích đến mức tôi chỉ muốn đến đó một mình, muốn tận hưởng thật chậm từng khoảng thời gian khi ở đó và muốn giữ lại cảm giác lần tới sẽ khám phá thêm một điểm mới của phố cổ chứ không tham lam đi cho bằng hết chỉ trong một lần.

 

Dù chợ đêm gần như chỉ còn hoạt động vào các tối cuối tuần nhưng lượng du khách vẫn thưa thớt
Dù chợ đêm gần như chỉ còn hoạt động vào các tối cuối tuần nhưng lượng du khách vẫn thưa thớt

Trở lại Hội An sau đợt dịch COVID-19 thứ tư, tôi đã chuẩn bị tâm thế thấy Hội An vắng khách. Thế nhưng, câu xác nhận “Tối ni đông đó chị” của cô bé lễ tân khách sạn khiến tôi nghĩ điểm đến yêu thích của mình đã và đang hồi sinh. Vậy mà, hơn nửa giờ đi bộ, bắt đầu từ chợ Hội An đến khu vực bến du thuyền, tôi chỉ thấy những người bán hàng uể oải bên xe bán đồ lưu niệm, những chiếc du thuyền im lìm nằm nối dài trên mặt nước, những con phố hun hút không một bóng người, là 8/10 quán cà phê hay nhà hàng treo bảng đóng cửa…

Trong cái se lạnh của những đợt gió thổi lên từ sông Hoài, phố cổ tĩnh lặng đến mức nếu không có những ánh đèn hắt ra từ cửa sổ trên cao, tôi tưởng như mình đang lạc vào một thành phố chết.

 

Hội An hoàn toàn vắng lặng
Hội An hoàn toàn vắng lặng

Thèm hơi người, thèm nghe tiếng nói cười và hy vọng chợ đêm Hội An có thể khác, tôi bước qua cầu, vào khu vực chợ và sững lại. Chợ không một bóng du khách và dù mới chỉ hơn 8g tối, người bán đã thu dọn hàng hóa. Chỉ khi tôi lên tiếng hỏi giá một món hàng, người bán mới tạm dừng tay. Mức giá chào bán mềm đến mức tôi không nỡ trả giá. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, chị chủ sạp hàng tâm sự: “Cả năm nay, chị dọn ra rồi dọn vô. Không bán được món hàng nào, để hoài cũng hư, em mua đi, chị lấy giá vốn để có tiền đi chợ”. 

Lượng du khách chủ yếu của phố cổ Hội An là khách nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, phố cổ gần như không có khách. Năm 2020, nhiều người còn cố cầm cự. Thế nhưng, sau tết 2021, đến 90% cửa hàng lưu niệm của phố cổ đóng cửa, trả mặt bằng. “Hiện giờ, những người sống dựa vào phố cổ, chợ đêm, chỉ bán vào những ngày cuối tuần để kiếm tiền túc tắc đi chợ. Chị M.M. bán đồ lưu niệm ở phố cổ đã gần mười năm. Những năm trước, thu nhập rất tốt nhưng gần hai năm qua, nhất là các tháng gần đây, việc buôn bán rất chậm. Thay vì dọn hàng bán các tối trong tuần, chị chỉ bán vào các tối cuối tuần, nhưng không phải lúc nào cũng có khách.

Hôm đó, chị T.Lan bán chè đêm ở phố cổ gần 20 năm may mắn hơn. Khi chị đang lo lắng về những chén chè còn lại trong nồi thì có một nhóm học sinh tấp vào. “Ngày trước, mỗi ngày, chị bán cả chục nồi chè, mỗi nồi tầm 10kg nhưng gần đây, chị chỉ dám nấu mỗi loại vài ký. Nếu nghỉ thì không có tiền đi chợ nên chị cố bán các tối cuối tuần. Không biết đến khi nào Hội An mới đông khách trở lại, chứ buôn bán kiểu ăn hôm nay lo ngày mai, thật bất an” - chị Lan nói, không giấu tiếng thở dài.

Nhiều cửa hàng đóng cửa nên phố cổ không sáng đèn hay nhộn nhịp
Nhiều cửa hàng đóng cửa nên phố cổ không sáng đèn hay nhộn nhịp

9g tối, tôi tạt vào quán nước ngay bến du thuyền, gọi một ly nước rồi nhìn về hướng chợ đêm. Những người bán đang đẩy xe hàng qua cầu để về nhà. Nhiều người, nhiều xe nhưng không ai nói gì, chỉ có tiếng bánh xe lăn trên đường hòa trong tiếng gió, tiếng còi xe xa xa, rồi tất cả chìm trong tĩnh lặng; chỉ còn tôi cùng vài bạn trẻ địa phương uống nước và thả nỗi buồn theo gió, theo tiếng nước lao xao.

Tình người trong tô cao lầu

Đến đâu tôi cũng thích dậy sớm ra chợ, cảm nhận không khí ngôi chợ, tìm hiểu sản vật địa phương, mua đặc sản về làm quà và thưởng thức món ngon trong khu lồng chợ. 

 

Những chiếc thuyền xếp hàng dài ở bến
Những chiếc thuyền xếp hàng dài ở bến

Tôi đến Hội An lần nào cũng ghé ngôi chợ cùng tên. Tôi ghé để ngắm những núi củ nén trắng ngà ở dãy hàng nông sản; những trái vả to tròn, tươi xanh ăn sống cũng ngon mà hầm thịt càng ngọt; những bó rau thơm be bé nhưng đậm mùi tinh dầu từ làng rau Trà Quế; những loại cá biển với hình dáng và tên gọi rất lạ... Trong không khí se lạnh của sáng sớm, tiếng cười, tiếng người bán kẻ mua rộn ràng khiến tôi như được trở về những ngày thơ ấu cùng mẹ ra chợ thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng mới mẻ. 

Sự nhộn nhịp của các quầy hàng khiến tôi ngỡ ngôi chợ không bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Song, không khí tĩnh lặng ở khu vực hàng ăn uống cho tôi biết mình nhầm. Những chiếc tủ kính vẫn sáng choang in rõ những khối thịt xá xíu đỏ au, rổ tôm hấp bắt mắt, xâu thịt nướng thơm ngon... nhưng nếu trước kia, khu vực này từ 6g sáng đã nhộn nhịp thì nay chỉ có người bán ngồi bên tủ kính thở dài thườn thượt. Chợ vắng đến mức nếu dừng chân ở bất kỳ gian hàng nào, tôi cũng có thể trở thành “người mở hàng”. 

Một tiếng sau, tay xách nách mang từ hũ mắm cá nục đến chục bánh gai, vài phong bánh đậu xanh, tôi quay lại rồi thở phào khi phát hiện một vị khách đang dùng bữa sáng nên mạnh chân tạt vào, gọi một phần cao lầu. 

Ở miền Trung, đi đến đâu du khách cũng có thể thưởng thức mì Quảng, cơm gà, bánh bột lọc, bún chả cá... nhưng cao lầu thì chỉ Hội An mới có. Tương truyền, vào thế kỷ XVII, khi chúa Nguyễn cho phép giao thương buôn bán ở cảng Hội An, người Hoa, người Nhật đến đây làm ăn, buôn bán và sinh sống. Sự kết hợp của nhiều nền văn hóa ẩm thực đã mang đến cho vùng đất này một món ăn đặc sắc: cao lầu. 

 

Món cao lầu ngon nhất chỉ khi được chế biến tại Hội An
Món cao lầu ngon nhất chỉ khi được chế biến tại Hội An

Ban đầu, cao lầu là món ăn dành cho vua chúa, sau đó dần bình dân hóa và đến nay, bạn có thể tìm thấy các quán, xe bán cao lầu ở khắp các đường lớn, hẻm nhỏ tại Hội An. Mì Quảng hay cơm gà có thể đi đâu vẫn giữ nguyên hương vị, còn cao lầu lại khác. Rất nhiều gia đình mang công thức gia truyền của món cao lầu đến nơi khác với mong ước lập nghiệp bằng món đặc sản quê nhà đều không thể nấu ra đúng hương vị món ăn. Sau rất nhiều thử nghiệm, người ta quy kết nguyên nhân của sự thất bại ấy là do thiếu thứ nước lấy từ giếng cổ Bá Lễ, rằng chỉ có độ phèn ở giếng nước này khi pha vào bột mới làm cho bột cao lầu dẻo và chắc, đều. Dù vậy, giới sành ăn vẫn thường truyền tai rằng đặc sản của vùng nào phải ăn ở vùng đó, nếu mang đi xứ khác, dù làm đúng công thức, đúng tỷ lệ, món ăn vẫn khó giữ đúng hương vị. 

Ăn kèm cao lầu là đĩa rau bé xinh nhưng có đến 12 loại rau: thơm, quế, cải cúc, rau đắng, ngò, giá, xà lách, diếp cá, cải non, bắp chuối, dưa leo, khế chua. Một đũa cao lầu với các nguyên liệu được áo đều gia vị kết hợp cùng độ tươi, tinh dầu của các loại rau thơm vừa ấm lòng vừa chắc dạ. 

Khi tôi đang nhấm nháp mỹ vị của phố cổ, một vị khách lớn tuổi tạt vào quầy hàng, nói gì đó rồi tôi nghe cô bán hàng bảo: “Chú cứ ngồi xuống đi, con bán cho”. Thì ra người đàn ông ấy chỉ có 10.000 đồng nhưng một phần cao lầu lại hơn 20.000 đồng. Chú sợ không có tiền trả, lí nhí hỏi có thể bán cho chú một tô với số tiền đó. Chị P., chủ quán, bảo chú tự nhiên ngồi vào bàn rồi làm một tô cao lầu đầy ắp chẳng kém tô của tôi. 

Tôi ngỏ ý sẽ trả luôn tiền tô cao lầu cho người khách lớn tuổi ấy, chị bán hàng kiên quyết không nhận. Chị bảo: “Không đáng bao nhiêu, chị lo được”. Nụ cười của chị tan vào không gian tĩnh lặng như một làn gió nhẹ xua tan không khí ảm đạm. 

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI