Cô giáo Thanh và biệt danh người đàn bà… chạy

06/01/2021 - 15:33

PNO - Người làng Tak Pu, Long Riêu, Long Túc (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nhớ mãi hình ảnh cô giáo Thanh lặn lội vượt suối, vượt đồi để đến với những mảnh đời bất hạnh. Nhờ cô, con cháu họ được học cái chữ đàng hoàng…

“Cái bang” của làng

Trong lần cùng đoàn thiện nguyện lên huyện Nam Trà My cứu trợ sau bão lũ, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh một cô giáo người thấp đậm, chạy ngược xuôi hỏi từng người đã nhận được quà chưa, và dùng tiền hỗ trợ đó thế nào cho hợp lý? Đó là cô giáo Lê Thị Hồng Thanh (41 tuổi), người dân ở đây thường vui miệng gọi là người đàn bà… “chạy”.

Chạy lên từng nóc, từng bản để đưa học sinh tới trường; chạy từng hộp sữa, đôi dép, cái áo ấm khi gió đông lùa tứ phía; chạy về dưới xuôi tìm nhà hảo tâm xin từng đồng kinh phí xây trường, làm nơi ăn ở, học hành cho học sinh… Người đàn bà đó, đôi chân chưa bao giờ biết mỏi.

Năm 2012, cô giáo Lê Thị Hồng Thanh được phân công về làm công tác quản lý tại Trường mẫu giáo Trà Nam (xã Trà Nam) khi còn rất trẻ. Trà Nam, xã xa nhất của huyện Nam Trà My, là một trong những xã nghèo nhất Quảng Nam, với 98% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cái khó bủa vây họ.

“Lần đầu tiên lên nóc để vận động học sinh tới lớp, mình bắt gặp bốn đứa nhỏ đang ngồi quanh một nồi cơm trắng. Cạnh đó là bát muối giã với ớt xanh, cũng là thức ăn duy nhất của các em. Xót một phần, nhưng sốc thì mười phần. Chẳng thể tưởng tượng nổi, sống ở thời này mà vẫn phải ăn cơm với muối thì thương các em quá” - cô giáo Thanh hồi tưởng. Và, công cuộc thiện nguyện của cô bắt đầu từ đó.

Trường mẫu giáo Trà Nam có một điểm trường chính và chín điểm trường lẻ cách xa nhau tại các điểm thôn, nóc. Những điểm trường lẻ này được dựng vội trên nền đất nhão nhoét bằng cây rừng, tre, vách nứa… Nhiều nơi, phòng học chỉ vỏn vẹn chín mét vuông, vừa đủ kê ba dãy bàn ghế. Trẻ em đến lớp áo quần không đủ ấm, không dép, không mũ, không đồ dùng học tập…

“Ở điểm trường Tak Ta - Mang Liệt có ngôi nhà được dựng bằng mấy tấm phên, làm nơi che chắn mưa gió cho những học sinh nhà xa ở lại. Đến mùa đông, gió lùa tứ phía. Có đêm, cô trò ôm nhau khóc vì quá lạnh, không thể ngủ được” - cô giáo Thanh kể.

Đó cũng chính là động lực để Thanh ngược xuôi tìm nguồn lực xây trường mới cho học sinh. Cùng với chính quyền địa phương, huy động các nguồn lực từ xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm trong cả nước để tìm kinh phí xây dựng. Cứ thế, điểm trường đầu tiên là Tak Ta - Mang Liệt được kiên cố hóa vào năm 2013. Đến nay, 100% điểm trường đã được xây dựng chắc chắn.

Xin được kinh phí đã khó, nhưng để xây dựng được các điểm trường lại là một câu chuyện khác. Muốn đến được các điểm trường, phải vượt núi ít nhất từ 30 phút đến hai tiếng đồng hồ đi bộ. Vì vậy, để vận chuyển vật liệu xây dựng lên tới đây là cả một vấn đề.

“Tính ra, tiền công vận chuyển và vật liệu xây dựng còn đắt gấp hai ba lần, vì phải gùi từng viên gạch, từng bao xi măng đến nơi xây trường. Mình bèn nhờ bà con cùng góp sức, người cõng gạch, người cõng tôn, xi măng… lên tận nơi. Nhờ vậy mà giảm được rất nhiều chi phí. Cũng may, bà con ở đây đồng lòng giúp sức, đóng góp cả ngàn ngày công” - cô giáo Thanh kể.

Song song với việc xây trường, là cải thiện bữa ăn cho các em học sinh.

Cô Thanh kể: “Mỗi học sinh dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ bán trú là 120.000 đồng/tháng/học sinh. 120.000 đồng chia cho 22 bữa ăn, thì trung bình cơm trưa cho các em chỉ hơn 5.000 đồng/suất. Bữa cơm chỉ có mì tôm, cơm với rau, rất thương. Tụi mình đã tìm cách kết nối với các bạn bè, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm khẩu phần ăn cho các em. Đến nay, 100% các điểm trường đều có được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng”.

“Đưa chữ lên non” - một trong những hoạt động do cô Thanh (giữa) vận động
“Đưa chữ lên non” - một trong những hoạt động do cô Thanh (giữa) vận động

Đối với những làng ở xa điểm trường như Tak Ta, Mang Liệt, Tu Ron, Man Dí, cô Thanh cùng các giáo viên khác đến từng nhà vận động phụ huynh ở lại trường chăm trẻ, và kêu gọi các hội từ thiện nuôi luôn cả phụ huynh. Bà Lê Thị Zem (sinh năm 1952, thôn 4 Tak Ta) cho biết, bà ở điểm trường Tak Ta - Mang Liệt đã được ba năm để nuôi hai đứa cháu đang học tại đây.

“Đứa lớn đang học tiểu học còn đứa nhỏ học mẫu giáo. Mình không đi rẫy được nữa thì lên đây trông cháu, rồi phụ các cô nhặt rau, nấu nướng. Cơm ở đây đầy đủ lắm” - bà Zem nói. Trên lưng bà Zem đang cõng một đứa cháu chưa đến tuổi đi học, mà như bà nói, rồi cũng sẽ vào đây để ở. Như thế, bà vẫn sẽ còn ở đây dài dài.

Cô giáo “cấp cứu”

Chưa có một ngày cuối tuần nào cô giáo Thanh được ở nhà nghỉ ngơi. Cô lặn lội lên từng nóc, tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật rồi tìm cách chia sẻ với họ. Rất nhiều người được cô giúp đỡ, vẫn trìu mến gọi cô là người con của làng.

Trong gần 20 năm làm việc tại huyện Nam Trà My, cô đã kết nối với các hội từ thiện, nhà hảo tâm để hỗ trợ cho bà con nơi đây từ dụng cụ lao động để chăm lo sản xuất, thực phẩm, đồ dùng, hạt giống… cho đến từng cái thau giặt đồ, xà phòng, chiếu, máy suốt lúa, bao đựng lúa… 

Ngay cả khi chuyển về xã Trà Mai (2019), nhận công tác ở Trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Tắk Pỏ), thì Thanh cũng cứ ngược xuôi không ngơi nghỉ. Ở đâu có khó khăn, là ở đó có Thanh. Tên gọi “Cô giáo cấp cứu” cũng xuất phát từ đó, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thanh nhớ lại trường hợp em Hồ Thị Yến Nhi (sinh năm 2011) ở nóc Mang Lanh (xã Trà Nam) mồ côi cha mẹ. Em bị gãy chân phức tạp, nhưng do ông bà nội già yếu, gia đình lại không có tiền đưa bé đi bệnh viện, bèn chữa trị bằng cách… lấy da khỉ đốt đắp trên da gây nhiễm trùng, đau đớn ròng rã suốt 12 ngày. Cho đến khi cô giáo Thanh phát hiện, vận động dân làng cõng em xuống đường, đưa em đi điều trị, đồng thời kêu gọi các anh chị em từ thiện hỗ trợ kinh phí giúp em chữa bệnh. Số tiền còn dư, Thanh làm sổ tiết kiệm trị giá 45 triệu đồng giúp em tiếp tục học tập.

Hay trường hợp của anh Hồ Văn Hốc (nóc Tak Pu, xã Trà Nam) bị bỏng nặng vùng mặt, nhưng không có tiền đi bệnh viện vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (vợ bỏ đi để lại con gái chưa đầy một tuổi cho anh và mẹ già chăm sóc). Thanh cũng kết nối với các nhà hảo tâm vừa chữa trị cho anh, vừa làm được ngôi nhà và sổ tiết kiệm 100 triệu đồng để giúp gia đình anh vượt qua biến cố.

Từ lời kêu gọi, huy động của cô giáo Lê Thị Hồng Thanh, các điểm trường ở xã Trà Nam đã được xây kiên cố, khang trang. Sức khỏe của các em học sinh ở đây cũng được chăm sóc tốt hơn
Từ lời kêu gọi, huy động của cô giáo Lê Thị Hồng Thanh, các điểm trường ở xã Trà Nam đã được xây kiên cố, khang trang. Sức khỏe của các em học sinh ở đây cũng được chăm sóc tốt hơn

Đặc biệt là em Hồ Văn Gương (nóc Long Riêu, xã Trà Nam) bị tổn thương cột sống nặng, nhưng không có tiền chữa trị, đành bỏ học giữa chừng suốt sáu năm trời. Hay tin, Thanh một mình vượt núi, đi bộ hơn một tiếng rưỡi đến tận nhà vận động gia đình đưa em đi chữa bệnh. Đến nay, em đã khỏi bệnh.

Không chỉ thế, ngôi nhà em đang ở cũng được sửa lại khang trang hơn, gia đình em được cải thiện cuộc sống với một sổ tiết kiệm 140 triệu đồng, một con bò, hai con dê, 100 gốc sâm. Riêng bản thân em đã thực hiện được ước mơ đến trường còn dang dở.

Những việc tốt Thanh làm, chẳng hề tư lợi, mà chỉ để thấy mình có ích. Dĩ nhiên, thị phi cũng là điều không thể tránh, cũng có lúc Thanh nản lòng, muốn buông bỏ. Nhưng rồi, ngày ngày vẫn chứng kiến những mảnh đời cơ cực, cô không đành lòng, lại tiếp tục công việc thiện nguyện của mình. 

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI