Có con gái quý như bình rượu mơ!

20/03/2020 - 07:50

PNO - Rượu mơ với rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể nên từ lâu đã được phổ biến trên nhiều vùng miền, không riêng vùng cao Tây Bắc.

Mơ – một loại quả  đặc trưng của miền núi Tây Bắc – một loại trái nhỏ nhưng lại chứa nhiều vitamin và các thành phần dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe. 

Rượu mơ ngâm - một thức uống quý giá trong nắng nóng.
Rượu mơ ngâm - một thức uống quý giá trong mùa nắng nóng.

Quả mơ chua, vị gắt nên thường không được ăn trực tiếp mà chỉ được tận dụng làm ô mai, ngâm rượu hoặc ướp đường cho ra thứ nước giải khát chua ngọt rất thơm ngon.

Mơ đầu mùa chín vàng ươm đẹp mắt.
Mơ đầu mùa chín vàng ươm đẹp mắt.

Rượu mơ với rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể nên từ lâu đã được phổ biến trên nhiều vùng miền, không riêng vùng cao Tây Bắc.

Người Nhật cũng có loại rượu mơ xanh rất nổi tiếng, vốn là “bí kíp” làm đẹp của phụ nữ, nhờ vào đặc tính chống oxy hóa tự nhiên, làm sáng mắt, da dẻ mịn màng.

Rượu mơ ngâm sau một năm cho ra màu nâu rất đẹp.
Rượu mơ ngâm sau một năm cho ra màu nâu rất đẹp.

Rượu mơ còn có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, chống khô môi, trừ ho, tiêu đờm, chữa viêm họng, cảm nắng, đau bụng, nôn mửa, phong thấp, đau khớp xương… Trong thịt quả mơ chứa một lượng lớn protein, các chất khoáng như canxi, photpho, sắt và vitamin B15 tác dụng chống lão hóa tế bào, ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch.

Với nhiều công dụng hữu hiệu như nói trên, dễ hiểu trong dân gian tại sao lại có câu nói “Có con gái quý như bình rượu mơ”. Nhiều người xem rượu mơ như một “của báu” trong nhà, vì nó giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật. Có một bình rượu mơ như có một cô con gái trong nhà, giúp được bao việc. Hơn nữa, cách mà người ta nâng niu từng quả mơ đẹp đẽ để cho ra hũ rượu mơ chất lượng cũng phần nào nói lên giá trị của thứ thức uống ngon lành này.

Mùa mơ thường bắt đầu vào tháng 3 hàng năm.
Mùa mơ thường bắt đầu vào tháng 3 hàng năm.

Mùa mơ thường bắt đầu tầm tháng 3 hàng năm. Khoảng thời gian này rất lý tưởng cho việc ngâm mơ. Mơ đầu mùa trái đẹp, căng mẩy, to tròn và khi chín màu vàng ươm rất đẹp. Chị em nếu đi chợ bắt gặp mẹt mơ ngon thì đừng quên mua về ngâm cho gia đình một bình rượu mơ để dùng dần nhé.

Nguyên liệu
3kg mơ chín (hoặc mơ xanh cũng được)

3kg đường phèn loại viên đá lớn hoặc đường cát.

5,4 lít rượu gạo ngon, nồng độ cồn từ 35 đến 38 độ là phù hợp nhất

Bình ngâm rượu chọn bình thủy tinh hoặc chum, vại, sành sứ có nắp đậy kín.

Cách ngâm mơ

Mơ chọn trái to đều nhau, chín vàng đều, không dập, không úng. Dùng tăm nhọn nhẹ nhàng khảy phần núm nhỏ của quả mơ, rửa sạch ngâm nước muối loãng 1 giờ. Sau đó vớt mơ ra, rửa lại lần nữa, để thật ráo. Kỹ hơn bạn có thể dùng khăn thấm khô từng quả. Hoặc nếu có nắng thì bạn chịu khó mang mơ phơi nắng khoảng 2 giờ, việc này giúp mơ giảm vị chua và có mùi thơm giống ô mai.

Xếp 1 lớp mơ, 1 lớp đường vào bình cho đến hết. Nhẹ nhàng châm rượu cho ngập phần mơ đường. Dùng vật nặng chèn kín phần cổ bình, đè mơ xuống không cho trồi lên, gài kín nắp.

Nếu không thích ngâm rượu, ta chỉ cần ngâm mơ với đường và ít muối.
Nếu không thích ngâm rượu, ta chỉ cần ngâm mơ với đường và ít muối.

Rượu gạo ngon sau khi ngâm sẽ giảm nồng độ cồn xuống còn khoảng 14 độ, phù hợp cho cả người già và phụ nữ.

Nếu không thích ngâm với rượu, bạn vẫn có thể chỉ cần ngâm mơ với đường, tỉ lệ giống như trên, thêm khoảng 2 muỗng canh muối để dằn vị chua của chất men tự nhiên.

Mơ ngâm sau một năm mang ra dùng là ngon nhất.
Mơ ngâm sau một năm mang ra dùng là ngon nhất.

Nước mơ ngâm sau một năm mang ra dùng ngon nhất. Lúc này, chất men trong quả mơ đã tiết ra hết, dịu lại, không nồng. Thịt quả mơ nhăn nhúm trông không đẹp nhưng khi ăn lại cực kỳ thơm ngon.

Nước mơ ngâm cho ra ly, thêm đá là ta có món giải khát rất mát lành trong mùa nắng nóng.

Bài & ảnh: Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI