Cô Bùi Minh Tâm và hành trình xây dựng ngôi trường hạnh phúc

23/11/2021 - 12:27

PNO - Cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1) là một trong 50 giáo viên TPHCM tiêu biểu vinh dự nhận giải Võ Trường Toản năm 2021 (do Sở GDĐT phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện). Hành trình 26 năm được cô góp nhặt từng viên gạch nhỏ, xây dựng trường học hạnh phúc...

Góp từng viên gạch nhỏ...

Trước khi làm công tác quản lý, cô Bùi Minh Tâm đã có 11 năm làm giáo viên Toán giảng dạy tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), ngay khi mới ra trường. Ở bất cứ vai trò nào, cô Tâm đều góp nhặt từng viên gạch nhỏ từ niềm tin yêu vào học sinh. Với cô, đây là nền tảng cho mọi hoạt động giáo dục và là nền móng của một trường học hạnh phúc.

Cô Bùi Minh Tâm vào vùng đỏ trao thiết bị học trực tuyến cho học sinh đầu năm học 2021-2022
Cô Bùi Minh Tâm vào vùng đỏ trao thiết bị học trực tuyến cho học sinh đầu năm học 2021-2022

Năm 2004, cô được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường THPT Lương Thế Vinh, khi đó vừa thành lập với tên gọi là Trường THPT Bán công Lương Thế Vinh. Mang tên trường bán công, lại nằm trong “vùng rốn” của Q.1, cô Tâm kể, lúc đó không phụ huynh nào muốn gửi con vào học. Để tuyển sinh, Ban giám hiệu phải đi phát tờ rơi đến từng trường, từng khu dân cư. Năm học 2004-2005, lứa học sinh đầu tiên của trường với 360 học sinh khối 6 và 360 học sinh khối 10. Trong đó, điểm chuẩn lớp 10 gần như thấp nhất TP.

Xuất phát điểm là một trường bán công nhưng ngay năm học đầu tiên, trường đã xây dựng phương châm: “Đẹp như công viên; Sạch như bệnh viện; Kỷ luật như quân đội; Chất lượng ngang bằng các trường THPT trên địa bàn Q.1”. Khi đó, phương châm này được đánh giá là “quá viển vông”.

Để hiện thực hóa phương châm, Ban giám hiệu trường bắt tay xây từng viên gạch nhỏ. Trường “chiêu mộ” sinh viên ngoại tỉnh mới ra trường, muốn ở lại TPHCM cống hiến. Gần như 100% giáo viên của trường đều là sinh viên giỏi của ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn nhưng không có hộ khẩu tại TP. Cạnh đó, trường mời giáo viên từng giảng dạy tại các trường như THPT Bùi Thị Xuân, Marie Curie đã về hưu trở lại trường làm công tác bồi dưỡng, dẫn dắt giáo viên trẻ.

Việc hình thành kỷ cương, nhân cách cho học sinh được trường đặt lên hàng đầu. Để đưa học sinh vào nề nếp, kỷ luật, nhà trường xây dựng một đội ngũ giám thị là bộ đội phục viên. Có thời điểm toàn trường có tới 11 giám thị. Hội đồng kỷ luật được lập ra là cầu nối tương tác giữa gia đình và nhà trường, tăng cường phối hợp giáo dục học sinh. 

Trường đã thành lập Ban cố vấn chuyên môn với sự góp mặt của nhiều GS.TS của ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn... tuần nào cũng dự giờ góp ý chuyên môn, phương pháp giảng dạy, giáo án cho đội ngũ giáo viên ở hầu hết bộ môn. 

“Thời điểm đầu khi hình thành kỷ luật nề nếp học sinh cực kỳ khó. Mời phụ huynh đến trường nhưng phụ huynh không đến, phải nhờ công an, học sinh tìm giúp địa chỉ nhà, đến tận nhà kiếm học sinh. Trường tìm mọi nguồn để hỗ trợ học sinh đóng học phí. Thấy thầy cô kiên trì, chăm lo, đồng hành, phụ huynh từng bước hợp tác”, cô Tâm nhớ lại.

Bằng tình yêu thương, trái ngọt sau năm học đầu tiên, học sinh nhà trường từ chỗ thiếu ý thức học tập, thường xuyên đánh nhau, trốn học đã có nề nếp kỷ luật và ý thức, phụ huynh đã có niềm tin vào trường. Sau 3 năm, điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 của trường đã tăng vọt, ngang bằng với một số trường THPT tại Q.1. 

“Từng chút một, từng điều nhỏ nhặt được góp lại, chăm chút, vun bồi. Đội ngũ giáo viên khi đó thực sự đã dành hết tâm huyết, sức lực vào ngôi trường, yêu thương học sinh bằng sự kiên trì, đồng hành, thấu hiểu. Ngày đó, cứ sau mỗi buổi học, giáo viên đều ở lại trường để kèm thêm cho học sinh. Thứ bảy, chủ nhật cũng vào trường dò bài, phụ đạo miễn phí cho các em”, cô Tâm bày tỏ.

... Xây ngôi trường hạnh phúc 

Năm 2013, cô Tâm giữ vai trò Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh. Với sứ mệnh xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, cô đặt ra phương châm mới cho nhà trường: “Đào tạo thế hệ công dân có nhân cách tốt, có đam mê trong học tập và tự chủ trong cuộc sống”, khép lại hành trình gần 10 năm hoàn thành sứ mệnh hình thành kỷ luật, nề nếp cho học sinh.

Cô Bùi Minh Tâm là một trong hai cán bộ quản lý tiêu biểu TPHCM năm 2021 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen
Cô Bùi Minh Tâm là một trong hai cán bộ quản lý tiêu biểu của TPHCM năm 2021 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen

Để kéo học sinh ra khỏi các tiệm game xung quanh trường, cô Tâm đã xây dựng hàng loạt các CLB từ học thuật, TDTT cho đến năng khiếu, nhiếp ảnh... Gần 15 CLB đã ra đời vào năm 2013, điều đặc biệt là tất cả đều do chính học sinh làm chủ nhiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động. “Khi được thầy cô tin tưởng, trao quyền, trao cơ hội để khẳng định mình, theo đuổi đam mê, các em hào hứng. Không khí học tập vì thế cũng vui vẻ. Từ năm học này, trường cũng bắt đầu mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy. Ở nhiều môn học đã gắn kết cùng các hoạt động, sản phẩm của học sinh tạo ra trong CLB, hình thành các dự án học tập. Học sinh được học, được phát triển khả năng, năng lực thông qua vừa học vừa chơi”, cô Tâm hào hứng.

Hành trình xây dựng trường học hạnh phúc còn là quá trình tạo tâm thế đứng lớp nhẹ nhàng cho giáo viên. Với vai trò "thuyền trưởng", cô Tâm đã xây dựng môi trường kết nối, lắng nghe, tôn trọng, thầy cô được trao quyền và tạo môi trường để đổi mới. 

Môi trường hạnh phúc, kết nối đã trở thành sức mạnh đoàn kết để thầy và trò Trường THPT Lương Thế Vinh cùng nhau đi qua tâm dịch năm học 2021-2022. Giữa tâm dịch, Ban giám hiệu kết nối với từng giáo viên hỏi thăm động viên, từng giáo viên lại kết nối với mỗi học sinh, phụ huynh để theo sát, trò chuyện. Các hoạt động trực tuyến tạo sân chơi cho học sinh liên tiếp được tổ chức, các tiết học online đổi mới được diễn ra. Trong gian khó, tâm thế tích cực, niềm tin vào cuộc sống cứ thế được lan ra, rộng mãi...

Hình ảnh cô hiệu trưởng đi vào “vùng đỏ” trao thiết bị học trực tuyến cho từng học sinh khó khăn đầu năm học không chỉ là sự san sẻ, đồng cảm mà còn như một lời nhắn nhủ để mỗi học sinh cùng gia đình vượt qua những khó khăn trong dịch bệnh. Trên hết, đó là sự đồng hành, tình yêu thương của thầy cô với học sinh trong mọi hoàn cảnh. 

“Đi qua mùa dịch trong một năm học hết sức đặc biệt càng thấm thía hơn, những mất mát, sợ hãi sẽ được nâng đỡ, xoa dịu bằng tình yêu thương và quan tâm kịp thời. Học sinh được dạy về sự chấp nhận và thích nghi cùng tinh thần vượt khó. Tôi tự hào rằng, ở Lương Thế Vinh có thể không nhiều học trò giỏi nhưng ở đó có những học trò hạnh phúc, biết vươn lên ngay cả trong gian khó...”, cô Tâm xúc động. 

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI