Có ai quá đáng như chồng tôi: ép con học 12 tiếng một ngày?

23/03/2023 - 09:00

PNO - Sự bàn bạc giữa vợ chồng là nhằm tìm ra phương án hỗ trợ, hướng dẫn con hiệu quả nhất chứ không phải thay con quyết định mọi thứ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em có 2 con trai sinh đôi, năm nay 12 tuổi, rất ngoan. Từ lúc có con, chồng em rất lo sẽ không dạy được con trong thời buổi công nghệ. Có lẽ vì vậy nên anh luôn dàn xếp để con học suốt 12 tiếng mỗi ngày. Khi con còn nhỏ, anh tự dạy; con lớn một chút thì anh gửi con đi học thêm, học năng khiếu, thể thao…

Bây giờ, con em đã vào nếp, quen với việc học suốt, nhưng chồng em thì ngày càng quá đáng. Mỗi lần thấy con rảnh rang ngồi xem ti vi, anh lại cố tình “vạch lá tìm sâu” để con phải ngồi vào bàn học. Ngay cả khi về thăm ông bà, đi du lịch, các con cũng phải đem theo sách vở vì “sợ ba la”.

Mới đây, em và chồng xung đột khi anh đòi gửi con vào một trường nội trú để rèn luyện đạo đức và tinh thần học tập. Nếu vào trường đó, các con chỉ được gặp ba mẹ vào Chủ nhật. Em phản đối vì cho rằng các con cần được gần ba mẹ.

Sự bức xúc của em lên đến đỉnh khi em nhìn thấy sự chịu đựng, nhẫn nhục trong mắt các con. 2 đứa chưa một lần phản kháng ba, nhưng những lúc bị ba bắt ngồi vào bàn một cách vô lý, trông các con rất chán nản. Em hỏi con có mệt không thì con nói “học cho yên chuyện, không muốn nghe ba la”.

Có lúc các cháu xin đi dã ngoại với bạn và lên kế hoạch rất khoa học để không ảnh hưởng việc học, nhưng rồi lại đành ở nhà chỉ vì ba nói “phải lo học”.

Cũng có khi em tự quyết cho bọn trẻ đi chơi, nhưng chúng không dám đi vì biết sau đó mấy mẹ con sẽ bị ba giận. Em từng nghĩ đến việc ly hôn để các con không phải sống trong bầu không khí áp đảo của ba. Nhưng liệu việc ly hôn có thực sự là con đường giải thoát?

Thảo Nguyễn (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo Nguyễn mến,

Chắc chắn ly hôn không phải là cách giải quyết vấn đề, bởi dù có ly hôn thì chồng em vẫn là ba của bọn trẻ, vẫn có các quyền và nghĩa vụ cơ bản của một người cha. Vấn đề cần giải quyết là sự bất nhất của vợ chồng em trong quan điểm dạy con.

Thực tế, vùi đầu vào sách vở 12 tiếng mỗi ngày là quá nhiều với một đứa trẻ 12 tuổi. Tuy nhiên, tranh cãi về từng chi tiết sẽ không đưa lại hiệu quả, bởi mỗi lựa chọn phụ thuộc vào tư duy của từng người về cách nuôi dạy con.

Em cần chia sẻ với chồng về những mong mỏi, hình dung của em về tương lai của con; đồng thời đề nghị anh ấy cùng chia sẻ để thống nhất một lộ trình nuôi dạy con phù hợp. Lộ trình này còn cần xét đến yếu tố tối quan trọng: tâm tính, ý muốn và mơ ước của các con.

Việc của cha mẹ là tạo không gian an toàn, thuận lợi, hỗ trợ và hướng dẫn con thực hiện những điều con mong mỏi. Sự bàn bạc giữa vợ chồng là nhằm tìm ra phương án hỗ trợ, hướng dẫn con hiệu quả nhất chứ không phải thay con quyết định mọi thứ.

Nếu vẫn không thống nhất được quan điểm dạy con, em và chồng nên liệt kê rõ những điều mình thấy được và chưa được trong cách dạy con hiện tại. Sau đó, hãy tìm một chuyên gia tâm lý tuổi teen hoặc một nhà giáo dục uy tín để tham khảo ý kiến. Khi có phân tích của chuyên gia, em và chồng sẽ sáng rõ hơn về những điều mình nên làm hoặc nên tránh với con, đồng thời xác định được những mục tiêu cơ bản để cùng nhau theo đuổi.

Khi đã thống nhất ở tầng quan điểm, 2 em cũng sẽ dễ thống nhất ở các tình huống cụ thể, bởi lúc đó lựa chọn được xét theo mục tiêu chung chứ không còn tùy vào việc chồng hay vợ muốn gì nữa. Hãy tạo không gian đủ cởi mở để con chia sẻ.

Cần lưu ý sức khỏe tinh thần, bên cạnh các thành tích học tập của con. Khi cân đối được những điều này, vợ chồng em sẽ có được hướng đi đúng đắn trong việc nuôi dạy con cái.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI