Cleopatra: Tượng đài phim cổ trang của Hollywood

28/03/2023 - 06:05

PNO - Có nhiều tác phẩm mà chỉ quy mô sản xuất đồ sộ đã đủ biến nó trở thành huyền thoại trong lịch sử điện ảnh, tiêu biểu như Cleopatra.

Ngày 23/3 năm nay, thế giới tưởng niệm 12 năm ngày mất của đại minh tinh Elizabeth Taylor. Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, bà từng tham gia đến 79 vai diễn nhưng được nhớ đến nhiều nhất vẫn là khi hóa thân thành Cleopatra trong tác phẩm cùng tên.

Tháng 9/1959, nhà sản xuất Walter Wanger liên lạc với Elizabeth Taylor khi bà đang ở trường quay Suddenly, Last Summer. Lúc bấy giờ, minh tinh đang tỏa sáng rực rỡ ở Hollywood sau 2 đề cử Oscar và nhiều vai diễn thành công. Bà nói đùa rằng chỉ nhận vai nếu được trả 1 triệu USD - kỷ lục ở Hollywood thời bấy giờ. Thế nhưng, Wanger bất ngờ đồng ý và về sau còn ký hợp đồng trao cho Taylor 10% doanh thu của bộ phim.

Cleopatra trong một bộ trang phục xa hoa
Cleopatra trong một bộ trang phục xa hoa

Quy mô đầu tư khổng lồ

Cleopatra, vị nữ hoàng Ai Cập sống cách chúng ta 21 thế kỷ, giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử phương Tây. Bà là quân chủ cuối cùng của Ai Cập trước khi nơi đây trở thành một tỉnh của đế chế La Mã. Nhan sắc, cuộc đời ngắn ngủi  của Cleopatra cùng cuộc tình với 2 lãnh đạo La Mã là Julius Caesar và Mark Antony biến bà thành nhân vật được nhiều người biết đến. Năm 2022, bài viết về bà thậm chí đứng đầu danh sách được xem nhiều nhất trên Wikipedia.

Ở thời điểm năm 1963, Cleopatra là một dự án lớn chưa từng có ở Hollywood. Tầm vóc của nó giống như bộ phim Avatar của thời hiện đại - 1 tác phẩm điện ảnh trở thành 1 sự kiện văn hóa đương đại. Bộ phim đình đám đến nỗi hầu như khán giả nào cũng biết về nó dù có thể họ chưa xem bao giờ trọn tác phẩm. 

Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng vì lối sống xa hoa và bộ phim về cuộc đời bà cũng thế. Kinh phí dự án là 44 triệu USD ở thập niên 1960, nếu tính theo thời giá hiện đại lên đến 340 triệu USD - tương đương với phần hai phim Avatar.
Phim quay hơn 3 năm, có 2.000 nhân viên và 264 bối cảnh, trong đó có đến 79 cảnh dựng.

Bối cảnh thành phố Alexandria cổ đại và nghị viện La Mã được xây dưng đến 3 lần và có kích thước như ngoài đời. Để khắc họa đại thủy chiến Actium, hãng Fox phải chuẩn bị số lượng tàu thuyền khổng lồ, riêng chiến thuyền chỉ huy của Cleopatra tốn đến 2 triệu USD, tính theo thời giá hiện đại. Tác phẩm còn dùng đến 26.000 bộ trang phục, trong đó riêng Taylor đã có đến 65 bộ.

Quy mô thiết kế tạo nên sự hoành tráng cho bộ phim
Quy mô thiết kế tạo nên sự hoành tráng cho bộ phim

Một bi kịch của hồng nhan

Kịch bản được xây dựng từ cuốn sách The life and times of Cleopatra (tạm dịch: Cuộc đời và thời đại của Cleopatra) của Carlo Maria Franzero, kết hợp với tư liệu lịch sử từ Plutarch, Suetonius và Appian. Phim bắt đầu khi đại tướng La Mã Julius Caesar (Rex Harrison) đến Ai Cập, giữa lúc đất nước này đang lâm vào nội chiến sau cái chết của cha Cleopatra. Cleopatra (Elizabeth Taylor) quyến rũ Caesar và thuyết phục được ông bảo vệ vị trí của bà trên ngai vàng.

Họ kết hôn, có 1 con trai và xây dựng 1 kế hoạch vĩ đại, trong đó Cleopatra sẽ thống trị Ai Cập và Caesar lên ngôi hoàng đế ở Rome. Khi Cleopatra đến Rome, phong thái diễm lệ và xa hoa của bà đã mê hoặc dân chúng. Tuy nhiên, giấc mộng của Caesar và Cleopatra sớm lụi tàn khi ông bị những kẻ thù địch ám sát.

Trailer phim Cleopatra:

 

Cleopatra tức giận sau khi di chúc của Caesar công nhận Octavian (Roddy McDowall), chứ không phải con trai bà, là người thừa kế chính thức của ông. Sau này, bà yêu và liên minh với đại tướng Mark Antony (Richard Burton) - từng là thuộc cấp của Caesar. Tình thế của La Mã lúc đó dẫn đến cuộc đại chiến giữa 2 phe, lần lượt do Octavian và Mark Antony lãnh đạo. Ở thủy chiến Actium, phe của Antony thất bại và những bi kịch sẽ chờ đợi ông và Cleopatra, một khi Octavian kéo quân đến Ai Cập.

Với thời lượng 251 phút (hơn 4 giờ), Cleopatra là một trường ca đúng nghĩa trên màn ảnh. Bộ phim khắc họa giai đoạn đầy biến động của thế giới cổ đại, với nhiều cuộc chiến và âm mưu tranh đoạt trên chính trường. Dù tên phim là Cleopatra, tác phẩm cũng dành nhiều thời gian cho hàng loạt nhân vật lịch sử thời bấy giờ, tạo ra một bức tranh sống động cho những ai hứng thú với lịch sử đế chế La Mã.

Giữa câu chuyện bi tráng đó, diễn xuất và thần thái của Elizabeth Taylor đã chinh phục khán giả. Vai diễn này mãi mãi gắn liền với tên tuổi của minh tinh trong lịch sử điện ảnh. Khoảnh khắc để đời của Cleopatra trong phim là lúc nữ hoàng sang Rome hội ngộ lãnh đạo La Mã Caesar. Thời đó, Ai Cập nổi tiếng là xứ sở giàu tài nguyên, nên Cleopatra đã phô trương hết cỡ để chứng minh sự giàu có của quốc gia, cũng như danh vọng bản thân. Buổi lễ đó đã khiến dân chúng và giới quý tộc La Mã phải thán phục.

Chuyện phim giả tình thật giữa Elizabeth Taylor và Richard Burton gây bàn tán suốt thời gian dài
Chuyện phim giả tình thật giữa Elizabeth Taylor và Richard Burton gây bàn tán suốt thời gian dài

Elizabeth Taylor, trong vai Cleopatra, sở hữu nhan sắc có thể làm lay động bất kỳ nam nhân nào. Dáng vẻ, nét mặt của bà toát lên cả vẻ quyến rũ lẫn sang trọng và quyền lực. Vào giai đoạn lịch sử trong phim, Ai Cập không còn là cường quốc quân sự và phải dựa vào La Mã để tồn tại. Thế nên, Cleopatra phải khéo léo trong các mối quan hệ và sử dụng vẻ đẹp của mình như một thứ vũ khí. Nhưng sâu thẳm, bà vẫn là 1 phụ nữ với những tâm tư đời thường trong tình yêu và bản năng bảo vệ con mình.

Nửa sau của phim mang nhiều màu sắc bi kịch khi Cleopatra và Marc Antony dần thất thế trong cuộc chiến với Octavian. Khán giả được chứng kiến mối tình nồng thắm của đôi trai tài gái sắc nhưng cũng biết rõ số phận không thể tránh khỏi của họ. Đạo diễn Mankiewicz đã cố gắng biến tác phẩm thành bộ phim về con người và cảm xúc của họ hơn là loạt màn trình diễn thị giác. Đến cuối cùng, tình cảm và sự gắn bó của 2 nhân vật có thể lay động nhiều khán giả. Tuy nhiên, kịch bản cũng vướng phải một số chỉ trích khi quá đề cao Cleopatra mà biến nhân vật Octavian (tức hoàng đế La Mã Augustus lừng danh về sau) thành kẻ phản diện thái quá.

Khi trình chiếu vào năm 1963, Cleopatra nhận sự quan tâm lớn và dẫn đầu phòng vé Mỹ suốt 12 tuần. Tuy nhiên, kinh phí quá lớn khiến tác phẩm này không thể hòa vốn trong năm. 3 năm sau, hãng Fox mới có thể thu hồi vốn sau khi bán bản quyền truyền hình của phim cho đài ABC. Ở giải Oscar, Cleopatra nhận đến 9 đề cử, bao gồm “Phim xuất sắc”. Tác phẩm thắng ở 4 hạng mục: kỹ xảo, thiết kế, quay phim và phục trang - kết quả hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực của ê kíp.

Rex Harrison nhận đề cử Oscar với vai Caesar
Rex Harrison nhận đề cử Oscar với vai Caesar

Cleopatra còn được nhớ đến bởi một số vụ ồn ào bên lề, đặc biệt là quan hệ của Richard Burton và Elizabeth Taylor - thường được xem là chuyện “phim giả tình thật” gây bàn tán nhất lịch sử điện ảnh. Khi cùng đóng phim, họ đều là những ngôi sao đình đám nhất Hollywood và đã có gia đình. Cuối cùng, Burton và Taylor đã chia tay bạn đời để đến với nhau nhưng hôn nhân của họ cũng chỉ tồn tại được 10 năm.

Một sự cố khác là ở giải Oscar, khi hãng Fox đã đăng ký nhầm Roddy McDowall vào hạng mục nam diễn viên chính thay vì nam phụ. Viện hàn lâm cho rằng vai diễn của ông không đủ điều kiện cho hạng mục nam chính nên McDowall không được đề cử. Trong khi đó, nếu được đăng ký vào hạng mục nam phụ thì tài tử này lại là ứng cử viên sáng giá do giới chuyên môn khi đó hết mực khen ngợi ông. Hãng Fox sau đó phải công khai xin lỗi McDowall vì đã làm mất 1 cơ hội lớn trong sự nghiệp của nam diễn viên. 

Ân Nguyễn

Ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI