Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn

06/06/2018 - 17:56

PNO - Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn là những lát cắt đa chiều về các giá trị của mảnh đất này. Bắt đầu từ các lễ hội, sách đi dần đến những câu chuyện đời sống, con người.

Từng đến nhiều quốc gia xa xôi, tiếp cận những bộ tộc có đời sống hoang dã, nhưng thay vì viết sách du ký, tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đình lại là một chuyên khảo về văn hóa vùng Chợ Lớn xưa và nay: Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn (Phương Nam Books và nhà xuất bản Thế Giới ấn hành).

Nguyễn Đình không phải người Hoa, nhưng đã vì “cuộc nghiên cứu” văn hóa Chợ Lớn mà đi học tiếng Hoa, để lắng nghe câu chuyện của những Hoa kiều di cư. “Hơn 20 năm trước, khi còn là một cậu bé, tôi đến Chợ Lớn và rất thích văn hóa trà ở đây. Nhưng có lần, bước vào cửa hàng, hỏi thăm một loại trà và bị chủ quán mắng, đuổi cổ, vì… con nít con nôi, có tiền mua không mà hỏi” - Nguyễn Đình nhớ lại.

Ký ức ấy là cái duyên khiến anh quyết định phải tìm hiểu về trà lẫn những giá trị văn hóa của vùng đất Chợ Lớn.

Chuyen nho o Cho Lon

“Suốt 20 năm loanh quanh cùng phố xá, hội quán, chùa miếu, ghi lại hình ảnh tư liệu của danh thắng, món ăn… tôi nhận ra Chợ Lớn có rất nhiều biến chuyển cả tích cực lẫn tiêu cực. Bộ môn lân - sư - rồng ngày càng khẳng định đẳng cấp cùng thế giới, nhưng nhiều công trình kiến trúc đang oằn mình cùng thời gian; cổ vật bị dòm ngó, đục khoét” - Nguyễn Đình chia sẻ.

Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn là những lát cắt đa chiều về các giá trị của mảnh đất này. Bắt đầu từ các lễ hội, sách đi dần đến những câu chuyện đời sống, con người. Trong đó có riêng một phần dành cho “thế giới kỳ lân” - khởi nguồn và phát triển từ các nghệ nhân vùng Chợ Lớn. Nguyễn Đình viết như một người “vừa đi đường vừa kể chuyện”.

Anh vào những quán ăn, qua từng con phố, tìm hiểu nghề mài dao bốc thuốc, hòa vào cộng đồng để hiểu cuộc sống của người Hoa xưa - từ thế hệ đầu tiên định cư tại Sài Gòn. Mỗi đề tài đều được anh tìm hiểu, đối chiếu cẩn trọng với những bậc “trưởng bối” trong cộng đồng người Hoa.

Sách có nhiều hình ảnh chụp theo phong cách ảnh báo chí. Nhờ thế mà người đọc dễ dàng hình dung, cảm được từng di tích được nhắc đến, những khu phố ăn uống sầm uất hay những quán ngon đặc biệt trong các hẻm nhỏ Q.5. Những ghi chép, hình ảnh ấy làm nên một “phong vị Chợ Lớn” và để lưu giữ ký ức về văn hóa Chợ Lớn. Có những bức tượng gốm rất đẹp ở cổng chùa, nhưng chỉ vài tháng sau khi anh đến chiêm ngắm và chụp ảnh thì đã biến mất. Nhiều nghệ nhân lo nghề làm đầu lân, sư rồng, ông địa… sẽ mai một vì không có truyền nhân. Những di tích được trùng tu đã mất đi dáng hình nguyên thủy…

Đã có rất nhiều bài viết, phim tư liệu tiếp cận đời sống văn hóa Chợ Lớn xưa và nay. Nhưng hiếm có cuốn sách nào chỉ tập trung viết về vùng đất này chi tiết, sống động như Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn, để ta khám phá và yêu thương. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI