Chuyện nghề của Thủy

29/04/2013 - 08:24

PNO - PNO - NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tập sách Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng.

Tác giả Lê Thanh Dũng cho biết: “Tôi xin thưa rằng trong cuốn sách này, có phần những câu chuyện Thủy kể miệng, tôi ghi lại bằng câu chữ của tôi qua sự cảm nhận của tôi như một người bạn hiểu nhau và là người đã trải nghiệm những hoàn cảnh tương tự; nhưng có phần tôi dành hoàn toàn để hắn bày tỏ quan điểm và tâm tư của riêng hắn về những vấn đề cụ thể - hắn viết và đọc cho tôi ghi”.

Chuyen nghe cua Thuy

Qua tập sách này, chúng ta được trở về từ những năm tháng tuổi trẻ và những ngày làm phim của tác giả Hà Nội trong mắt ai  với nhiều chi tiết chân thực. Tháng 11/1970, tại LHP Quốc tế Leipzig, bộ phim đầu tay Những người dân quê của Trần Văn Thủy quay ở chiến trường Quảng Đà đoạt giải Bồ Câu Bạc. Năm 1980, bộ phim Phản bội giành giải vàng LHP Việt Nam, rồi Hà Nội trong mắt ai cũng giành vòng nguyệt quế năm 1988. Có lẽ, tác phẩm đặc sắc nhất của Trần Văn Thuỷ phải kể đến Chuyện tử tế. Bộ phim này dự LHP Leipzig được giải Bồ Câu Bạc. Năm 1999, phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai được giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43...

Tuy nhiên, sự hấp dẫn của tập sách có lẽ do Chuyện nghề của Thủy đã hé lộ những sóng gió, chông gai mà Trần Văn Thủy gặp trong suốt quá trình thực hiện và giới thiệu hai bộ phim nổi tiếng của ông: Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế. Thậm chí có lúc, “Bạn bè tình cờ gặp anh ngoài đường, vội nhảy xuống xe, mắt trước mắt sau mới dám hỏi: "Thủy sao mày còn ở đây? Mày chưa bị bắt à?". Nhưng rồi mọi việc cũng ổn cả.

Qua nhiều tư liệu trong sách, người đọc tiếp cận được những thước phim có của lời bình “sát ván” mà nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét: “Có thể không ngần ngại mà nói rằng, anh là một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”.

Chẳng hạn trong phim Chuyện tử tế, Trần văn Thủy viết lời bình: “Ừ, nghề của chúng tôi cũng là một nghề hèn, nghề mọn. Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra, mọn vì cái làm ra cũng chẳng mấy ai cần đến. Ông có cái lò gạch đâu có biết, bấy lâu nay chúng tôi mắc phải một thói quen cố hữu: chỉ mong sao làm vừa lòng bề trên. Một cuốn sách, một vở diễn, một bộ phim ra đời đâu có mấy phụ thuộc vào sự hữu hiệu của nó với cuộc đời, lại chẳng mấy phụ thuộc vào mong muốn của những người lam lũ như ông - mà thường, nhất nhất trông đợi ở sự xem xét của bề trên chúng tôi. Bề trên chúng tôi bằng lòng thì được, không bằng lòg ắt phải bỏ. Bề trên chúng tôi khen, thì chúng tôi sung sướng. Bề trên chúng tôi chê, thì chúng tôi buồn rầu”.

Đọc Chuyện nghề của Thủy, ta thấy được tấm lòng của một đạo diễn: “Sức mạnh và sự hấp dẫn là SỰ THẬT! Tôi yêu đất nước này, tôi có tấm lòng thiết tha với xứ sở đã sinh ra mình và tôi muốn làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi khát khao làm sao cuộc sống của con người phải xứng đáng với sự hi sinh. Đó chính là điểm xuất phát của tôi”.


M.N

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI